Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC, với vai trò là doanh nghiệp sản xuất thượng nguồn cho ngành dệt may Việt Nam, dự kiến hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã chứng khoán: STK – sàn: HoSE) sẽ phục hồi sớm hơn những doanh nghiệp cùng ngành khác, nhanh nhất vào quý 3/2023 khi các khách hàng bắt đầu có nhu cầu tích trữ hàng tồn kho cho vụ Đông Xuân 2024.
Sợi Thế Kỷ là doanh nghiệp sản xuất sợi lâu đời tại Việt Nam với sản phẩm chính là sợi poly. Hiện công ty có 2 nhà máy sản xuất sợi FDY và DTY với công suất 63.000 tấn/năm. Sợi Thế Kỷ đang nỗ lực hiện thực hoá tham vọng gia tăng sản lượng sợi chất lượng cao, mở rộng thị phần trong nước với việc tăng tốc triển khai dự án nhà máy mới Unitex có tổng công suất 60.000 tấn sợi/năm (giai đoạn 1 là 34.000 tấn/năm; giai đoạn 2 là 24.000 tấn/năm).
Theo lãnh đạo Sợi Thế Kỷ, dự án Unitex sẽ giúp nâng tổng công suất của công ty lên gấp đôi so với công suất hiện nay. Bên cạnh đó, với việc tăng tỷ lệ sản xuất các loại sợi đặc biệt thân thiện với môi trường, dự án này sẽ giúp công ty nâng cao tỷ trọng sử dụng nguồn nguyên vật liệu tái chế bảo vệ môi trường (hạt nhựa PET chip tái chế từ chai nhựa đã qua sử dụng), đáp ứng xu hướng hiện nay của các hãng thời trang, đặc biệt là khách hàng thương hiệu.
Giữa tháng 3 vừa qua, Sợi Thế Kỷ đã ký kết thành công khoản vay hợp vốn với tổng trị giá 52,5 triệu USD (gần 1.233 tỷ đồng) cho dự án Unitex, khoản vay này có thời hạn vay là 57 tháng và dự kiến sẽ được giải ngân trong năm 2023 và 2024. Chứng khoán DSC hiện nhận định dự án Unitex có thể đi vào hoạt động trong quý 1/2024 với công suất 40% để áp ứng làn sóng phục hồi của ngành dệt may vào cuối năm nay.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 30/5, cổ phiếu STK của Sợi Thế Kỷ có giá tham chiếu tại 27.350 đồng/cổ phiếu.
Đánh giá về tình hình kinh doanh giai đoạn vừa qua của Sợi Thế Kỷ, Chứng khoán DSC nhận định lợi nhuận của công ty đang phản ánh những gì xấu nhất. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý 1/2023 của Sợi Thế Kỷ chỉ đạt 288 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái, do không có nhiều đơn đặt hàng trong và ngoài nước dưới áp lực lạm phát và tồn kho cao.
Mặc dù doanh nghiệp đã nỗ lực tiết giảm chi phí nhân công về còn hơn 20 tỷ đồng (giảm 47,5% so với quý 1/2022) nhưng chi phí tài chính lại tăng lên mức hơn 13 tỷ đồng (tăng 160% so với quý 1/2022) bởi lỗ chênh lệch tỷ giá. Điều này khiến cho lợi nhuận sau thuế quý 1/2023 của Sợi Thế Kỷ chỉ đạt vỏn vẹn 1,6 tỷ đồng (giảm 97,4% so với quý 1/2022).
Về cơ cấu tài sản, tính đến cuối quý 1/2023, hàng tồn kho của Sợi Thế Kỷ đạt 465 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lượng thành phẩm chiếm tỷ trọng 61% do thiếu hụt đơn hàng mới khiến lượng thành phẩm tồn kho tăng. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới biên lợi nhuận doanh nghiệp trong thời gian tới khi lượng thành phẩm vẫn còn tồn với mức chi phí sản xuất cao và giá bán sợi đang duy trì ở mức thấp khi doanh nghiệp đang giảm giá bán giữ chân khách hàng và xả hàng tồn kho.
Theo ước tính của Chứng khoán DSC, biên lợi nhuận gộp của Sợi Thế Kỷ sẽ duy trì ở mức 4 - 6% đến hết quý 2/2023, giảm 14 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận của Sợi Thế Kỷ có thể tăng từ 3 – 5 điểm phần trăm trong thời gian tới khi giá nhựa PET – nguyên liệu chính cho sản xuất sợi đang giảm xuống. Cụ thể, giá nhựa PET hiện đã giảm tới 21,6% so với mức đỉnh xác lập hồi quý 2/2022 theo đà giảm của giá dầu.
Chứng khoán DSC dự báo giá dầu sẽ không biến động quá lớn, quanh mức 70 - 80 USD/thùng bởi suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu; do vậy, giá hạt PET sẽ tiếp tục neo quanh vùng 1,2 - 1,3 USD/kg.