Lợi nhuận của TPBank gần 5.000 tỷ đồng sau 3 quý

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã chứng khoán TPB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.575 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng đạt 4.959 tỷ đồng.

Liên tục có cập nhật chính sách lãi suất ưu đãi, thực hiện các biện pháp giảm lãi, giảm phí hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân, TPBank tiếp tục tối ưu hoạt động kinh doanh thông qua giảm chi phí, ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa năng suất lao động và mang lại tiện lợi cho khách hàng.

Sau 9 tháng, với sự kiện cán mốc 10 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ và con số tiếp tục tăng, ngân hàng ghi nhận điểm nhấn trong kết quả kinh doanh với khoản thu nhập dịch vụ cao hơn 15% so với cùng kỳ, đạt 2.165 tỷ đồng. Riêng trong năm 2023, TPBank đã có thêm hơn 1,5 triệu khách hàng mới sử dụng dịch vụ.

lợi nhuận của TPBank
TPBank vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.575 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng đạt 4.959 tỷ đồng.

Thời gian qua, TPBank liên tục cập nhật chính sách lãi suất ưu đãi, giảm phí hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân vượt qua giai đoạn khó khăn. Ngân hàng cam kết giảm lãi vay ước tính gần 1.400 tỷ đồng, cùng 76 tỷ đồng các loại phí cho khách hàng trong năm nay. Điều này tác động đến lợi nhuận của TPBank, ghi nhận ở mức gần 5.000 tỷ đồng sau 9 tháng.

Với những chính sách thiết thực cho thị trường và xã hội, khách hàng luôn dành sự tin tưởng và ủng hộ với TPBank, điều này thể hiện qua số liệu tăng trưởng tiền gửi, cùng với tỷ lệ CASA cải thiện đáng kể. Trong khi đó, tăng trưởng cho vay khách hàng gần 12% và nợ xấu được kiểm soát trong ngưỡng cho phép, dù bị ảnh hưởng bởi những khó khăn của phân khúc tài chính tiêu dùng.   

Kết thúc 9 tháng, tổng tài sản của TPBank tăng 5% so với cuối năm trước, đạt trên 344.400 tỷ đồng. Đầu năm 2023, TPBank cũng đã tăng vốn điều lệ lên hơn 22.000 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 39,19%.

Các chỉ số an toàn khác được TPBank duy trì ở mức tốt, trong đó hệ số an toàn vốn (CAR)theo chuẩn Basel III đạt 11%, thuộc top cao của ngành ngân hàng. Vừa qua, TPBank tiếp tục giữ vững là ngân hàng có sức khỏe tài chính hàng đầu Việt Nam, theo xếp hạng Asian Banker. Ngân hàng luôn chủ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trong phạm vi an toàn theo yêu cầu của NHNN, có các kế hoạch quản trị tốt nhất về chất lượng tài sản, duy trì và củng cố sức mạnh toàn diện trong hệ thống quản trị, đáp ứng sớm và đầy đủ các chuẩn mực quốc tế khắt khe nhất.

Xem thêm:"TPBank nhận giải quốc tế về chất lượng dịch vụ và ứng dụng ngân hàng số" trên Tạp chí Công Thương tại đây"

Vừa qua, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã ký cam kết cung cấp khoản vay trị giá 100 triệu USD cho TPBank với kỳ hạn 7 năm. Khoản tín dụng sẽ được TPBank hướng đến khách hàng cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, trong đó có nhóm khách hàng nữ thu nhập thấp và các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo tại Việt Nam. Điều này đồng thời củng cố nguồn lực tài chính của TPBank để tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng khách hàng.

TPBank liên tiếp nhận chùm giải thưởng uy tín như: Top 5 thương hiệu ngân hàng tư nhân giá trị nhất với định giá 424,88 triệu USD, chỉ số sức mạnh đạt 69,37; Top 15 Largecap Doanh nghiệp niêm yết đạt Chuẩn Công bố thông tin trên thị trường chứng khoán năm 2023 trong khuôn khổ Giải thưởng IR Awards 2023; Top 10 Ngân hàng thương mại Uy tín nhất Việt Nam 2023; Top 20 doanh nghiệp/ngân hàng có chỉ số phát triển bền vững tốt nhất thị trường chứng khoán (VNSI - Vietnam Sustainability Index) cho kỳ từ tháng 7/2023 - tháng 7/2024 do Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSX) công bố….

 

Lan Anh