Dự kiến lợi nhuận kinh doanh cốt lõi của PVTrans Pacific tăng 14 lần
Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (PVTrans Pacific, mã cổ phiếu PVP – sàn HoSE) ghi nhận doanh thu đạt hơn 665 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lãi ròng lên đến hơn 102 tỷ đồng, tăng 230% so với nửa đầu năm 2022. Hiện PVTrans Pacific là đơn vị có thị phần vận chuyển dầu thô lớn nhất cả nước, cũng như là nhà cung cấp dịch vụ kho chứa nổi (FSO) hàng đầu Việt Nam.
Theo đánh giá mới nhất của Tiên Phong Securities Research (TPS Research), lãi ròng cả năm nay của PVTrans Pacific ước đạt 215 tỷ đồng, tương đương mức thực hiện của năm 2022 do không ghi nhận lợi nhuận đột biến từ thanh lý tàu Athena, nhưng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi (vận tải dầu thô và cho thuê FSO) có thể tăng 14,2 lần so với năm 2022 nhờ các điều kiện thuận lợi trên thị trường.
Cụ thể, việc phương Tây áp đặt lệnh cấm vận lên các sản phẩm xăng dầu của Nga đã làm thay đổi bản đồ dòng chảy năng lượng toàn cầu khiến hải trình trung bình của các sản phẩm dầu khí trong năm 2023 tăng khoảng 3,5% trong năm 2023, theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Trong bối cảnh nguồn cung đội tàu hạn chế, giá cước tàu dầu thô tăng mạnh từ nửa cuối năm 2022 và dự kiến sẽ còn neo cao trong thời gian tới. Theo đó, giá cước cho thuê tàu Apollo (trọng tải 105.465 DWT) của PVTrans Pacific đã tăng từ mức 10.000 USD/ngày lên 30.000 USD/ngày. Tháng 05/2023, PVTrans Pacific đã ký hợp đồng mới cho tàu Apollo với mức cước trung bình 37.000 - 40.000 USD/ngày.
Đáng chú ý, giá dầu thô thế giới trong tháng 08/2023 dao động trong khoảng 77-80 USD/thùng, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng giá cước tàu chở dầu thô loại Aframax (trọng tải 80.000 – 120.000 DWT) vẫn tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này giúp đảm bảo duy trì biên lợi nhuận ở mức cao đối với các doanh nghiệp vận tải dầu thô.
Với vùng giá cước hiện tại, TPS ước tính biên lợi nhuận gộp từ tàu Apollo của PVTrans Pacific có thể đạt mức 50% mặc dù tàu đang được khấu hao nhanh 6 năm thay vì 10 năm như thông thường.
Hưởng lợi từ chính sách mới, sẽ mở rộng đội tàu trong thời gian tới
Bên cạnh việc hưởng lợi từ giá cước neo cao, khối lượng công việc của PVTrans Pacific còn được đảm bảo nhờ việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã hoãn thời gian bảo dưỡng sang đầu năm 2024. Do đó nhà máy này dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất tối đa 105% trong năm nay, kéo theo đó là nhu cầu nhập dầu thô đầu vào tăng lên.
PVTrans Pacific hiện là đơn vị nhận uỷ thác của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã cổ phiếu PVT - sàn HoSE) thực hiện hợp đồng cung cấp dầu thô cho Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR – sàn UPCoM) đảm nhận bao tiêu 100% sản lượng dầu thô đầu vào từ các mỏ trong nước và nhập khẩu về Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
PVTrans Pacific cũng đang thực hiện vận chuyển dầu thô quốc tế xuất khẩu từ các mỏ trong nước cho người mua nước ngoài và cho thuê tàu cho đối tác nước ngoài lớn như Shell, Vitol, Luk OIL và mở rộng giao dịch với khách hàng Trung Đông như ADNOC, ENOC, SK Energy...
EIA hiện dự báo khối lượng dầu cần vận chuyển vận chuyển trên toàn cầu sẽ tăng trưởng lần lượt 0,5% và 1,5% trong giai đoạn 2023-2024, chủ yếu do kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa và tăng sản lượng cung cấp từ khu vực Đại Tây Dương. Điều này sẽ giúp đảm bảo khối lượng công việc của PVTrans Pacific trong thời gian tới.
Đáng chú ý, TPS nhận định việc Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 được ban hành vào tháng 7/2023 vừa qua sẽ gia tăng nhu cầu dự trữ dầu thô cho sản xuất và an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới, từ đó gia tăng khối lượng công việc cho PVTrans Pacific.
Theo đó, hai trong số các mục tiêu chính của Quy hoạch trên là: (1) Đảm bảo hạ tầng dự trữ dầu thô, nguyên liệu và sản phẩm theo thiết kế các nhà máy sản xuất và chế biến xăng dầu hoạt động ổn định, đáp ứng tối thiểu 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021 - 2030, đến 25 ngày nhập ròng giai đoạn sau năm 2030; (2) Xây mới 1-2 kho dự trữ dầu thô tại khu vực gần các Nhà máy lọc dầu (Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn) với tổng công suất 1-2 triệu tấn dầu thô.
PVTrans Pacific đặt kế hoạch đầu tư thêm 5 tàu gồm 3 tàu chuyển tiếp (1 tàu VLCC/VLGC và 2 tàu Aframax) và 2 tàu MR trong thời gian tới để nâng cao năng lực hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ban lãnh đạo công ty, do biến động kinh tế thế giới, lạm phát, xung đột địa chính trị khiến tình hình thị trường mua bán tàu không thuận lợi, chưa sớm thực hiện được trong năm nay.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 13/9, cổ phiếu PVP đạt 14.500 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu PVP đã tăng gần 20%.