Long An: Tốc độ tăng trưởng quý I cao nhất 3 năm trở lại đây

Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An, quý I năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I cao nhất so với 03 năm gần đây.
Long An
Toàn cảnh họp báo quý I

Chiều ngày 10/4, UBND tỉnh Long An tổ chức họp báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024, trong quý I năm 2024

Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An, trong quý I năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; đạt kết quả khả quan trên hầu hết các lĩnh vực.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) quý I năm 2024 ước đạt 4,83%. Đây là mức tăng trưởng tích cực, cao nhất so với cùng kỳ 3 năm trở lại đây. Với mức tăng trưởng này, tỉnh Long An đứng thứ 6/13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, khu vực 1 tăng 2,96%; khu vực 2 tăng 5,35% và khu vực 3 tăng 6,22%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,92%.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, phát triển ổn định; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ tiếp tục phát triển; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập nhập khẩu tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ; chuỗi cung ứng toàn cầu dần được nối lại.

Thu ngân sách được tập trung chỉ đạo ngay từ đầu năm, đạt kết quả rất tích cực. Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư diễn ra sôi nổi; tổ chức thành công nhiều Hội nghị xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu môi trường để đầu tư tại tỉnh. Hoạt động văn hóa xã hội được tập trung triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra; các chính sách an sinh xã hội, nhất là chăm lo, hỗ trợ cho đối tượng trong dịp lễ, tết được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được tập trung thực hiện, đạt kết quả tích cực.   

Cụ thể, về hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển mạnh mẽ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong quý tăng 12,77% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ, chuỗi cung ứng toàn cầu dần được nối lại, các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường mới (xuất khẩu tăng 18,5%, nhập khẩu tăng 14,5%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I  ước đạt 24.561,1 tỷ đồng, tăng 12,77% so với cùng kỳ; trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 15.546,1 tỷ đồng, tăng 12,87%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành đạt 2.531,5 tỷ đồng, tăng 13,5%; doanh thu dịch vụ khác đạt 6.483,5 tỷ đồng, tăng 12,2%. Kim ngạch xuất khẩu quý I ước 1.800 triệu USD, tăng 18,5%; kim ngạch nhập khẩu ước 1.143 triệu USD, tăng 14,52%.

Long An
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I  ước đạt 24.561,1 tỷ đồng, tăng 12,77% so với cùng kỳ

Quý tới, tỉnh Long An tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thương mại, dịch vụ; kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, logistics, kho vận: Ban hành kế hoạch chương trình xúc tiến thương mại năm 2024. Tổ chức thành công Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp tỉnh Long An và doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 6 chuyên ngành sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam.

Long An tiếp tục hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp đăng các sản phẩm OCOP, sản phẩm CNNTTB, các sản phẩm đặc sản vùng miền,... lên Sàn Giao dịch thương mại điện tử tỉnh. Triển khai doanh nghiệp đăng ký tham gia xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9 năm 2024.

Tỉnh tiếp tục vận động doanh nghiệp tham gia đầu tư cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm nông nghiệp ký hợp đồng với đơn vị thụ hưởng để triển khai thực hiện các đề án Khuyến công quốc gia năm 2024; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Duy trì và phát triển tốt mạng lưới thông tin thị trường, kịp thời nắm bắt và thông tin, khuyến cáo đến các địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan những biến động của thị trường, đặc biệt là thị trường nông sản. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Long An vẫn còn một số hạn chế như: hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn còn gặp khó khăn do tình hình chung thế giới; chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 6,8% so cùng kỳ năm trước; tiến độ triển khai đầu tư các dự án trọng điểm trong và ngoài ngân sách chưa đạt yêu cầu đề ra; công tác tuyển dụng giáo viên còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Tại cuộc hợp báo, lãnh đạo tỉnh mong muốn các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong quý II cũng như thời gian tới đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ hơn nữa, quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2024, góp phần tăng tốc, về đích sớm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Anh Thư