Hội nhập kinh tế quốc tế và vấn đề pháp luật của Việt Nam

Vài nét về hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT)

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Như vậy, dẫn đến một hệ quả tất yếu là Việt Nam sẽ có thêm nhiều cam kết quốc tế ở tầm toàn cầu, khu vực và song phương trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta luôn có những sửa đổi, bổ sung. Để phù hợp với các cam kế quốc tế, một cơ chế rà soát pháp luật hàng năm, nhằm phát hiện những quy định mâu thuẫn, chưa phù hợp để điều chỉnh là cần thiết.
Theo thống kê, chỉ tính từ tháng 1 đến tháng 6/2007, chúng ta đã rà soát 568 văn bản quy phạm pháp luật ở trung ương. Trong đó, số lượng văn bản cần sửa đổi, bổ sung là 46, 9 văn bản đề nghị huỷ bỏ, số lượng văn bản đề nghị ban hành mới là 47. Kết quả rà soát cho thấy, tổng số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đến hết năm 2007 ở trung ương liên quan trực tiếp đến cam kết của Việt Nam trong WTO là 432 văn bản (49 Luật, 5 Nghị quyết của Quốc hội và UBTVQH, 18 Pháp lệnh, 125 Nghị định...). Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, nhìn tổng thể, pháp luật Việt Nam cơ bản thống nhất với các cam kết của Việt Nam trong WTO. Có được kết quả này là do chúng ta đã chủ động điều chỉnh pháp luật từ khi chưa phải là thành viên WTO.
Tuy nhiên, việc rà soát pháp luật rất phức tạp, vì vẫn còn có cách hiểu chưa thống nhất về một số khái niệm pháp lý liên quan đến nội dung các cam kết và nghĩa vụ thành viên WTO của Việt Nam. Vì nội dung các quy định trong nhiều Hiệp định của WTO rất phức tạp và không phải lúc nào cũng rõ ràng để hiểu một cách thống nhất, chính vì vậy, 12 năm qua, đã có hơn 400 vụ tranh chấp xảy ra được đưa đến WTO.
Những năm qua, Việt Nam luôn bị kiện phá giá nhiều mặt hàng, tuy nhiên nhiều khi chúng ta bị oan. Vào sân chơi chung, chúng ta phải chấp nhận điều này. Đặc biệt, chúng ta bị xem là quốc gia có nền kinh tế phi thị trường trong vòng 12 năm, do đó, các thành viên của WTO sẽ tận dụng mọi kẽ hở của luật mà khởi kiện chúng ta bán phá giá. Họ có quyền lấy lý do là giá hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường của họ với giá thấp hơn giá trị thông thường. Như vậy, khả năng thắng kiện trong các vụ kiện bán phá giá của Việt Nam là rất thấp.
Ảnh hưởng của Hội nhập kinh tế quốc tế đến pháp luật Việt Nam
Nhớ lại, trước khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, đã có nhiều hội thảo bàn về cái được, cái mất. Trong đó, nhiều người đã nói đến cái được là nếu gia nhập WTO thì chúng ta không thể “tự” mình muốn quy định cái gì cũng được. Nghĩa là, chúng ta sống phải tuân theo những quy chế rõ ràng và không vị nể một ai, một nước nào. Về nguyên tắc, một nước có chủ quyền thì không bị luật pháp nước ngoài chi phối, nhưng một khi tham gia “sân chơi” kinh tế quốc tế thì phải tuân theo những quy định chung.
Mặc dù, năm 2007, Việt Nam mới dự kiến gia nhập WTO, nhưng chúng ta đã từng bước kiện toàn khung pháp luật để thực hiện các hiệp định WTO. Cụ thể, ngay trong Luật Đầu tư 2005 có hiệu lực ngày 01/7/2006, chúng ta đã thống nhất quy chế pháp lý cho mọi loại hình doanh nghiệp, ghi nhận sự đối xử bình đẳng cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, chính thức xóa bỏ việc dùng trợ cấp để khuyến khích đầu tư. Chúng ta đã phải xóa bỏ toàn bộ các trợ cấp bị cấm (tức là trợ cấp căn cứ vào thành tích xuất khẩu hoặc khuyến khích sử dụng hàng trong nước thay thế nhập khẩu) dành cho ngành dệt may. Kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta phải xóa bỏ các trợ cấp xuất khẩu đối với sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Hiện tại vẫn có một số thành viên WTO áp dụng trợ cấp xuất khẩu với nông sản, nhưng Việt Nam cam kết trợ cấp xuất khẩu ở mức 0 trong bảng cam kết hàng hóa và không áp dụng bất kỳ trợ cấp xuất khẩu nào đối với nông sản, kể từ ngày gia nhập.
Gia nhập WTO, Việt Nam chỉ bãi bỏ các biện pháp ưu đãi đầu tư dưới hình thức trợ cấp xuất khẩu đối với hàng nông sản, hàng dệt may; trợ cấp đã áp dụng liên quan đến xuất khẩu hàng phi nông nghiệp và yêu cầu nội địa hóa sẽ được bãi bỏ trong vòng 5 năm, kể từ ngày gia nhập và cam kết không có thêm trợ cấp mới cho các lĩnh vực này.
Như vậy, các doanh nghiệp trong nước không còn được Nhà nước hỗ trợ để cạnh tranh lại với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đã một thời, cả nước có hơn 40 tỉnh ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào địa phương mình, nhằm phát triển kinh tế vùng và giải quyết lao động địa phương. Điều đáng nói là số địa phương này đã đưa ra các ưu đãi vượt quá mức ưu đãi do Chính phủ quy định. Như vậy, chúng ta đã vi phạm cam kết WTO là áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư thống nhất từ trung ương đến địa phương. Chính vì thế mà Chính phủ đã buộc phải cảnh cáo các địa phương đã “vượt rào” ưu đãi đầu tư một cách quá đáng.
Một vấn đề mà không chỉ có Việt Nam mà nhiều nước đang phát triển cứ “cố tình” quên hoặc không hiểu, đó là vấn đề sở hữu trí tuệ, nên cứ “vô tư” vi phạm. Nhiều nước ở châu Á đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ làm cho các công ty của các nước phát triển mất đi hàng tỷ đô la mỗi năm. Vì việc gia nhập WTO, nên Việt Nam đã ban hành Luật Sở hữu trí tuệ, mặc dù chúng ta khó có điều kiện để thi hành Luật này. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, đối với Việt Nam, gia nhập WTO, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ sẽ là khó khăn lớn nhất. Do nhiều nguyên nhân, trong đó có cán bộ tư pháp còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn; do quen bao cấp nên việc áp dụng các chế tài về dân sự còn kém, nhưng lại quá lạm dụng các chế tài về hành chính; Toà án lúng túng trong việc xét xử các vụ tranh chấp cũng như xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Như vậy, muốn HNKTQT buộc chúng ta phải thay đổi tư duy và thói quen làm việc. Cụ thể, phải giảm bớt việc lạm dụng các biện pháp hành chính; công tác xây dựng pháp luật và chính sách phải được các tầng lớp trong xã hội cũng như các thành viên của WTO xem xét kỹ lưỡng, điều đó đòi hỏi các cơ quan nhà nước có liên quan phải nỗ lực rất lớn để thoả mãn những yêu cầu cao hơn được đặt ra đối với công tác pháp chế và chính sách.
Chúng ta cần phải nhớ rằng, các lợi ích thương mại, cũng như lợi ích chính trị, sẽ không tự có và tự đến. Nó là kết quả của sự nhận thức khoa học và sự cạnh tranh quyết liệt và cân đong đo đếm rất cụ thể.Khi HNKTQT, chúng ta phải lựa chọn và đánh đổi nhiều thứ như, trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bào hiểm, bất động sản... Do đó, hệ thống pháp luật, chính sách cụ thể phải thay đổi để phù hợp với tiến trình hội nhập. Như trong khối ASEAN, chúng ta có tiến trình cắt giảm thuế; khi vào WTO, chúng ta có lộ trình mở cửa hàng hóa nhập khẩu cũng như thị phần về tài chính, chứng khoán, bất động sản...
Thời đại ngày nay là thời của kinh tế toàn cầu. Dù muốn hay không thì các quốc gia ít hay nhiều đều phải tham gia “sân chơi” chung. Do đó, điều cần thiết là chúng ta phải hoàn thiện nhanh việc rà soát các văn bản pháp luật để phù hợp với các quy định quốc tế, nhằm giúp các doanh nghiệp không “ngơ ngác” khi ra khỏi “nhà”. Các cơ quan nhà nước, đặc biệt cơ quan pháp luật, cần tuyển chọn nhân sự sao cho có chuyên môn và năng lực công tác và cuối cùng là quá trình ban hành chính sách và văn bản pháp luật cần được xây dựng một cách khoa học, minh bạch.