Thiệt hại lớn vì phân bón giả
Trong tham luận được gửi đến Hội nghị các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức ngày 11/8, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thông tin, hiện nay, ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hiện nay là: Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng; công nghiệp hóa chất, hóa dược, hóa dầu; công nghiệp chế biến cao su; công nghiệp khai thác mỏ.
Kinh doanh máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho ngành công nghiệp hóa chất; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và các ngành nghề khác theo quy định của pháp luật. Trong đó phân bón chiếm tới 60% cơ cấu sản phẩm chính trong doanh thu của Tập đoàn.
Trong hơn 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cùng với việc xảy ra xung đột giữa một số các quốc gia lớn trên thế giới trong những tháng đầu năm 2022, nguồn phân bón nhập khẩu bị đứt gãy, khiến giá phân bón liên tục tăng mạnh.
Điều này dẫn đến tình hình sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam xác định, việc tìm ra giải pháp nhằm siết chặt công tác quản lý đối với mặt hàng phân bón trong thời gian tới và bảo vệ người tiêu dùng là rất cần thiết.
Thời gian qua, việc sản xuất phân bón giả, kém chất lượng diễn ra hết sức tinh vi với nhiều thủ đoạn, chiêu trò, thậm chí đưa đến các vùng sâu vùng xa để sản xuất. Theo con số thống kê, chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả và phân bón kém chất lượng, mỗi năm Việt Nam đã mất đi từ 2-2,5 tỷ USD. Đây mới chỉ là con số thiệt hại do mất lượng tiền và không cân xứng với lượng chất dinh dưỡng có trong phân bón, chưa kể thiệt hại về niềm tin của người nông dân là không thể đong đếm…
Cụ thể, hiện nay với giá phân bón dao động từ 10-20 triệu đồng/tấn, nếu như làm giả 200 tấn đã có từ 2 đến 4 tỷ đồng, nghiêm trọng hơn có những sản phẩm bị làm giả với tỷ lệ cao đến 80%.
Thiệt hại về kinh tế là một mặt, mặt khác, với khách hàng còn là xói mòn niềm tin, ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất phân bón vật tư cho nông nghiệp, không những hiện nay mà còn nhiều năm về sau.
Cần nhiều giải pháp đối phó với phân bón giả
Hiện tại, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có 11 đơn vị sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật với tổng công suất sản xuất các loại phân bón đạt 6 triệu tấn/năm, urea 1,2 triệu tấn/năm, DAP đạt 0,66 triệu tấn/năm, riêng NPK với tổng năng lực sản xuất khoảng 2,4 triệu tấn/năm, đáp ứng 60-70% nhu cầu phân bón NPK trong nước.
Thời gian qua, vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã gây ảnh hưởng nhiều đến uy tín của các đơn vị sản xuất phân bón của Tập đoàn do phân bón giả, kém chất lượng làm cho suy kiệt “sức khỏe đất trồng trọt” dẫn đến cây trồng không đạt năng suất.
Thêm vào đó, hàng năm Việt Nam sử dụng trên 11 triệu tấn phân bón, trong đó có từ 30-50% là phân bón giả, kém chất lượng. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ của các đơn vị sản xuất chân chính của Tập đoàn cũng như trên thị trường.
Để ngăn chặn tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan như hiện nay, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề xuất:
Thứ nhất, về cơ chế chính sách, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phát triển. Theo đó, việc đầu tiên và cần làm ngay là sửa luật 71/2014/QH13 để đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Như vậy, phân bón trong nước mới có điều kiện cạnh tranh bình đẳng với phân bón nhập khẩu.
Thứ hai là chính sách thuế đối với phân bón phải linh hoạt và phù hợp với năng lực sản xuất của phân bón và nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhấn mạnh, cần phải chủ động đăng ký bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu sản phẩm do mình sản xuất. Liên kết chặt chẽ với hệ thống khách hàng, đại lý, tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện ra các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng và có biện pháp xử lý.
Bên cạnh đó, phối hợp với công ty công nghệ đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng các cơ sở dữ liệu giúp lực lượng chức năng, người dân, doanh nghiệp nhận diện được sản phẩm, có thể tra cứu trên điện thoại di động, các phương tiện thông tin đại chúng. Nâng cao nhận thức, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật bằng các phương pháp như đưa video, clip…
Đồng thời, xây dựng hệ thống giám sát sản phẩm giả, nhái thương hiệu để người dân dễ dàng tiếp nhận. Nâng cao nhận thức người dân về nhận diện hàng giả, hàng nhái và minh bạch hóa các sản phẩm trên thị trường.
Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu, hướng dẫn cho bà con nông dân hiểu rõ tính năng, tác dụng, thành phần và hàm lượng hữu hiệu của từng loại phân bón để sử dụng có hiệu quả.
Tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc đẩy mạnh việc chống phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng. Xây dựng chiến lược chống hàng giả, đẩy mạnh công tác truyền thông về sản phẩm. Chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước trong cuộc đấu tranh chống hàng giả.