Một thời nhớ mãi

Để vận chuyển được gần 4.000 tấn bốc xếp, gần 2.700 tấn chuyển tải, tổng cộng 33.589.870 tấn/km đường vận chuyển, Chi cục Vận tải Khu 4 đã có 26 đồng chí hy sinh, có những đồng chí đã hy sinh ngay cạnh mâm pháo và vĩnh viễn nằm lại dưới đáy biển Đông. Những thành công, thắng lợi của Chi cục đã được Bộ Nội thương thời kỳ đó ghi nhận và tặng bằng khen.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, không quân Mỹ tập trung đánh phá các thành phố, thị xã, thị trấn, các cửa khẩu biên giới, các vùng đông dân, các cầu cống trên các tuyến đường bộ, đường sắt, bao vây, phong tỏa các cảng biển, uy hiếp tàu nước ngoài ra vào cảng Hải Phòng, nhằm làm cho lưu thông hàng hóa trong nội địa bị rối loạn để ngăn cản chi viện cho chiến trường miền Nam.

Mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán - đối tượng trực tiếp của không quân Mỹ, đã đối đầu thắng lợi, không ngừng lớn mạnh trong khói lửa chiến tranh, nhiều cán bộ, nhân viên thương mại quốc doanh đã anh dũng hy sinh trên mặt trận khốc liệt này.

Rất nhiều cán bộ, nhân viên thương mại quốc doanh trưởng thành từ lò lửa chiến tranh ác liệt, như Anh hùng lao động Lê Văn Phú, tổ trưởng Cửa hàng Mậu dịch quốc doanh Hướng Lập, Vĩnh Linh; Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Chỉ, Chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán Thanh Ba, Vĩnh Phúc…

Hòng cắt đứt sự chi viện về người, vũ khí, xăng dầu và hàng tiêu dùng của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, không quân Mỹ ra sức tăng cường bao vây, phong tỏa các cảng miền Bắc, uy hiếp tàu ra vào cảng Hải Phòng. Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa là các địa bàn chiến đấu cực kỳ ác liệt.

Trước tình hình đó, một nhiệm vụ đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta là phải giữ bằng được mạch máu lưu thông từ Bắc vào Nam. Để thực hiện nhiệm vụ ấy, đầu năm 1965, Bộ trưởng Bộ Nội thương (nay là Bộ Công Thương) Nguyễn Thanh Bình đã ký Quyết định thành lập Chi cục Vận tải Khu 4, nhằm bảo đảm tiếp chuyển hàng nội thương vào phía Nam.

Với quân số 328 người thuộc 7 trạm: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hoàng Mai, Vinh, Bắc Hà Tĩnh và Ba Đồn, một đội xe vận tải 32 đầu xe của Liên Xô, CHDC Đức, Trung Quốc và một đội thuyền 27 cái, trong đó 12 thuyền nhỏ chủ yếu thủy thủ là nữ, hoạt động từ Hải Phòng, Hà Nội đến cầu Hiền Lương (Vĩnh Linh). Chi Cục đã bám dọc quốc lộ 1A, 1B và đường 15 giáp Lào; còn đường thủy thì chạy dọc vịnh Bắc Bộ và trên kênh đào nhà Lê.

Liên tục hoạt động trong suốt 4 năm trong điều kiện chiến tranh ác liệt, bất kẻ bom roi, đạn nổ, không kể ngày, hay đêm, có hàng là anh em nhận, có xe là anh em giao, giao hàng trong đêm tối không đèn đóm. Có thể một người phải đảm đương nhiều việc, kể cả bốc vác hàng, khi cần thì tiếp đạn cho trận địa pháo và chở thương binh từ trận địa đi cấp cứu...

Kết quả là trong 4 năm (từ 1965-1969), mặc dù hàng nội thương chỉ được xếp thứ 7 trong thứ tự vận chuyển hàng hóa của Nhà nước trong những năm chiến tranh, Chi cục đã nhận được 42.000 tấn hàng gồm vải sợi, hàng may mặc, hàng bách hóa, nông sản và hải sản; giao được 41.631 tấn hàng hóa cho các tỉnh: Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa.

Để vận chuyển được những tấn hàng trên cho các tỉnh, các đồng chí cán bộ nhân viên Chi cục đã phải thực hiện gần 4.000 tấn bốc xếp, gần 2.700 tấn chuyển tải, tổng cộng 33.589.870 tấn/km đường vận chuyển.

Để có được những kết quả trên, Chi cục đã có 26 đồng chí hy sinh, có những đồng chí đã hy sinh ngay cạnh mâm pháo và vĩnh viễn nằm lại dưới đáy biển Đông. Những thành công, thắng lợi của Chi cục Vận tải khu 4 đã được Bộ Nội thương thời kỳ đó ghi nhận và tặng bằng khen.

Nguyễn Văn