Sản xuất sạch hơn trong ngành thuộc da Việt Nam

Với công nghệ thuộc da còn lạc hậu, 1 tấn da thuộc thải ra môi trường từ 40-50m3 nước thải đậm màu có chứa khoảng 500-600 kg chất thải rắn nặng mùi hôi thối và gồm nhiều các hoá chất độc hại khác. Các

Cơ hội sản xuất sạch hơn

 

Nguyên liệu chính trong quá trình thuộc da chủ yếu là da muối hoặc da tươi. Lượng hoá chất thông dụng được sử dụng trong công nghệ da thuộc gồm các chất vô cơ và hữu cơ như sunfit, sunfa, sunfit natri, hydroxit canxi, cacbonat, axit, muối…do đặc thù thuộc da là quá trình chuyển đổi protit của da động vật sang dạng bền vững để sử dụng. Tỷ lệ và thành phần hoá chất tham gia xử lý vào các công đoạn thuộc da phụ thuộc vào việc áp dụng công nghệ, thiết bị máy móc và chất lượng các loại da.

Vấn đề môi trường trong các nhà máy thuộc da là nước thải, mùi và chất thải rắn. Với công nghệ thuộc da truyền thống, trung bình 1 tấn da nguyên liệu thải ra môi trường khoảng 50m3 nước thải có độ màu đậm đặc và  500-600 kg chất thải rắn, nặng mùi hôi thối khó chịu. Các chất thải rắn gồm mỡ, bạc nhạc, diềm da (chiếm khoảng 18% trong lượng da tươi), mùn bào da, váng xanh, cặn vôi và xỉ than… Khí thải phát sinh ở hầu hết các công đoạn sản xuất với thành phần chủ yếu là H21, NH3, chất hữu cơ bay hơi, trong quá trình phân huỷ, các chất này gây mùi đặc trưng, đặc biệt, hơi của các a xít ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp của người lao động trực tiếp và môi trường xung quanh.

Thông thường 1 tấn da muối sản xuất được 195 kg da cật và 60 kg da váng. Như vậy, chất thải là nguyên nhiên liệu đầu vào không đi vào sản phẩm được loại bỏ theo nước thải là rất lớn, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo tài liệu nghiên cứu của Hợp phần Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI) - Bộ Công Thương cho biết, nếu các hoá chất sử dụng trong quá trình xử lý da nguyên liệu để thuộc được thay thế bằng hoá chất thân thiện với môi trường sẽ giảm thải ô nhiễm cho hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó áp dụng công nghệ  sản xuất sạch hơn (SXSH) sẽ giảm lượng nước tiêu thụ khoảng 10-15m3/tấn da muối nguyên liệu trong quá trình thuộc, hiệu suất hấp thu crom giảm thải ra môi trường có thể đạt tới 80-90% (thay vì trước đây con số này chỉ đạt 30-50%). Quá trình hồi tươi da khi nạo mỡ, bạc nhạc, xén diềm trước khi tẩy lông nếu được kiểm soát tốt sẽ tiết kiệm được lượng hoá chất và nước tương ứng để sử dụng trong các công đoạn tiếp theo, đồng thời nguồn thải này, nếu được quản lý phân loại ngay từ đầu thì có thể được tái sử dụng cho các hoạt dộng sản xuất nông nghiệp, như làm thức ăn cho gia súc hoặc phân bón. Các da diềm, da vụn thuộc nếu được thu gom có thể tận dụng làm những vật dụng nhỏ như ví da, lót giầy…

Khi thay đổi các công nghệ thuộc da, áp dụng các biện pháp SXSH ở tất cả các công đoạn hoặc ở từng công đoạn thuộc do điều kiện khả năng của từng doanh nghiệp có thể chọn lựa cho phù hợp, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội thu hồi các chất đang bị loại bỏ còn lãng phí như hiện nay để tái sử dụng sản xuất cho các công đoạn tiếp theo và tiết kiệm được tiền bạc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đòng thời nâng cao chất lượng da thuộc.

Ví như ở công đoạn hồi tươi, trước khi hồi da được giũ sạch bằng tay hoặc bằng thiết bị lắc tang trống, chúng ta sẽ thu hồi khoảng 30% lượng muối trong da để tái sử dụng cho lần muối da sau, giảm lượng hoá chất vào dòng thải, tiết kiệm được lượng nước tiêu thụ trong quá trình hồi tươi. Thường 1 tấn da phải sử dụng 78-104 kg muối, tương đương với 8% muối bảo quản.

Hay như ở công đoạn áp dụng thuộc crom cũng vậy, nếu như vẫn sử dụng công nghệ truyền thống sẽ chỉ hấp thu được khoảng 20-40% tổng lượng crom. Tuy nhiên, nếu thay đổi công nghệ mới có thể thu hồi và tuần hoàn lại 95-98% tổng lượng crom bị thải bỏ (công nghệ thuộc truyền thống hiện đang phải sử dụng 88kg bột crom Cr2O3/tấn da nguyên liệu).

Một số các công ty ở Pháp, Li Băng, Hy Lạp, Tunisia có công suất thuộc từ 80-350 tấn da/tháng khi áp dụng các công nghệ thuộc mới này đã tiết kiệm và giảm ô nhiễm môi trường nhiều lần so với công nghệ thuộc cũ trước đây.  Đơn cử một công ty ở Pháp sản xuất khoảng 80 tấn da/tháng, cần sử dụng 1,5 tấn muối amôn, khi đầu tư hệ thống xử lý thu hồi muối, mỗi năm công ty này tiết kiệm được 18 tấn muối amôn. Còn một công ty ở Hy Lạp có công suất khoảng 2.200 tấn da/năm khi thực hiện biện pháp thu hồi, tái sử dụng lại crom, chi phí ban đầu cho việc đầu tư máy móc và vận hành khoảng gần 62.000 Euro, nhưng lợi nhuận thu được là hơn 65.000 Euro và thời gian hoàn vốn đầu tư ban đầu cho công nghệ mới này chỉ trong vòng 11 tháng.

Triển khai SXSH trong ngành Thuộc da

Áp dụng SXSH ở tất cả các ngành sản xuất nói chung không chỉ riêng ở ngành thuộc da, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận của doanh nghiệp và các chuyên gia SXSH. Do đó, sự cam kết và hỗ trợ mạnh mẽ của lãnh đạo công ty sẽ là yếu tố quyết định cho sự thành công của chương trình.

Hợp phần CPI vừa qua đã tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến đóng góp cho việc biên soạn tài liệu hướng dẫn SXSH trong ngành Thuộc da. Các chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo, việc đầu tiên cần làm khi thực hiện áp dụng SXSH là phải thành lập được nhóm SXSH. Trong nhà máy thuộc da, nhóm SXSH nên bao gồm lãnh đạo công ty, kế toán, cán bộ kỹ thuật ở các khu vực hồi tươi, tẩy lông, ngâm vôi, tẩy vôi, thuộc crom, hoàn thành khô, hoàn thành ướt và các bộ phận phụ trợ khác… Việc mời thêm cán bộ phụ trách tài chính hay các chuyên gia tư vấn ngoài công ty nên được xem xét để các ý kiến đề xuất mang tính khách quan.

Nhóm SXSH sẽ bắt đầu quá trình đánh giá bằng việc thu thập các thông tin sản xuất cơ bản của doanh nghiệp để mọi thành viên trong nhóm có thể đưa ra ý kiến cùng phân tích chọn lọc thông tin, họp bàn định kỳ, trao đổi cởi mở, đánh giá lại quy trình công nghệ hiện tại để triển khai áp dụng các ý tưởng SXSH có tính khả thi, phù hợp với năng lực và điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp. Thực tế đã chứng minh tất cả các chương trình SXSH thành công được đều có chung một triết lý đó là SXSH phải được sự hợp nhất trong các hoạt động và được đề cao trong nội bộ tổ chức doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.