Tháng 9: Tình hình xuất nhập khẩu đã có tiến triển tích cực

Tháng 9, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 6,1 tỷ USD, nhập khẩu đạt khoảng 7,15 tỷ USD. Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đã giảm khoảng 10% và nhập khẩu cũng giảm nhẹ 1,4% so với th

Nhiều kết quả khả quan

Xuất khẩu giảm mạnh hơn nhập khẩu khiến cán cân thương mại tháng 9 gia tăng mức thâm hụt so với các tháng trước đó. Như vậy, nhập siêu tháng này đến 1,05 tỷ USD, phá vỡ mốc dưới 1 tỷ USD trong các tháng 4-8/2010 và tạo khoảng cách khá xa với con số 395 triệu USD của tháng trước.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn có những chuyển biến tích cực thể hiện khá rõ nét ở khoảng cách về tốc độ tăng trưởng giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Nếu như hết quý I, xuất khẩu chỉ tăng 1,6% trong khi nhập khẩu tăng tới 40,2%, hết quý II, xuất khẩu tăng 17%, nhập khẩu tăng 29,1% thì đến hết quý III, dự kiến xuất khẩu tăng 23,2%, trong khi nhập khẩu chỉ tăng 22,7%.

Nhập siêu tháng 9 ở mức 1,05 tỷ USD, bằng 17,21% kim ngạch xuất khẩu. Tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu đã giảm dần qua các quý, cụ thể: quý I, tỷ lệ nhập siêu là 23,5%, quý II là 19,38% và đến hết quý III chỉ còn 16,66%.

Nhìn trên diễn biến các mặt hàng xuất khẩu, có tới 19/24 nhóm giảm về kim ngạch so với tháng trước, trong đó, riêng 3 mặt hàng giảm lớn nhất đã mất gần 500 triệu USD kim ngạch tháng này (đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm tới 324 triệu USD; dệt may giảm 91 triệu USD; giày dép giảm 87 triệu USD).

Về nhập khẩu, dù chỉ có 10/20 mặt hàng giảm kim ngạch, nhưng mức giảm rất mạnh ở một số nhóm. Đáng chú ý là kim ngạch nhập khẩu phương tiện vận tải tháng 9 giảm tới 201 triệu USD; xăng dầu giảm 83 triệu USD; phân bón giảm 36 triệu USD; vải giảm 15 triệu USD…

Nhìn chung, kết quả khá ấn tượng. Tính đến tháng 9, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đã đạt 51,5 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2009; nhập khẩu đạt 60,08 tỷ USD, tăng tương ứng 22,7%. Nhập siêu đến thời điểm này vào khoảng 8,58 tỷ USD, bằng 16,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm 2009 nhập siêu 7,16 tỷ USD). So với năm 2009, mức kim ngạch xuất và nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm đã tương đương với 11 tháng.

Đóng góp vào kết quả kể trên, 23 trong tổng số 26 mặt hàng xuất khẩu đã có sự tăng trưởng khá trong 9 tháng đầu năm nay. Có tới 6 mặt hàng đạt mức tăng trưởng trên 50%, trong đó tăng cao nhất là sắt thép với 193% so với cùng kỳ. Đến thời điểm này, đã có 13 mặt hàng kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD. Dẫn đầu trong các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao là dệt may với gần 8,04 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ. Trong 3 tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đều vượt 1 tỷ USD và đang tiến gần tới khả năng đạt mục tiêu 10,5 tỷ USD kim ngạch của năm nay.

Nông sản có 5 đại diện trong nhóm này, bao gồm thủy sản, cà phê, gạo, cao su và gỗ, trong đó đáng chú ý là sự “trở lại” của gạo với 5,6 triệu tấn xuất khẩu, đạt kim ngạch 2,59 tỷ USD, tăng 12,3% về lượng và 15,2% về giá trị so với cùng kỳ.

Ngược lại, các mặt hàng khoáng sản như than đá, dầu thô có sự suy giảm mạnh về lượng xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu than đá 9 tháng đầu năm mới đạt gần 14,7 triệu tấn, tương đương khoảng 1,16 tỷ USD, giảm 17% về lượng nhưng tăng 16,2% về giá trị; dầu thô xuất khẩu đạt gần 6,08 triệu tấn, thu về 3,67 tỷ USD, giảm 44,3% về lượng và giảm 22,2% về kim ngạch.

Xuất khẩu tăng, còn nhờ nhóm hàng công nghiệp và công nghiệp chế biến trong 9 tháng qua tăng 33,3%, đạt trên 35 tỷ USD. Đây là mức tăng cao nhất trong 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực.

Về nhập khẩu, cũng đã có 13 mặt hàng vượt kim ngạch 1 tỷ USD. Dẫn đầu là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với kim ngạch 9,69 tỷ USD. Tiếp đến là xăng dầu đạt 4,87 tỷ USD; sắt thép 4,22 tỷ USD; vải 3,84 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện 3,51 tỷ USD…Với các biện pháp kiểm soát nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu được triển khai, nhiều mặt hàng nhập khẩu đã giảm về lượng, nhập siêu tiếp tục giảm.

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu

Trong những tháng đầu năm 2010, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn nhiều khó khăn như tình hình giá cả trên thị trường thế giới có xu hướng tăng ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả trong nước, lãi suất cho vay của các ngân hàng còn ở mức cao, tình trạng thiếu điện tiếp tục ảnh hưởng tới sản xuất. Vì vậy, trong những tháng còn lại của năm, các Bộ, ngành cần tiếp tục phối hợp để kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu đồng thời khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu để đảm bảo tỷ lệ nhập siêu dưới 20% và giảm nhập siêu môt cách bền vững hơn.

Trước mắt, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cần thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng và đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên lĩnh vực xuất nhập khẩu. Bộ Tài chính hướng dẫn tiếp tục thực hiện trong năm 2010 thủ tục tạm hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu trong thời gian chưa được phía nước ngoài thanh toán qua ngân hàng.

Bộ Công Thương cần chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tích cực triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu, giữ vững và phát triển thị trường xuất khẩu; thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chủ động, tích cực trong hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; nghiên cứu, cập nhật về các chính sách bảo hộ mậu dịch và các rào cản thương mại của các nước để thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp và phối hợp với các doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ.

Bên cạnh việc thúc đẩy, tìm kiếm thị trường mới, thì mọi thắc mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp cũng sẽ được xem xét, can thiệp và xử lý một cách kịp thời. Bộ Công Thương sẽ cùng các Bộ, Ngành tiếp tục rà soát lại các thủ tục, tạo điều kiện thông thoáng, góp phần giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp Chính phủ đề ra và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nên nền kinh tế nước ta tiếp tục giữ được sự ổn định và có chuyển biến tích cực. Các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhập siêu tiếp tục xu hướng giảm.