Nâng cao hiệu quả đầu tư công ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp

ThS. TRẦN THỊ MINH HẢI (Khoa Quản trị - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Đầu tư là một phần quan trọng trong sự phát triển bền vững của Việt Nam cũng như mọi quốc gia trên thế giới. Đầu tư tốt không những là động lực phát triển kinh tế - xã hội, mà còn có thể tạo ra được những bước ngoặt cho đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, đầu tư công là một lĩnh vực đầu tư đang chiếmvị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, cần được chú trọng nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.

Từ khóa: Đầu tư công, phát triển bền vững, nền kinh tế Việt Nam.

I. Đặt vấn đề

Hiện nay, có nhiều cách hiểu đầu tư công khác nhau tùy thuộc vào điều kiện và trình độ phát triển kinh tế ở từng nước. Tuy nhiên, một cách khái quát nhất có thể hiểu đầu tư công là việc sử dụng các nguồn vốn nhà nước để đầu tư nhằm thực hiệncác mục tiêu của các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Một là, đầu tư công góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Đầu tư công đóng góp lớn vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế,… Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì đầu tư công càng nổi bật vai trò duy trì động lực tăng trưởng kinh tế thông qua các gói kích cầu của Chính phủ.

Hai là, đầu tư công góp phần định hình và phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quốc gia.

Ba là, đầu tư công làm gia tăng tổng cầu của xã hội. Đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư của toàn bộ nền kinh tế. Khi tổng cung chưa thay đổi, sự tăng lên của đầu tư làm cho tổng cầu tăng kéo sản lượng cân bằng và giá cân bằng cũng tăng.

Bốn là, đầu tư công làm gia tăng tổng cung và năng lực kinh tế. Đầu tư công làm tăng năng lực sản xuất làm tổng cung tăng và sản lượng tăng, giá giảm xuống cho phép tiêu dùng tăng. Tăng tiêu dùng lại kích thích sản xuất phát triển và làm kinh tế xã hội phát triển.

Năm là, đầu tư công có vai trò như là khoản “đầu tư mồi”, tạo cú huých và duy trì động lực tăng trưởng. Đầu tư công định vị và củng cố nền kinh tế trong mối quan hệ của khu vực và quốc tế. Tạo niềm tin và động lực cho các nguồn đầu tư khác vào trong nước góp phần tăng trưởng kinh tế.

Sáu là, đầu tư công góp phần giải quyết việc làm, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho toàn xã hội.

II. Thực trạng

Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai, thực hiện tích cực Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11/2016 ước tính đạt 27.547 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương 6.675 tỷ đồng, tăng 14,1%; vốn địa phương 20.872 tỷ đồng, tăng 18,2%. Tính chung 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước tính đạt 233,6 nghìn tỷđồng, bằng 88,6% kế hoạch năm và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2015, gồm có:

- Năm 2016, vốn Trung ương quản lý đạt 55,2 nghìn tỷ đồng, bằng 84,2% kế hoạch năm và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, bằng 87,1% và tăng 18,2%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 6.021 tỷ đồng, bằng 85,3% và tăng 11,5%; Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 2.470 tỷ đồng, bằng 76,7% và tăng 37,3%; Bộ Y tế 2.450 tỷ đồng, bằng 78,9% và tăng 17,3%; Bộ Xây dựng 817 tỷ đồng, bằng 88% và giảm 47,6%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 643 tỷ đồng, bằng 71,8% và tăng 5,2%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 510 tỷ đồng, bằng 75,2% và giảm 1,4%; Bộ Công Thương 403 tỷ đồng, bằng 86,7% và tăng 6,8%; Bộ Khoa học và Công nghệ 256 tỷ đồng, bằng 88,3% và giảm 14,2%; Bộ Thông tin và Truyền thông 113 tỷ đồng, bằng 83,3% và giảm 29,5%.

- Vốn địa phương quản lý đạt 178,4 nghìn tỷ đồng, bằng 90,1% kế hoạch năm và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 125,4 nghìn tỷ đồng, bằng 86,3% và tăng 17,6%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 43,6 nghìn tỷ đồng, bằng 96,5% và tăng 8,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 9,4 nghìn tỷ đồng, bằng 125,8% và tăng 1,2%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 28,6 nghìn tỷ đồng, bằng 93,8% kế hoạch năm và tăng 44,1% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 15,5 nghìn tỷ đồng, bằng 87,4% và tăng 4%; Quảng Ninh 5.853 tỷ đồng, bằng 91,5% và tăng 18,7%; Bình Dương 5.712 tỷ đồng, bằng 88,8% và tăng 33,3%; Nghệ An 5.080 tỷ đồng, bằng 87,9% và tăng 15,4%; Vĩnh Phúc 4.766 tỷ đồng, bằng 90,3% và tăng 7,7%; Bà Rịa - Vũng Tàu 4.379 tỷ đồng, bằng 71,4% và tăng 13,4%.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm ngày 20/11/2016 thu hút 2.240 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13.028,2 triệu USD, tăng 20,8% về số dự án và giảm 3,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, có 1.075 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5.074,8 triệu USD.Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung trong 11 thángnăm 2016 đạt 18.103 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng ước tính đạt 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong 11 tháng năm 2016, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 8.804 triệu USD, chiếm 67,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.301 triệu USD, chiếm 10%; các ngành còn lại đạt 2.923,2 triệu USD, chiếm 22,4%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng năm nay đạt 13.417,4 triệu USD, chiếm 74,1% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 740,9 triệu USD, chiếm 4,1%; các ngành còn lại đạt 3.944,7 triệu USD, chiếm 21,8%.

Trong 11 tháng năm nay, cả nước có 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Hải Phòng có số vốn đăng ký lớn nhất với 2.446,1 triệu USD, chiếm 18,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hà Nội 1.428,9 triệu USD, chiếm 11%; Bình Dương 1.329,2 triệu USD, chiếm 10,2%; Đồng Nai 1.036 triệu USD, chiếm 8%; thành phố Hồ Chí Minh 808,8 triệu USD, chiếm 6,2%; Bắc Giang 623,1 triệu USD, chiếm 4,8%; Hà Nam 604,3 triệu USD, chiếm 4,6%.

Trong số 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phépmới tại Việt Nam 11 tháng năm nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với4.818,1 triệu USD, chiếm 37% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Xin-ga-po. 567,7 triệu USD, chiếm 12%; Đặc khu Hành chính Hồng Kông (TQ) 963 triệu USD, chiếm 7,4%; Trung Quốc 944,8 triệu USD, chiếm 7,3%; Đài Loan 848,8 triệu USD, chiếm 6,5%; Nhật Bản 730,8 triệu USD, chiếm 5,6%.

Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được thông qua với 89,88% đại biểu (ĐB) tán thành. Theo đó, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2 triệu tỉ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương là 1,12 triệu tỉ đồng (vốn nước ngoài 300.000 tỉ đồng, vốn trong nước 820.000 tỉ đồng) và vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỉ đồng.

Một trong những dự án nổi bật Chính phủ đề xuất là đường bộcao tốc Bắc Nam. Theo Đề án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông, đoạn TP. Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, tuyến có tổng chiều dài 1.373 km, quy mô 4-6 làn xe, chia làm 20 dự án thành phần. Tổng mức đầu tư dự kiến là 229.826 tỷ đồng (tương đương hơn 10 tỷ USD), gồm: huy động tư nhân 136.282 tỷ đồng; vốn tham gia của Nhà nước cho giải phóng mặt bằng, tư vấn, xây lắp, dự phòng là 93.543 tỷ đồng. Trên cơ sở tiến độ của các dự án thành phần, dự kiến kế hoạchvốn ngân sách nhà nướcgiai đoạn 2017-2022 để bố trí cho dự án như sau: năm 2017 (8.458 tỷ đồng); năm 2018 (16.559 tỷ đồng); năm 2019 (26.988 tỷ đồng); năm 2020 (22.688 tỷ đồng); năm 2021 (14.067 tỷ đồng); năm 2022 (4.784 tỷ đồng).

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự kiến sử dụng 70.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ làm phần vốn góp nhà nước để huy động các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư hoàn thành dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông. Dự án khác cũng đã được bàn thảo từ lâu dược Chính phủ đề xuất đầu tư là Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Theo quy hoạch, dự án có quy mô 100 triệu hành khách/năm, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 16,3 tỷ USD. Trong đó giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 5,9 tỷ USD, đầu tư 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách (công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, hoàn thành vào năm 2025). Vốn ngân sách nhà nước (giải phóng mặt bằng, xây dựng nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, đài chỉ huy, giao thông kết nối khu vực cảng...) cho giai đoạn 1 này là 21.886 tỷ đồng, trong đó phần lớn là dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đến giai đoạn 2021-2030, sẽ huy động nguồn vốn để xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ; mua sắm trang thiết bị phục vụ bay...) khoảng 38 nghìn tỷ đồng theo cơ chế cho vay lại. Chính phủ Nhật Bản đang quan tâm tài trợ ODA. Đồng thời huy động vốn tư nhân để xây dựng nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa... là 54.726 tỷ đồng.

Với Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, Chính phủ cho hay giai đoạn 2016-2020 chủ yếu tập trung lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi toàn tuyến phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực theo quy định để thực hiện trong giai đoạn 2022-2030 và hoàn thành vào năm 2050. Hiện nay, Nhật Bản và Hàn Quốc đang quan tâm hỗ trợ cho một số đoạn như Hà Nội - Vinh, Sài Gòn - Nha Trang. Hạ tầng cung cấp điện giai đoạn tới cũng cần một nguồn lực rất lớn. Cụ thể tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 858.660 tỷ đồng (tương đương gần 40 tỷ USD, trung bình 7,9 tỷ USD/năm). Trong đó, 75% cho đầu tư phát triển nguồn điện; 25% cho đầu tư phát triển lưới điện. Cơ cấu nguồn vốn bao gồm: Vốn đầu tư nước ngoài khoảng 100.000 tỷ đồng; vốn vay ODA khoảng 200.000 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước khoảng 4.000 tỷ đồng (đầu tư cấp điện nông thôn), vốn chủ đầu tư và vốn vay thương mại khoảng 554.660 tỷ đồng.

Có thể thấy, nợ vay thường được đầu tư dàn trải cho nhiều ngành, nhiều địa phương và không được triển khai hiệu quả. Các dự án đầu tư công thường bị dở dang, kéo dài, dự án chậm đưa vào hoạt động. Một ví dụ điển hình là Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, đã lỗ 2.700 tỷ đồng, hiện đang phải thu hẹp lại sản xuất.

III. Giải pháp

Cắt giảm đầu tư công là một bước tiến quyết định hướng đến mục tiêu giảm bội chi ngân sách và giảm thuế suất. Cần thay thế đầu tư công bằng việc khuyến khích những phương thức khác hiệu quả hơn như phương thức đầu tư BOT, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, bao gồm cả giáo dục, y tế. Đẩy mạnh thực hiện chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ làm giảm các khoản cấp vốn và chi bù lỗ từ ngân sách. Cải cách hành chính mạnh mẽ tại Trung ương và địa phương sẽ làm giảm được một lượng lớn nhân sự trong bộ máy hành chính, không những làm giảm chi thường xuyên mà còn làm cho thủ tục hành chính bớt phiền hà, đồng thời cung cấp nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tư doanh.

Tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư công là việc cần phải làm ngay và triệt để để nâng cao chất lượng tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn 2011 - 2020. Trong thời gian tới, cần giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư công và tăng tỷ trọng của các nguồn vốn khác trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đồng thời sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư công để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đề xuất và khuyến nghị một số nội dung quan trọng như sau:

Thứ nhất, giảm tỷ lệ đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội theo hướng tăng cường hiệu quả đầu tư; ổn định kinh tế vĩ mô và chống lạm phát. Trong thời gian tới, trong cơ cấu đầu tư cần giảm tỷ lệ đầu tư công và tăng tỷ lệ đầu tư của các thành phần khác trong tổng đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư khu vực ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, tái cơ cấu chi tiêu ngân sách theo hướng giảm bớt chức năng nhà nước kinh doanh và tăng cường chức năng nhà nước phúc lợi. Trong thời gian tới cần đổi mới sâu sắc, toàn diện cơ cấu và cơ chế quản lý DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN, trước hết là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.

Thứ ba, lượng vốn đầu tư công cần được cân đối hàng năm và trong trung hạn phải bảo đảm gắn liền với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư công (bao gồm vốn NSNN, vốn trái phiếu chính phủ, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, vốn của DNNN) nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn này.

Thứ năm, việc huy động vốn của Nhà nước trong thời gian tới cần hướng tới tăng khả năng tự bảo đảm nguồn vốn. Các biện pháp là tăng thu NSNN một cách có hiệu quả, bền vững và tăng lợi nhuận của các DN; đồng thời hạn chế sự gia tăng các nguồn vốn có tính chất vốn vay.

Thứ sáu, xác định cơ cấu đầu tư công theo ngành, lĩnh vực, theo vùng và theo địa phương một cách có hiệu quả nhất, gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Cần phải bảo đảm phát huy tối đa lợi thế so sánh, tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực, từng vùng, từng địa phương; Tập trung vốn đầu tư công vào những ngành, lĩnh vực đem lại lợi ích cho xã hội mà khu vực tư nhân trong nước và khu vực FDI không tham gia hoặc tham gia có hiệu quả thấp; Coi nguồn đầu tư công là nguồn lực chính đồng thời là nguồn “vốn mồi” trong việc thu hút các nguồn lực khác trong xã hội...

Thứ bảy, đổi mới, hoàn thiện công tác xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các vùng, các tỉnh nhằm định hướng và nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Thứ tám, nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc sử dụng nguồn lực NSNN và trong hoạt động đầu tư công, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan đã được phân cấp trong quản lý, phân bổ vốn đầu tư.

Thứ chín, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá và kiểm tra, thanh tra đầu tư công, nhất là sự giám sát của người dân và cộng đồng. Các dự án đầu tư nên được theo dõi, đánh giá dựa trên kết quả. Ngoài ra, cần thực hiện giám sát ngay từ khâu lập dự án, thẩm định, bố trí vốn đầu tư, đảm bảo tuân thủ theo các quy định pháp luật và quy hoạch, kế hoạch được duyệt; Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm phát sinh, nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn đầu tư công.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. https://www.gso.gov.vn/

2. http://www.sav.gov.vn/

3. http://tapchitaichinh.vn/

4. http://cafef.vn/

ENHANCING THE EFFICIENCY OF THE PUBLIC INVESTMENT

IN VIETNAM: SITUATION AND SOLUTION

· Master. TRAN THI MINH HAI

Faculty of Business Management,

University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Investment is an important part of Vietnams sustainable development as well as other country in the world. Efficient investment not only creates momentum of socio-economic growth but also turning points for the country in the current period. Especially, the public investment play a key role in the economy of Vietnam. Hence, it is important to seek solutions to enhance the efficiency of the public investment in Vietnam.

Keywords: Public investment, sustainable development, economy of Vietnam.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 01 tháng 01/2017 tại đây