Nga ngưng cung cấp khí đốt cho Hà Lan, EU đồng thuận việc cấm nhập khẩu khí đốt của Nga

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết sẽ ngưng cung cấp khí đốt cho công ty GasTerra của Hà Lan kể từ ngày 31/5 do công ty GasTerra từ chối thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Ruble.
Nga ngừng cung cấp khí đốt
 Nhân viên tập đoàn Gazprom vận hành một trạm bơm khí đốt trên tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 tại Nga (Ảnh: Bloomberg)

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết đã thông báo với công ty GasTerra của Hà Lan về việc ngừng cung cấp khí đốt từ ngày 31/5 cho tới khi công ty GasTerra đồng ý thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Ruble Nga. Công ty GasTerra là hãng nhập khẩu và phân phối khí đốt lớn nhất Hà Lan.  

Trước đó, GasTerra tuyên bố sẽ không thanh toán tiền mua khí đốt từ Nga bằng đồng Ruble và cho rằng phương thức thanh toán này có thể vi phạm lệnh trừng phạt nhằm vào Nga của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời tiềm ẩn quá nhiều rủi ro tài chính và vận hành. Đồng thời, GasTerra công bố đã ký hợp đồng mua 2 tỷ m3 khí đốt từ nơi khác để thay thế lượng hàng mà họ dự kiến nhận được từ Gazprom cho đến hết tháng 10. Tuy nhiên, GasTerra chưa công bố chi tiết về nhà cung cấp mới.

GasTerra cho biết “Chưa thể đánh giá trước được việc nguồn cung khí đốt từ Nga giảm 2 tỷ m3 sẽ tác động thế nào đến tình hình cung cầu trên thị trường châu Âu”.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Kinh tế Hà Lan Pieter ten Bruggencate thông báo Hà Lan chưa bắt đầu áp dụng kế hoạch sử dụng khí đốt khẩn cấp. Nếu kế hoạch sử dụng khí đốt khẩn cấp được triển khai, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp của Hà Lan sẽ phải giảm tiêu thụ khí đốt.

Khoảng 44% năng lượng của Hà Lan dựa vào khí đốt, nhưng chỉ có khoảng 15% lượng khí đốt của Hà Lan đến từ Nga, theo số liệu của chính phủ nước này. Hà Lan trước đó đã công bố kế hoạch ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga vào cuối năm nay.

Công ty năng lượng Đan Mạch Orsted ngày 30/5 cũng cảnh báo Nga có thể dừng cung cấp khí đốt cho họ vì từ chối thanh toán bằng đồng Ruble, song Gazprom chưa thông báo gì về điều này. Trước đó vài tuần, Nga cắt khí đốt tới Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan vì lý do tương tự.

Trong một diễn biến liên quan khác, vào đầu giờ sáng hôm nay (ngày 31/5, theo giờ Việt Nam), hãng tin AP (Hoa Kỳ) cho biết EU đã đạt được đồng thuận một phần về việc cấm vận đối với khí đốt của Nga. Theo đó, hơn 2/3 lượng khí đốt từ Nga tới châu Âu sẽ bị cấm nhập khẩu nhằm chặn nguồn tài chính cho việc Nga thực hiện các hoạt động quân sự tại Ukraine.

Tường Vy