Ngân hàng LPBank (LPB): Lãi hơn 7.000 tỷ đồng trong năm 2023, nợ xấu giảm mạnh

Ngân hàng LPBank (mã cổ phiếu LPB) vừa cho biết lợi nhuận cả năm 2023 ước đạt hơn 7.000 tỷ đồng. Đồng thời, nợ xấu cũng giảm mạnh trong quý 4/2023.
Ngân hàng LPBank
Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng LPBank đã giảm mạnh về còn 1,26%, thấp hơn cùng kỳ năm 2022.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (Ngân hàng LPBank, mã cổ phiếu LPB - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2023 với lợi nhuận vượt 7.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022 và hoàn thành 117% kế hoạch đã đề ra. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ngân hàng này ước đạt 19,16%.

Trước đó, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng LPBank lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ đạt 3.678 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, tính riêng lợi nhuận quý 4/2023 của ngân hàng này đã gần tương đương cả 3 quý trước đó.

Tính đến ngày 31/12/2023, Ngân hàng LPBank ghi nhận tổng tài sản ước đạt hơn 382.953 tỷ đồng, tăng 17% so với hồi đầu năm, và tăng trưởng tín dụng đạt 39.686 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 16,83%.

Đại diện Ngân hàng LPBank cũng cho biết, trong quý 4/2023, ngân hàng đã quyết liệt xử lý nợ xấu và bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Tính đến cuối quý 4/2023, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng LPBank đã giảm về mức 1,26%, thấp hơn mức 1,45% của cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn nhiều so với quý 3/2023.

Tỷ lệ nợ xấu này giúp Ngân hàng LPBank hiện lọp top các ngân hàng có nợ xấu thấp nhất toàn ngành. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng không chịu ảnh hưởng từ trái phiếu doanh nghiệp nhờ chiến lược đẩy mạnh mảng cho vay bán lẻ và khai thác khách hàng khu vực nông thôn.

Xét về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới, hiện một số tổ chức tài chính nhận định hoạt động kinh doanh của Ngân hàng LPBank trong dài hạn sẽ không chịu tác động từ việc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) thoái vốn.

Cổ phiếu LPB Ngân hàng LPBank
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu LPB của Ngân hàng LPBank trong năm 2023. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "VNPost thoái vốn sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược cho vay bán lẻ của Ngân hàng LPBank (LPB)" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Hiện Ngân hàng Nhà nước quy định, sau 7 ngày kể từ ngày VNPost thoái vốn xuống dưới 5% vốn điều lệ của Ngân hàng LPBank, các phòng giao dịch bưu điện (PTO) sẽ không được nhận tiền gửi tiết kiệm.

Tính đến cuối quý 3/2023, Ngân hàng LPBank gân hàng có mạng lưới hoạt động lớn thứ 3 trong số 25 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán, với 513 phòng giao dịch bưu điện (PTO) và 570 phòng giao dịch ngân hàng (BTO).

Các điểm PTO từ lâu đã được xem là một trong những lợi thế cạnh tranh kinh doanh lớn nhất của Ngân hàng LPBank, cũng như giúp việc nhận diện thương hiệu của ngân hàng này thuận lợi. Đặc biệt, các PTO được xem là cánh tay nối dài cho Ngân hàng LPBank trong việc cung cấp dịch vụ tài chính cho người dân ở vùng nông thôn - nơi có ít sự cạnh tranh từ các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khác.

Theo VNDirect Research, trong kịch bản cơ sở, Ngân hàng LPBank có thể thu hồi tất cả số tiền gửi tiết kiệm bưu điện vào hệ thống BTO của mình bằng cách đề nghị khách hàng gửi tiền vào các phòng giao dịch ngân hàng khi số tiền gửi tiết kiệm bưu điện đáo hạn.

Đồng thời, Ngân hàng LPBank vẫn sẽ có sự hỗ trợ của VNPost, như truy cập về cơ sở dữ liệu khách hàng, để theo đuổi chiến lược cho vay bán lẻ đối với khách hàng hưu trí và người dân vùng nông thôn do hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác 50 năm.

Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu LPB đạt 16.600 đồng/cổ phiếu.

Duy Quang