Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (Ngân hàng Quân đội, mã cổ phiếu: MBB - sàn: HoSE) vừa công bố thông tin phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông. Theo đó, mức cổ tức được ấn định ở tỷ lệ 15%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu MBB được nhận thêm 15 cổ phiếu mới. Ngày chốt quyền trả cổ tức sẽ là 17/07/2023; ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/07/2023.
Với hơn 4,53 tỷ cổ phiếu đang được lưu hành trên thị trường, Ngân hàng Quân đội dự kiến sẽ phát hành hơn 680 triệu cổ phiếu phổ thông để trả cổ tức đợt này. Qua đó, nâng vốn điều lệ lên thêm 6.800 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, vốn điều lệ của ngân hàng này còn dự kiến tăng thêm 1.542 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 thông qua và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Thời gian thực hiện đợt tăng vốn điều lệ này dự kiến diễn ra trong năm nay cho đến hết quý 2/2024.
Như vậy, tổng vốn điều lệ của Ngân hàng Quân đội sẽ tăng từ mức 45.340 tỷ đồng vào cuối năm 2022 lên mức 53.683 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 6/7, giá cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội đạt 20.200 đồng/cổ phiếu; tăng khoảng 22% so với thời điểm đầu năm nay.
Về vấn đề cổ tức, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, cổ đông Ngân hàng Quân đội đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2022 ở mức 20%, bao gồm 15% cổ phiếu và 5% tiền mặt.
Như vậy, Ngân hàng Quân đội sẽ còn cần phải chi 2.267 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Ngân hàng này đã chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt vào ngày 14/06 vừa qua; ngày dự kiến thanh toán là 10/07 tới đây.
Về hoạt động kinh doanh, trong quý 1/2023, Ngân hàng Quân đội ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng tới 22% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 10.227 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lợi thế có chi phí vốn rẻ và cơ cấu huy động vốn tốt. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng này chiếm hơn 30% tổng tiền gửi tại thời điểm cuối tháng 3/2023.
Sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận trước thuế quý 1/2023 của Ngân hàng Quân đội đạt 6.512 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ giảm trích lập dự phòng rủi ro. Qua đó, tiếp tục duy trì vị trí trong top 3 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế lớn nhất quý 1/2023, đứng sau hai “ông lớn” là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Tuy nhiên, đáng chú ý là ngân hàng này đang đối mặt với nợ xấu tăng mạnh. Tại thời điểm cuối tháng 3/2023, tổng nợ xấu của Ngân hàng Quân đội là 8.452 tỷ đồng, tăng tới 68% so với đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Quân đội vào cuối tháng 3/2023 đã lên đến 1,75%, tăng mạnh so với mức 1,09% của cuối năm 2022. Nợ xấu tại ngân hàng này có nguy cơ còn gia tăng do tỷ lệ nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) tăng gấp 2,1 lần so với cuối năm ngoái, lên mức 16.675 tỷ đồng; nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 cũng đã tăng mạnh so với cuối năm 2022.