Ngân hàng Quân đội (MBB): Nợ của Novaland, Trung Nam Group, Sun Group đều thuộc Nhóm 1

Lãnh đạo Ngân hàng Quân đội (mã cổ phiếu MBB) vừa cho biết dư nợ hiện tại của Novaland, Trung Nam Group, Sun Group đều thuộc Nhóm 1. Đáng chú ý, dư nợ trái phiếu với Novaland đã giảm gần 50% trong năm 2023.
Ngân hàng Quân đội
Ngân hàng Quân đội đã tổ chức Hội nghị Nhà đầu tư tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Ngân hàng TMCP Quân đội (Ngân hàng Quân đội, mã cổ phiếu MBB - sàn HoSE) vừa tổ chức Hội nghị Nhà đầu tư tổ chức theo hình thức trực tuyến với nhiều thông tin đáng chú ý.

Cụ thể, đối với vấn đề về dư nợ của loạt khách hàng lớn là Tập đoàn Novaland, Trung Nam Group, và Tập đoàn Sun Group, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quân đội cho biết các khoản nợ có liên quan đều đang tiến triển tích cực.

Cụ thể, đối với Tập đoàn Novaland, lãnh đạo Ngân hàng Quân đội cho biết “Dư nợ của Tập đoàn Novaland và các công ty con thuộc tập đoàn này thuộc nợ Nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) vì vẫn đang trong tiến trình bình thường. Trong năm ngoái, dư nợ trái phiếu của Tập đoàn Novaland tại Ngân hàng Quân đội đã giảm gần 50%, khả năng phục hồi từ các dự án của tập đoàn này tương đối khả quan”.

Ông Lưu Trung Thái nhấn mạnh, tình hình các khoản vay của Tập đoàn Novaland đang dần được cải thiện tích cực trong bối cảnh các vướng mắc pháp lý tại hai dự án trọng điểm là Aqua City và NovaWorld Phan Thiết đang dần được tháo gỡ với sự hỗ trợ sát sao từ các cơ quan chức năng.

Tương tự, dư nợ của Tập đoàn Sun Group và các công ty con tại Ngân hàng Quân đội cũng đang thuộc Nhóm 1 khi các khoản vay chủ yếu tập trung ở các dự án bất động sản du lịch vốn có dòng tiền đều và là thế mạnh của Tập đoàn Sun Group.

Chủ tịch Ngân hàng Quân đội cũng nhận định, với cách thức tái cấu trúc của lãnh đạo Tập đoàn Novaland và Tập đoàn Sun Group thì hai tập đoàn này đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong quý 3/2023 và dần hồi phục.

Với dư nợ của Trung Nam Group, Chủ tịch Ngân hàng Quân đội cho biết ngân hàng đang tài trợ vốn tại 3 dự án năng lượng và các dự án này đều đã đi vào vận hành đúng thời hạn với mức giá bán điện tốt, từ đó tạo dòng tiền trả nợ đều và ổn định.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về việc cho vay các lĩnh vực có rủi ro cao, ông Lưu Trung Thái cho biết, trong lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Quân đội thiết lập các chính sách, hạn mức cho vay kinh doanh bất động sản hàng năm, kiểm soát ở mức độ cho phép với tỷ lệ quanh 8%, thiết lập giới hạn chặt chẽ dư nợ cho từng khu vực, dự án.

Hiện nay, Ngân hàng Quân đội tập trung cho vay các dự án bất động sản nhà ở tại các địa phương lớn có nhu cầu cao, phân khúc giá hợp lý. Đồng thời, Ngân hàng Quân đội giữ quan điểm thận trọng với các dự án mới, đặc biệt là các dự án không thuộc các tiêu chí trên nhằm đảm bảo kiểm soát chất lượng cho vay.

Ngoài ra, Chủ tịch Ngân hàng Quân đội cho biết Ngân hàng không cho vay với hãng sản xuất xe điện VinFast.

Xem thêm: "Kỳ vọng thương vụ bán vốn cho đối tác ngoại của Ngân hàng Vietcombank (VCB) sớm hoàn tất" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đánh giá chung về chất lượng tài sản, lãnh đạo Ngân hàng Quân đội nhận định ngân hàng đã vượt giai đoạn khó khăn nhất và các khoản nợ xấu đều được trích lập dự phòng tốt.

Đối với câu hỏi của nhà đầu tư về triển vọng kinh doanh năm nay, ông Lưu Hoài Sơn - Giám đốc Ban Kế hoạch và Marketting Ngân hàng Quân đội cho biết, kỳ vọng ngân hàng sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức 16% được Ngân hàng Nhà nước giao đầu năm nay.

Với đà tăng trưởng như quý 4/2023, Ngân hàng Quân đội kỳ vọng lợi nhuận cả năm 2024 sẽ tăng 10% so với mức thực hiện của năm 2023, đạt hơn 28.800 tỷ đồng, ông Lưu Hoài Sơn cho biết.

Trong năm 2023, lợi nhuận hợp nhất của Ngân hàng Quân đội đạt hơn 26.300 tỷ đồng - mức cao nhất trong lịch sử.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 6/3, thị giá cổ phiếu MBB đạt 24.600 đồng/cổ phiếu.

Mạnh Hùng