Tín dụng bán lẻ kỳ vọng sẽ phục hồi, NIM nửa cuối năm được cải thiện
Thu nhập lãi thuần (NII) của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Ngân hàng VPBank, mã cổ phiếu VPB – sàn HoSE) trong quý 1/2023 và quý 2/2023 đã giảm lần lượt là 3,6% và 16,3% so với cùng kỳ năm 2022 mặc dù ngân hàng này có mức tăng trưởng tín dụng tương đối khả quan do NIM suy giảm khá mạnh.
NIM trong quý 2/2023 của Ngân hàng VPBank chỉ đạt 5,5%, so với mức 7,8% của quý 2/2022 và mức 7,5% của cả năm 2022. Đáng chú ý, đây là quý thứ 4 liên tiếp, Ngân hàng VPBank ghi nhận NIM suy giảm so với cùng kỳ.
Theo MBS Research, có lúc lãi suất huy động của Ngân hàng VPBank trong nửa đầu năm nay đạt xấp xỉ 10% cho kỳ hạn từ 6 – 12 tháng. Trong khi đó, lãi suất cho vay của ngân hàng này trong nửa đầu năm nay đạt khoảng 13,7%, tăng nhẹ so với mức 13,2% so với giai đoạn nửa đầu năm 2022. Điều này cho thấy NIM suy giảm chủ yếu do sự gia tăng mạnh của chi phí vốn (COF).
Sau các lần giảm suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ đầu năm đến nay, mức lãi suất điều hành đã về ngang bằng với năm 2020. Đồng thời, lãi suất huy động đối đa đối với tiền gửi bằng Việt Nam Đồng tại các tổ chức tín dụng có kỳ hạn dưới 6 tháng cũng giảm từ mức 5% xuống 4,75%.
Việc lãi suất huy động hạ nhiệt thường sẽ có tác động đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng sớm hơn sự điều chỉnh của lãi suất cho vay. Đồng thời, dữ liệu lịch sử cho thấy dư nợ của Ngân hàng VPBank thường tăng mạnh trong nửa cuối năm 2023 khi nhu cầu tiêu dùng gia tăng mạnh.
Ngân hàng VPBank là một trong những ngân hàng được nới room tín dụng cao nhất lên tới 15,5%, đưa tổng hạn mức tín dụng cho cả năm 2023 lên 24,5%.Cùng với các biện pháp kích thích tiêu dùng của Chính phủ như giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng VPBank có thể đạt hạn mức được cấp trong năm nay.
Do đó, MBS Research kỳ vọng NIM của Ngân hàng VPBank trong nửa cuối năm nay sẽ có sự cải thiện đáng kể so với giai đoạn đầu năm; qua đó, nâng NIM của năm 2023 lên mức 6,9%.
Có thể không hoàn thành kế hoạch kinh doanh, nợ xấu khó về dưới 5%
Dữ liệu cho thấy chất lượng tài sản của Ngân hàng VPBank đã suy giảm đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu (NPL) và nợ nhóm 2 của ngân hàng này tại cuối quý 2/2023 đã tăng lần lượt 1,7% và 2,8% so với thời điểm cuối năm 2022; tăng tới 2,2% và 4,3% so với quý 1/2023.
Với tỷ lệ cho vay bán lẻ chiếm 55% tổng dư nợ (không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) trong đó hơn 15% đến từ cho vay tiêu dùng, nợ dưới chuẩn của Ngân hàng VPBank sẽ bị tác động mạnh hơn so với mặt bằng chung ngành ngân hàng Việt Nam khi dòng tiền trả nợ của nhóm khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng.
NPL tăng mạnh khiến tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay (LLR) của Ngân hàng VPBank suy giảm đáng kể về mức 37,7% tại cuối quý 2/2023, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình toàn ngành (97,3%). Trong 6 tháng đầu năm nay, ngân hàng này đã sử dụng tới gần 12.900 tỷ đồng (tương đương 99,8% tổng chi phí trích lập trong kỳ) để xử lý nợ xấu khiến LLR suy giảm.
Tính đến cuối quý 2/2023, tỷ lệ trích lập dự phòng/tổng dư nợ của Ngân hàng VPBank đạt 5,2%, tương đương so với quý 1/2023. Điều này cho thấy rằng mặc dù nợ xấu gia tăng mạnh nhưng dư địa trích lập dự phòng của ngân hàng này không còn nhiều khi kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay tương đối kém khả quan.
Do đó, MBS Research nhận định tỷ lệ NPL cũng như nợ nhóm 2 của Ngân hàng VPBank sẽ khó quay về mức của năm 2022 với dự báo rằng kết quả kinh doanh cả năm nay của ngân hàng này sẽ không đạt được như kế hoạch đề ra.
Hiện MBS Research dự báo NPL và nợ nhóm 2 của Ngân hàng VPBank đạt lần lượt là 6,8% và 9% tại cuối năm 2023 và sẽ giảm về mức 6% và 8% tại cuối năm 2024.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa thị trường ngày 30/8, cổ phiếu VPB đạt 20.800 đồng/cổ phiếu. Sau đợt giảm giá mạnh kéo dài 7 ngày giao dịch vừa qua với mức giảm lên tới hơn 10%, cổ phiếu VPB đang có dấu hiệu cân bằng ở vùng giá hiện tại. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu VPB hiện đã tăng gần 16%.