Tốc độ gia tăng nợ xấu sẽ ở mức thấp trong thời gian tới
Kết thúc nửa đầu năm nay, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Ngân hàng Techcombank, mã cổ phiếu TCB – sàn HoSE) ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm tới 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do tỷ lệ NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) của ngân hàng này đã bị thu hẹp đáng kể.
Giai đoạn huy động tiền gửi với kỳ hạn dài và lãi suất cao trong quý 4/2022 – quý 1/2023 đã khiến chi phí vốn của Ngân hàng Techcombank nói riêng và nhiều ngân hàng khác tại Việt Nam nói chung vẫn tăng nhẹ trong quý 2/2023 vừa qua, mặc dù biểu lãi suất huy động niêm yết đã giảm khoảng 200 – 300 điểm cơ bản so với đầu năm. Trong khi đó, nhu cầu tín dụng suy yếu khiến Ngân hàng Techcombank phải hạ lãi suất cho vay và chấp nhận một mức NIM thấp hơn.
Điểm sáng đối với ngân hàng này trong nửa đầu năm nay là tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) đã có dấu hiệu tạo đáy và tăng trở lại trong quý 2/2023, tăng 2,9 điểm phần trăm so với quý 1/2023, lên mức 34,9%.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu trong quý 2/2023 của Ngân hàng Techcombank đã tăng 22 điểm cơ bản so với quý 1/2023, lên mức 1,07% - mức tương đối tốt so với toàn hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu tăng chủ yếu đến từ hoạt động cho vay cá nhân (tỷ lệ nợ xấu 1,96%) và doanh nghiệp vừa và nhỏ (tỷ lệ nợ xấu 1,51%). Trong khi đó, dư nợ cho vay đối với khối doanh nghiệp lớn vẫn duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức 0%.
Bộ đệm dự phòng của Ngân hàng Techcombank cũng không còn cao như trong giai đoạn 2021 – 2022. Một phần do nợ xấu đã tăng lên, ngoài ra ngân hàng này cũng chỉ trích lập dự phòng ở mức vừa phải (0,16% dư nợ trong quý 2/2023). Điều này khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống mức 116%.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Ngân hàng Techcombank, áp lực nợ xấu gia tăng vẫn còn tiếp diễn trong những quý tới đây nhưng tốc độ gia tăng của nợ xấu sẽ ở mức thấp và mức tăng sẽ không theo cấp số nhân. Thị trường bất động sản phục hồi kể từ quý 2/2023 sẽ giảm bớt áp lực lên chất lượng tín dụng của ngần hàng trong bối cảnh 74% dư nợ cho vay là liên quan đến bất động sản.
Dự kiến NIM bắt đầu phục hồi, cổ phiếu TCB neo quanh vùng giá cao nhất 10 tháng
Theo đánh giá mới nhất của ACB Securities (ACBS), mặc dù Ngân hàng Techcombank vẫn còn chịu áp lực từ việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhưng mức lãi suất cho vay hiện nay của ngân hàng này đã giảm về vùng đủ hấp dẫn để kích thích nhu cầu tín dụng tăng trở lại.
Ban lãnh đạo Ngân hàng Techcombank cho biết nhu cầu vay mua nhà trong tháng 6/2023 vừa qua cao gấp đôi so với những tháng đầu năm, cho dù còn phụ thuộc vào nguồn cung dự án chất lượng tốt cũng như tình trạng pháp lý của các dự án bất động sản.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước vừa cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng mới 14,1% cho Ngân hàng Techcombank. Tuy nhiên, theo ACBS, với mức tăng trưởng tín dụng đến cuối quý/2023 của ngân hàng này đã là 9,7%, Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho Ngân hàng Techcombank để phục vụ nhu cầu tín dụng tăng cao vào cuối năm nay. Dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm nay của Ngân hàng Techcombank có thể đạt 18,2%.
Lãi suất huy động đã giảm về mức tiệm cận giai đoạn trước đại dịch COVID-19, điều này sẽ tác động giảm rõ nét lên chi phí vốn của Ngân hàng Techcombank kể từ quý 3/2023. Đồng thời, tỷ lệ CASA có thể sẽ tiếp tục phục hồi nhờ lãi suất tiết kiệm giảm và các kênh đầu tư trở nên sôi động hơn, dự báo đạt 38% vào cuối năm nay.
Do đó, NIM của Ngân hàng Techcombank được kỳ vọng bắt đầu phục hồi từ quý 3/2023 và NIM cả năm nay sẽ ở mức 4,1% - giảm 127 điểm cơ bản so với năm 2022. Dự kiến NIM trong năm 2024 của ngân hàng này sẽ tiếp tục phục hồi lên mức 4,3% nhờ chi phí vốn tiếp tục giảm và tỷ lệ CASA tăng trở lại.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 14/8, cổ phiếu TCB đạt 33.800 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu TCB đã tăng hơn 30%. Đáng chú ý, trong vòng 2 tuần qua, cổ phiếu TCB đang đi ngang quanh vùng giá 34.000 đồng/cổ phiếu - mức cao nhất trong hơn 10 tháng trở lại đây.