Giá cước tàu tăng cao, biên lợi nhuận gộp lập đỉnh lịch sử
Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT – sàn HoSE) vừa tổ chức họp trực tuyến với các nhà đầu tư để cập nhật kết quả kinh doanh quý 2/2023. Theo đó, trong quý 2 vừa qua, PV Trans ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.098 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lãi ròng lên tới 375 tỷ đồng, tăng 45% so với quý 2/2022.
Nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường từ thanh lý tàu là 56 tỷ đồng trong quý 2 vừa qua thì doanh nghiệp vận tải dầu này ghi nhận mức tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm 2022; tương đương với mức tăng trưởng 26% trong quý 1/2023.
Đặc biệt, biên lợi nhuận gộp của PV Trans đã được cải thiện đáng kể từ mức 19,5% lên 22,8% trong quý 2/2022 - mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của PV Trans cũng như vượt ước tính của một số tổ chức tài chính đưa ra trước đây.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, PV Trans ghi nhận tổng doanh thu thuần 4.135 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với chu kỳ đi lên của ngành tàu chở dầu, PV Trans báo lãi ròng đạt 612 tỷ đồng, tăng 35% so với mức thực hiện 6 tháng đầu năm 2022. Qua đó, hoàn thành 111% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Hiện tại, khoảng 85% đội tàu của PV Trans đang được khai thác trên thị trường quốc tế trong đó có 15 tàu chở dầu/hóa chất, 6 tàu chở hàng rời, 1 tàu chở dầu thô, còn lại là tàu chở LPG.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo PV Trans tại buổi họp với các nhà đầu tư, lãi ròng của doanh nghiệp được cải thiện mạnh nhờ thị trường diễn biến thuận lợi. Cụ thể, biên lợi nhuận định mức của mảng nội địa vốn được giữ ổn định trước đây thì nay đã tăng cao hơn một phần nhờ diễn biến sôi động của thị trường quốc tế. Giá cước nội địa đã điều chỉnh tăng theo giá cước quốc tế, giúp tỷ suất lợi nhuận gộp của phân khúc dầu thô trong nửa đầu năm nay đạt mức 30%, so với mức 15% của nửa đầu năm 2022.
Doanh thu nội địa chiếm 20% doanh thu mảng vận tải của PV Trans, trong đó khách hàng chính của doanh nghiệp này là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (mã cổ phiếu BSR – sàn UPCoM) và các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lớn như PV OIL (mã cổ phiếu OIL – sàn UPCoM).
Đồng thời, PV Trans đã gia hạn được một số hợp đồng thuê tàu với giá thuê cao hơn trên thị trường quốc tế, giúp biên lợi nhuận gộp mảng dầu/hóa chất tăng từ 19% lên 21% trong nửa đầu năm nay. Tương tự, biên lợi nhuận gộp mảng LPG cũng tăng từ 11% lên 18% trong nửa đầu năm nay, phần lớn nhờ giá cho thuê tàu tốt hơn.
Bên cạnh đó, PV Trans đã đầu tư thêm 8 tàu (mua trực tiếp 4 tàu và 4 hợp đồng thuê mua tàu trần), với tổng vốn đầu tư là 1.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp tập trung đầu tư vào tàu chở dầu/hóa chất và tàu LPG, cả hai mảng này đều đang được hưởng giá cho thuê cao hơn, nhờ đó thúc đẩy lợi nhuận gộp và tỷ suất lợi nhuận gộp cho công ty.
Triển vọng kinh doanh của PV Trans dự kiến tiếp tục thuận lợi
Bóc tách số liệu cho thấy, ở mảng vận tải, doanh thu quý 2/2023 của PV Trans tương đương với quý 2/2022, đạt 1.800 tỷ đồng. Trong quý 2/2023, lợi nhuận gộp của mảng vận tải chiếm 86% tổng lợi nhuận gộp, cao nhất trong lịch sử của PV Trans. Điều này cho thấy PV Trans tập trung mở rộng mảng kinh doanh vận tải biển cốt lõi nhưng tăng trưởng của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào tình hình ngành vận tải biển.
Theo đánh giá gần đây của MBS Research, hoạt động kinh doanh của PV Trans sẽ tiếp tục được hưởng lợi trong những tháng cuối năm trong bối cảnh giá dầu neo ở mức cao; đồng thời, nguồn cung tàu chở dầu được dự báo sẽ tăng trưởng chậm hơn nhu cầu vận tải, giá cước giao ngay và giá cho thuê tàu trên thị trường quốc tế được nhận định vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao trong giai đoạn 2023-2024.
Tỷ lệ huy động tàu chở dầu trên thị trường quốc tế đang tăng lên dưới tác động của các xung đột địa chính trị. Sau khi bị các nước phương Tây áp đặt biện pháp trừng phạt, Nga đã chuyển hướng các sản phẩm dầu sang thị trường Trung Quốc và Ấn Độ; trong khi đó, Liên minh châu Âu tăng cường nhập dầu từ Hoa Kỳ. Điều này đã thay đổi bản đồ dòng chảy năng lượng trên toàn cầu khiến hải trình trung bình của các sản phẩm dầu khí trong năm 2023 tăng khoảng 3.5% trong năm 2023, theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA).
Bên cạnh đó, EIA cũng dự báo khối lượng dầu vận chuyển sẽ tăng trưởng lần lượt 0,5% và 1,5% trong giai đoạn 2023-2024, chủ yếu do kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa và tăng sản lượng cung cấp từ khu vực Đại Tây Dương.
Mặt khác, nguồn cung vận tải dầu đang trở nên hạn chế do quy mô đội tàu quốc tế tăng chậm và tốc độ di chuyển các tàu giảm khoảng 1%-2% để đáp ứng các quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) về giảm phát thải khí nhà kính từ tàu biển (quy định này có hiệu lực từ tháng 1/2023).
Sự chênh lệch giữa cung - cầu vận tải dầu khí trên thế giới được dự báo sẽ duy trì ít nhất đến cuối năm 2024, giúp tăng tỷ lệ huy động đội tàu chở dầu hiện tại, từ đó tác động tích cực đến những doanh nghiệp hoạt động nhiều trên thị trường quốc tế, bao gồm PV Trans.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 11/8, giá cổ phiếu PVT đạt 23.350 đồng/cổ phiếu. Kể từ giữa tháng 4/2023 - thời điểm giá cước vận tải dầu quốc tế tăng trở lại, cổ phiếu PVT cũng đã xác lập nhịp phục hồi với mức tăng 17% với thanh khoản tăng đáng kể.
Tuy nhiên, trong 3 phiên giao dịch gần đây, cùng với sự điều chỉnh chung của thị trường, cổ phiếu PVT đã liên tục giảm, mất gần 5%.