Hơn 550 triệu cổ phiếu SHB gia nhập thị trường
Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xác nhận kết quả phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu SHB để chia cổ tức năm 2022 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (Ngân hàng SHB, mã cổ phiếu SHB – sàn HoSE). Qua đó, vốn điều lệ của ngân hàng này tăng lên gần 36.194 tỷ đồng – cao thứ 4 trong nhóm các ngân hàng TMCP tư nhân hiện nay tại Việt Nam.
Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng SHB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 9.978 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 6.073 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Lãi ròng của ngân hàng này trong nửa đầu năm 2023 đạt 4.941 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của Ngân hàng SHB đạt hơn 585.100 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với đầu năm nay; trong đó, cho vay khách hàng tăng 6% lên hơn 407.600 tỷ đồng. Đồng thời, tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng này cũng tăng hơn 13% lên mức 409.600 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.
Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 6/2023, số dư nợ xấu của Ngân hàng SHB giảm 3,4% so với thời điểm đầu năm, xuống còn 10.400 tỷ đồng. Qua đó, giúp tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này giảm từ mức 2,81% vào cuối năm 2022 xuống mức 2,57% vào cuối quý 2/2023. Ngân hàng SHB hiện là ngân hàng duy nhất trong số các ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận số dư nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu giảm trong nửa đầu năm 2023.
Trong năm nay, Ngân hàng SHB đưa ra hai kịch bản kinh doanh. Theo kịch bản 1, nếu hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 được cấp ở mức 10%, mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 10.285 tỷ đồng - tăng 6,15% so với mức thực hiện của năm 2022. Đối với kịch bản 2, nếu hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp là 14%, mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 10.626 tỷ đồng – tăng 9,67% so với mức thực hiện năm 2022. Mục tiêu tỷ lệ nợ xấu ở cả hai kịch bản đều ở dưới mức 2%.
Như vậy, sau 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng SHB đã hoàn thành 60% mục tiêu lợi nhuận theo kịch bản thấp và 57% mục tiêu lợi nhuận theo kịch bản cao.
Cổ phiếu SHB neo quanh vùng giá cao nhất 15 tháng
Vào đầu tháng 7, hãng tin Reuters cho biết Ngân hàng SHB đang đàm phán bán tới 20% cổ phần cho một đối tác chiến lược với mức định giá từ 2 – 2,2 tỷ USD.
Các định chế tài chính và quỹ đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận với Ngân hàng SHB và ngân hàng này đang trao đổi với một đơn vị tư vấn tài chính để tìm kiếm đối tác. Hiện các cuộc thảo luận đang diễn ra, thoả thuận hợp tác chiến lược này có thể được hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm 2024 và sẽ cần sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, Reuters cho biết.
Đồng thời, Reuters dẫn lời đại diện của Ngân hàng SHB cho biết, việc tìm kiếm đối tác chiến lược sẽ không chỉ giới hạn ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, Ngân hàng SHB từ chối bình luận về các thông tin khác như tỷ lệ chào bán hay mức định giá cho thương vụ này.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vừa qua, ban lãnh đạo Ngân hàng SHB cho biết đang tiến hành đàm phán với các bên đối tác ngoại. Dự kiến trong giai đoạn 2023 – 2024, ngân hàng này sẽ có sự đồng hành của cổ đông chiến lược nước ngoài trong ngắn và trung hạn 3 – 5 năm. Hiện tại, room khối ngoại của SHB mới chỉ lấp đầy 7% so với hạn mức 30% của ngân hàng này.
Ngân hàng SHB hiện là một trong số hiếm các ngân hàng tư nhân niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn trống cổ đông chiến lược.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 11/8, cổ phiếu SHB có giá tham chiếu tại mức 12.950 đồng/cổ phiếu - neo quanh vùng giá cao nhất 15 tháng qua. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu SHB hiện đã tăng hơn 52%.
Vừa qua, cổ phiếu SHB chính thức lọt rổ chỉ số VN30 - bộ chỉ số đại diện cho nhóm 30 mã cổ phiếu có vốn hoá và mức thanh khoản cao nhất niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh.