Lãi ròng giảm 52%, nhiều mảng kinh doanh giảm sút đáng kể
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Ngân hàng Eximbank, cổ phiếu EIB – sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023, ghi nhận sự sụt giảm tại hầu hết các lĩnh vực kinh doanh. Theo đó, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này đã giảm mạnh 23% so với quý 2/2022, xuống còn 1.094 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Ngân hàng Eximbank cho biết sự sụt giảm kết quả kinh doanh là do ngân hàng này phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng theo chủ trương của Chính phủ. Trong khi đó, lãi suất huy động vốn tăng cao kéo theo chi phí huy động vốn tăng.
Lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán của Ngân hàng Eximbank trong quý 2/2023 chi đạt hơn 4 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện kinh doanh các giấy tờ có giá như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu tổ chức tín dụng bất lợi, theo chia sẻ từ phía Ban lãnh đạo Ngân hàng Eximbank.
Lãi thuần từ hoạt động khác trong quý 2/2023 của ngân hàng này cũng giảm 73% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn gần 74 tỷ đồng, chủ yếu do công tác tác xử lý thu hồi nợ thực hiện chậm và tính thanh khoản cùng tình hình giao dịch trên thị trường bất động sản chậm hơn cùng kỳ.
Điểm sáng duy nhất là lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối trong quý 2/2023 đã tăng mạnh 55%, lên mức 184 tỷ đồng. Đồng thời, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ được giữ ổn định so với cùng kỳ năm 2022, đạt 124 tỷ đồng.
Trong quý 2/2023, nhờ tiết giảm chi phí cho nhân viên nên chi phí hoạt động của Ngân hàng Eximbank đã giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 769 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng này đã phải tăng trích lập dự phòng rủi ro thêm 37%, lên mức 178 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến dư nợ cho vay chuyển sang nhóm nợ cao hơn, trong đó có một phần chuyển nhóm nợ CIC từ các tổ chức tín dụng khác, Ngân hàng Eximbank cho biết.
Kết thúc quý 2/2023, ngân hàng này báo lãi ròng chỉ đạt 422 tỷ đồng, giảm 52% so với quý 2/2022. Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Eximbank ghi nhận tổng thu nhập lãi thuần 2.331 tỷ đồng và lãi ròng 1.118 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và giảm 26% so với nửa đầu năm 2022.
Trong năm nay, Ngân hàng Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 35% so với năm 2022 lên mức 5.000 tỷ đồng. Như vậy ngân hàng này mới chỉ hoàn thành 28% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm.
Tính đến cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của Ngân hàng Eximbank đạt hơn 190.300 tỷ đồng, tăng 2,8% so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, cho vay khách hàng chỉ tăng 1% - mức tương đối thấp so với mặt bằng chung toàn ngành ngân hàng. Đây cũng được xem là một nguyên nhân khiến cho thu nhập lãi thuần của ngân hàng này sụt giảm trong nửa đầu năm nay.
Về chất lượng tài sản, nợ xấu của Ngân hàng Eximbank, tính đến cuối tháng 6/2023 đã tăng 54% so với thời điểm đầu năm, lên mức 3.625 tỷ đồng; khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên tới 2,75% vào cuối quý 2/2023, so với mức 1,8% vào cuối năm trước.
Bất chấp xáo trộn thượng tầng, cổ phiếu EIB xác lập nhịp tăng mạnh
Vừa qua, Ngân hàng Eximbank công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường tại TP.Hồ Chí Minh, dự kiến vào ngày 18/9/2023, nhằm bầu bổ sung tối đa thêm hai Thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025). Ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền họp và biểu quyết tại Đại hội là ngày 19/7/2023.
Hiện nay, thành viên HĐQT của Ngân hàng Eximbank có 5 người. Theo ngân hàng này, đối tượng đề cử nhân sự dự kiến bổ sung vào HĐQT Eximbank gồm: cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần Eximbank trở lên có quyền đề cử nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT.
Sau gần 10 năm trải qua cuộc chiến giành quyền kiểm soát HĐQT và rớt khỏi TOP những ngân hàng hàng đầu Việt Nam, việc tái cơ cấu cổ đông và sớm ổn định bộ máy lãnh đạo được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho Ngân hàng Eximbank cải thiện hoạt động kinh doanh trở lại.
Đầu năm nay, tập đoàn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật Bản đã quyết định chấm dứt liên kết vốn với Ngân hàng Eximbank và giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại đây xuống dưới 5% sau 15 năm hợp tác. SMBC đã bán thỏa thuận hơn 132,8 triệu cổ phiếu EIB cho nhà đầu tư trong nước vào ngày 13/1/2023. Nhóm cổ đông lớn Thành Công cũng thoái toàn bộ vốn khỏi Ngân hàng Eximbank với tổng giá trị thương vụ khoảng 5.000 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Ngân hàng Eximbank đã ghi nhận nhiều đợt chuyển nhượng cổ phiếu quy mô lớn, mỗi lần vài chục cho tới cả trăm triệu đơn vị, đánh dấu sự thay đổi cơ cấu cổ đông lớn chưa từng có.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 10/8, bất chấp áp lực điều chỉnh chung của thị trường, cổ phiếu EIB vẫn giữ “sắc xanh” với mức tăng 0,2% lên 24.250 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, kể từ cuối tháng 7 đến nay, cổ phiếu EIB đang xác lập nhịp tăng mạnh với thanh khoản tăng đáng kể so với thông thường. Chỉ trong vòng 2 tuần trở lại đây, cổ phiếu EIB đã tăng hơn 20%.