Bán 32,5% vốn tại VAMC với giá cao trong quý 4/2023
Báo cáo chiến lược mới nhất của Chứng khoán DSC cho biết Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Ngân hàng Sacombank, mã cổ phiếu STB – sàn HoSE) đang lên kế hoạch bán ra 32,5% vốn tại Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) trong quý 4/2023. Theo ước tính của DSC, mức giá rao bán tối thiểu sẽ ở khoảng 32.000-34.000 đồng/cổ phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 7/8, giá cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank đạt 30.050 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, giá cổ phiếu STB đã tăng hơn 33%.
DSC đánh giá việc bán vốn có thể tạo động lực tăng giá mạnh cho cổ phiếu STB trong năm 2023. Tuy nhiên, hãng chứng khoán này cũng lưu ý về rủi ro Ngân hàng Sacombank có thể sẽ không thoái vốn được ngay trong năm 2023 do môi trường vĩ mô không thuận lợi.
Dữ liệu của DSC cho thấy, tính đến quý 2/2023, Ngân hàng Sacombank gần như đã xử lý xong hoàn toàn khoản nợ xấu tồn đọng từ việc sát nhập ngân hàng Phương Nam năm 2015. Tính đến hết quý 2/2023, dư nợ khoản trái phiếu VAMC của ngân hàng này chỉ còn 4.400 tỷ.
Theo kế hoạch ban đầu, Ngân hàng Sacombank sẽ bán Khu công nghiệp Phong Phú với giá trị 7.000 tỷ để bù vào khoản này. Tuy nhiên, theo cập nhật mới nhất, ngân hàng này sẽ hoàn thành trích lập để xử lý dứt điểm khoản nợ xấu 4.400 tỷ ngay trong năm 2023.
Lợi nhuận ngân hàng Sacombank dự kiến "bùng nổ" từ năm 2024
Theo đánh giá hiện nay của DSC, trong trường hợp quản lý tốt chất lượng tín dụng, lợi nhuận của Ngân hàng Sacombank có thể bùng nổ trong năm 2024 do không còn phải trích lập dự phòng cho khoản trái phiếu VAMC và có thể ghi nhận lợi nhuận bất thường từ việc bán Khu công nghiệp Phong Phú.
Cùng chung nhận định như trên, ACB Securities (ACBS) đánh giá, sau khi hoàn thành tái cơ cấu và không còn áp lực trích lập dự phòng cho các tài sản tồn đọng, dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2024 của Ngân hàng Sacombank sẽ tăng vọt lên mức khoảng 20.000 tỷ đồng, so với mức mục tiêu 9.500 tỷ đồng của năm 2023 và mức thực hiện 6.300 tỷ đồng của năm 2022. Như vậy, lợi nhuận của ngân hàng này sẽ đạt tương đương với các ngân hàng có cùng quy mô khác.
Ngoài ra, dự kiến tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) và thu nợ ngoại bảng của ngân hàng này có thể tăng đột biến trong những năm tới khi các tài sản thế chấp được xử lý thành công.
Trong khi đó, DSC dự phóng lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Sacombank năm 2023 sẽ đạt 9.600 tỷ, tăng 51% so với năm 2023. Trong năm 2024, với kịch bản cơ sở, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Sacombank có thể đạt 16.600 tỷ, tăng 73% so với năm 2022. Kể cả trong kịch bản nợ xấu tăng thì lợi nhuận trước thuế năm 2024 của Sacombank vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng, dù rất thấp, là 4% so với 2023.
Tuy nhiên, còn tồn tại rủi ro trong câu chuyện bùng nổ lợi nhuận của Ngân hàng Sacombank khi nợ xấu của ngân hàng này lại đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể, nợ xấu nội bảng của Ngân hàng Sacombank trong quý 2/2023 đã lên tới 1,8%, so mức 1% hồi đầu năm nay.
Tính đến cuối tháng 6/2023, số dư nợ xấu của ngân hàng này đã tăng gấp đôi lên mức 8.226 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh, với mức tăng lần lượt gấp hơn 4 lần và 2,5 lần so với thời điểm đầu năm nay.
Đáng chú ý, giai đoạn quý 2 khi nợ xấu Sacombank tăng mạnh cũng là giai đoạn thông tư 02 cho phép giãn nợ tín dụng đã được ban hành. Khi thông tư giãn nợ hết hiệu lực vào giữa năm 2024, rủi ro nợ xấu STB sẽ tăng lên là khó tránh khỏi.
“Có thể thấy, việc hoàn thành tái cơ cấu nợ xấu VAMC là bệ phóng rất tốt cho câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận của STB trong tương lai. Tuy nhiên, để câu chuyện bùng nổ lợi nhuận có thể diễn ra, việc kiểm soát chất lượng tín dụng là tối quan trọng với Sacombank”, hãng chứng khoán DSC lưu ý.