Ngành Công Thương Lạng Sơn: Thương mại dịch vụ là động lực phát triển kinh tế của tỉnh

Lạng Sơn là tỉnh biên giới nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ Quốc, có vị trí chiến lược cả về kinh tế và chính trị, đồng thời có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển cả về công nghiệp và thương mại. Trong đó thương mại – dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Lạng Sơn, đóng góp khoảng 60% GDP của Tỉnh.

Ba chương trình trọng tâm 

Để phát huy tiềm năng vốn có và thu hút đầu tư, từ năm 2015, Lạng Sơn đã đề ra 3 chương trình trọng tâm đột phá để phát triển kinh tế là: phát triển kinh tế cửa khẩu; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế  - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông; tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, kinh tế cửa khẩu và thương mại biên giới được coi là động lực, đòn bẩy, khâu đột phá phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.

Tỉnh Lạng Sơn là cửa ngõ giao thương lớn nhất trên tuyến biên giới phía Bắc với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây

(Trung Quốc) với hệ thống 12 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ. Hàng năm có khoảng 3.000 doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động XNK qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn; lưu lượng xe khoảng 1.500 xe/ngày.

Hệ thống giao thông trên địa bàn Tỉnh thuận lợi với các tuyến đường ra các cửa khẩu và hạ tầng các khu cửa khẩu được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ. Lạng Sơn còn sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú với 86 điểm mỏ quặng, khoáng thuộc 19 loại khoáng sản khác nhau với trữ lượng lớn. Bên cạnh đó, Tỉnh đã quy hoạch KCN Đồng Bành và định hướng KCN Hồng Phong; quy hoạch 16 CCN, trong đó 02 CCN đã được thành lập.

Đại hội chi bộ Sở Công Thương Lạng Sơn
Đại hội chi bộ Sở Công Thương Lạng Sơn

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp nhằm xây dựng Lạng Sơn phát triển toàn diện và bền vững, trong đó mục tiêu đối với lĩnh vực công thương là đưa kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương tăng 9-10%; tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng trong cơ cấu GRDP là 20-21%, trong đó tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu GRDP là 13,35%.

Thực hiện Nghị quyết, từ năm 2016 đến nay, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn ổn định và tăng trưởng qua các năm. Đóng góp cho sự tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp chủ yếu do các doanh nghiệp tiêu biểu như: Nhà máy Xi măng Đồng Bành, Công ty Nhiệt điện Na Dương, Công ty Than Na Dương, Nhà máy chế biến hạt mài Tân Mỹ…. và một số dự án mới hoàn thành và vận hành khai thác trong các lĩnh vực Thủy điện, chế biến gỗ, chế biến nhựa thông…

Thương mại nội địa tiếp tục phát triển với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng bình quân 11,45% trong giai đoạn 2016-2020 (mục tiêu là 11,54%). Với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, thị trường nội địa dần trở nên đa dạng, phong phú, giá cả ổn định.

Hệ thống phân phối hàng hóa phát triển đa dạng và rộng khắp, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân trong Tỉnh. Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu luôn được quan tâm, cung ứng đầy đủ kể cả ở các xã vùng sâu, vùng xa với giá cả hợp lý theo cơ chế thị trường.

Với ưu thế về phát triển thương mại biên giới, kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn có những bước tăng trưởng vững chắc. Xuất nhập khẩu qua địa bàn giai đoạn 2016-2020 tiếp tục phát triển và tăng trưởng qua các năm.

Tổng kim ngạch XNK qua địa bàn tăng từ 4.130 triệu USD năm 2016 lên khoảng 5.500 triệu USD năm 2020 (tăng bình quân 6,05%/năm); trong đó kim ngạch XK tăng bình quân 14,5%/năm.  

Xuất khẩu hàng địa phương tăng trưởng bình quân 9,34%/năm, từ 104,5 triệu USD năm 2016 lên khoảng 150 triệu USD năm 2020. Thị trường XK hàng địa phương ngày càng đa dạng hóa, ngoài Trung Quốc hiện còn có một số thị trường khác như EU, Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, ASEAN…

Trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung đẩy mạnh phát triển khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, logistics, trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của các địa phương trong cả nước; chú trọng phát triển kinh tế biên mậu, du lịch gắn với giữ vững an ninh quốc phòng.

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất và tìm kiếm thị trường

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sâu rộng, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tham mưu UBND tỉnh, Sở Công Thương Lạng Sơn đã có những kế hoạch, chương trình hỗ trợ thiết thực giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm thị trường.

Trong lĩnh vực công nghiệp, từ năm 2010 đến 2019 đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại phối hợp với Phòng Kinh tế và hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế Thành phố triển khai thực hiện công tác hỗ trợ các DN trên địa bàn thông qua 127 Đề án khuyến công với tổng kinh phí 12.466 triệu đồng; hỗ trợ các DN vừa và nhỏ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất, nâng cao nhận thức về Chiến lược sản xuất sạch hơn.

Trong thương mại nội địa, đã tham mưu chuyển giao 16 chợ nông thôn cho doanh nghiệp quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng chợ nhằm cung ứng hàng hóa chất lượng cao, phương thức kinh doanh hiện đại, văn minh.

Đối với hoạt động XNK, Sở Công Thương Lạng Sơn tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai kịp thời các quy định, cơ chế, chính sách của Trung ương, đồng thời phối hợp tốt với các sở, ban ngành trong Tỉnh cùng với Chính quyền và các cơ quan chức năng của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng tây (Trung Quốc) triển khai thực hiện tốt các giải pháp thực tế về điều kiện giao thông, cơ sở hạ tầng như kho tàng bến bãi, kéo dài thời gian thông quan trong ngày vào các thời điểm mùa vụ thu hoạch, điều chỉnh cửa khẩu tiếp nhận hàng hóa… tạo điều kiện giải quyết những khó khăn, vướng mắc, ùn tắc hàng hóa XK của Việt Nam, hỗ trợ tốt cho hoạt động XNK của DN…

Ông Phùng Quang Hội - Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn
Ông Phùng Quang Hội - Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn

Theo ông Phùng Quang Hội – Giám đốc sở Công Thương Lạng Sơn: Năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây khó khăn lớn cho hoạt động XNK cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Sở Công Thương Lạng Sơn đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để ứng phó, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trước tác động của dịch bệnh.

Đồng thời đã và đang nỗ lực thực tìm mọi biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, duy trì ổn định và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế; chủ động tích cực hội nhập quốc tế bằng việc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất Công nghiệp, hoạt động Thương mại – XNK, phát triển thị trường nội địa...

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 góp phần tích cực vào thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVI.