Ngành Công Thương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phòng chống thiên tai

Trước tình hình thiên tai diễn ra ngày càng dị thường và không theo quy luật, với quan điểm phòng chống thiên tai thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ”, ngay từ đầu năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 06 tháng 4 năm 2021 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 để chỉ đạo các đơn vị trong Bộ, Sở Công Thương các tỉnh và các doanh nghiệp trong ngành Công Thương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phòng chống thiên tai.

Ban Chỉ huy và Văn phòng thường trực Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ do một đồng chí Lãnh đạo Bộ làm Trưởng ban,  thành viên của Ban Chỉ huy là đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và các Tập đoàn, Tổng công ty lớn trong ngành Công Thương.

Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, các Tập đoàn, Tổng công ty, các chủ hồ chứa thủy điện, chủ cơ sở khai thác khoáng sản và các doanh nghiệp trong ngành Công Thương chủ động phương án sẵn sàng đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, đồng thời có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương xem xét ưu tiên cho lực lượng ứng cứu và khắc phục sự cố điện được tiêm vắc xin Covid-19 sớm để đảm bảo an toàn cho toàn xã hội khi tổ chức ứng cứu, khắc phục sự cố tại hiện trường.

Ngày 04/10/2021 vừa qua, Bộ Công Thương tiếp tục có văn bản số 6108/BCT-ATMT chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng chống thiên tai trong ngành Công Thương. Trong đó có nhiều nhiệm vụ quan trọng giao Sở Công Thương các tỉnh, các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp ngành Công Thương trong phạm vi cả nước thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, khi thiên tai xảy ra, Bộ Công Thương luôn kịp thời ban hành các Công điện chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai ứng phó với thiên tai, đồng thời Văn phòng thường trực của Bộ và các đơn vị đều tổ chức trực ban 24/24h trong suốt thời gian ảnh hưởng bởi các cơn bão.

Ngoài ra, từ đầu mùa mưa bão đến nay, hàng ngày Văn phòng thường trực PCTT&TKCN Bộ Công Thương liên tục gửi thông tin về tình hình vận hành hồ chứa thủy điện đến Văn phòng thường trực BCĐ quốc gia về Phòng chống thiên tai để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của BCĐ.

Công tác kiểm tra phòng chống thiên tai được Bộ Công Thương chú trọng triển khai trước mùa mưa bão hàng năm. Năm 2021, Bộ Công Thương đã tổ chức kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại 02 tỉnh Điện Biên, Sơn La từ ngày 05 đến ngày 08 tháng 7 năm 2021 theo phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đã kiểm tra 16/35 công trình đập, hồ chứa thủy điện thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Kết quả kiểm tra cho thấy tất cả 16 công trình đều đảm bảo an toàn, đủ điều kiện tích nước, vận hành chống lũ năm 2021. Đối với 19/35 đập, hồ chứa còn lại, do tình hình dịch bệnh covid-19 nên các chủ đập, hồ chứa thủy điện đã có báo cáo kiểm tra đánh giá an toàn đập, hồ chứa và Bộ Công Thương sẽ tổ chức kiểm tra trong Quý IV/2021.

Hiện nay, tổng số các công trình thủy điện (có chiều cao đập lớn hơn 5m hoặc dung tích hồ chứa lớn hơn 50.000 m3) là 466 hồ thuộc địa bàn 32 tỉnh với tổng công suất lắp đặt là 19.681,51 MW. Trong đó, có 03 công trình quan trọng liên quan an ninh quốc gia (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu); có 7 công trình có dung tích trên 2 tỷ m3; 11 công trình có đập cao trên 100 mét; 11 quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng phê duyệt.

Trên cơ sở các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh có thủy điện, tích cực chỉ đạo các chủ hồ đập thực hiện nghiêm các quy định vận hành an toàn hồ chứa. Đến nay cả nước đã có 100% đập, hồ chứa đã đăng ký an toàn đập, hồ chứa; 100% đập, hồ chứa được chủ đập thực hiện báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa theo đúng quy định; 100% hồ chứa đã được phê duyệt quy trình vận hành; hầu hết các công trình đều có phương án bảo vệ đập, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, còn một số ít đơn vị chưa lập, trình phê duyệt phương án do cơ quan chức năng chưa xây dựng xong bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập làm cơ sở để xây dựng phương án.

UBND các tỉnh có công trình thủy điện cũng tích cực phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn vận hành hồ đập. Nhờ vậy mà trong những gần đây, mặc dù mưa lũ kéo dài xảy ra, có nhiều trận lũ lịch sử với tần suất dày và lưu lượng vượt xa lũ thiết kế nhưng các công trình đập, hồ chứa thủy điện vẫn đảm bảo việc vận hành an toàn và góp phần cắt giảm, đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng hạ du đập.

Tuy vậy, trong quá trình quản lý, Bộ Công Thương vẫn phát hiện một số trường hợp các chủ đập, hồ chứa thủy điện vi phạm quy trình vận hành, xả lũ không đúng quy định, dẫn đến tiếm ẩn các nguy cơ rủi ro cho công trình và an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Điển hình như vụ Thủy điện Sử Pán 1, Lào Cai; thủy điện Thượng Nhật, Thừa Thiên Huế, thủy điện Hố Hô, Hà Tĩnh… Các trường hợp trên đã được Bộ Công Thương kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo quy định.

Đối với các đơn vị lưới điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra các khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, đường dây, trạm điện và có phương án xử lý kịp thời; các đơn vị trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng tổ chức tái lập ca trực đối với trạm biến áp không người trực vận hành tại chỗ, khẩn trương khắc phục những tồn tại khiếm khuyết của lưới điện; phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, tổ chức cắt tỉa cây xanh, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện; hỗ trợ các địa phương cấp điện Diezel dự phòng cho một số khu vực cách ly, bệnh viện dã chiến. Các đơn vị điện lực đã nỗ lực nhanh chóng khôi phục phụ tải đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới, Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố một số nội dung sau:

Một là, đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo hướng: "Bộ Công Thương và các địa phương chỉ làm công tác kiểm tra về công việc kiểm tra đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện của các chủ hồ, việc kiểm tra của các cơ quan chức năng không thay thế, không làm giảm trách nhiệm của các chủ hồ về công tác an toàn đập, hồ chứa nước thủy điện”.

Hai là, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: (1) Cung cấp bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập của các công trình theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ để các chủ hồ có cơ sở xây dựng Phương án bảo vệ đập và Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; (2) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ, thống nhất, xây dựng cơ chế phối hợp điều tiết nước các hồ chứa thủy điện trong mùa kiệt, rà soát các quy định về điều tiết nước các hồ chứa thủy điện, thủy lợi để cấp nước cho hạ du trong thời kỳ mùa kiệt, trong đó có xét đến sự phối hợp cấp nước của các hệ thống thủy lợi nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng nước trong mùa kiệt.

Ba là, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường: (1) Nghiên cứu điều chỉnh linh hoạt thời gian tích nước của các thủy điện trong Quy trình liên hồ, tăng cường độ chính xác của công tác dự báo thủy văn, nghiên cứu hiệu chỉnh các quy định linh hoạt để thích nghi với biến đổi khí hậu và các điều kiện thủy văn diễn biến khó lường, vừa đảm bảo an toàn hồ chứa vừa đảm bảo khả năng tích nước phục vụ sản xuất điện và nhu cầu nước hạ du; thời gian tích nước giữa thời điểm lũ chính vụ và lũ muộn để có điều hành phù hợp với sự biến đổi thời tiết, tránh lãng phí tài nguyên nước; (2) Xem xét, đề xuất Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh các Quy trình vận hành liên hồ chứa các hệ thống sông trên toàn quốc cho phù hợp với tình hình thực tế về biến đổi khí hậu để công tác vận hành công trình đảm bảo an toàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước quốc gia, hài hòa giữa phát triển kinh tế và đời sống dân sinh.

Bốn là, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

(1) Hỗ trợ các đơn vị điện lực trong việc vận động người dân chặt tỉa cây xanh, phát quang hành lang tuyến đường dây trong đô thị trước mùa mưa bão, trước khi bão đổ bộ, tuyên truyền bảo vệ tài sản của ngành điện, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện.

(2) Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo người dân sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão, đặc biệt việc kiểm tra các thiết bị sử dụng điện trong quá trình khôi phục cấp điện trở lại sau bão hoặc khu vực ngập sâu trước khi sử dụng lại.

(3) Thiết lập, quản lý hành lang thoát lũ của các hồ chứa và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn đập theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, quản lý an toàn đập, hồ chứa.

(4) Trích lập quỹ phòng chống thiên tai hoặc kinh phí cho hoạt động phòng chống thiên tai trong đó có bố trí nguồn vốn, kinh phí để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia dự trữ và cứu trợ kịp thời khi có thiên tai, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong mùa mưa.

(5) Xem xét chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho lực lượng tham gia công tác PCTT&TKCN trong ngành điện và quan tâm, hỗ trợ trong quá trình di chuyển nhân lực, vận chuyển phương tiện, trang thiết bị nhằm kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra.

 

Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương