Lậy tẩy 'bộ mặt thật' của đại gia đường 'nội'

Phân tích tình hình sản xuất, cân đối cung – cầu, lượng tồn kho với hạn ngạch nhập khẩu trước những “lùm xùm” xung quanh việc các doanh nghiệp mía đường “tố” đường nhập khẩu làm khó đường trong nước,
Đường vốn là mặt hàng tốn nhiều giấy mực và sự quan tâm của dư luận, không chỉ bởi nó là một mặt hàng thiết yếu, mà còn bởi xung quanh nó luôn có những thông tin trái chiều.

Thực hư 500.000 tấn đường tồn kho

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, tính đến 15/4, cả nước đã có 16/38 nhà máy dừng sản xuất; dự tính đến 30/4 sẽ chỉ còn 8 nhà máy sản xuất ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Các nhà máy đã ép được 11,3 triệu tấn mía, sản xuất được 1,03 triệu tấn đường, cao hơn cùng kỳ năm trước 163.200 tấn. Vấn đề nằm ở chỗ các nhà máy cho rằng, lượng đường tồn trong nước hiện khoảng 500.000 tấn. Nếu cho nhập khẩu đúng hạn ngạch 250.000 tấn theo quotar Bộ Công thương cho phép từ đầu vụ, thì đường nhập sẽ “ép” đường trong nước.

Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, với lượng sản xuất cả vụ khoảng 1,1 triệu tấn đường, cao hơn vụ trước khoảng 200.000 tấn, so với nhu cầu tiêu dùng trong nước thì vẫn còn thiếu trên 200.000 tấn. Lượng đường đã nhập khẩu 3 tháng đầu năm là 29.000 tấn (thấp hơn cùng kỳ năm trước 2.000 tấn). Thông tin mới nhất được ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Thị trường trong nước, Bộ Công thương, các đơn vị thương mại chỉ mới nhập 4.000 tấn, con số rất nhỏ, không ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước như kiến nghị của các nhà máy. Số tồn kho 500.000 tấn các nhà máy đưa ra phải xem lại.

Bộ Công thương khẳng định giữ nguyên hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2011. Tuy nhiên, Bộ đang rà soát để tạo điều kiện cho các nhà máy bằng cách những hợp đồng đã mở L/C giao hàng trong tháng 5 và tháng 6 thì phải tiến hành, những hợp đồng chưa mở L/C sẽ giãn lại đến tháng 7. Khả năng thiếu đường trong tháng 7, 8 (thời điểm nhu cầu tăng cao do vào vụ Trung Thu) là có thể. “Cơ quan Nhà nước không thể điều hành theo kiểu làm ăn giật cục và không chia sẻ lợi nhuận của các nhà máy đường”, ông An nói.

“Lật tẩy” sự kêu ca của nhà máy

Cũng theo ông An, chuyện “nóng” lần này là do giá đường thế giới đang xuống, giao dịch đường trong nước gần như đóng băng, các nhà máy phải vay lãi suất với mức tới 21 – 22%, không chịu nổi sức ép ôm kho nên tác động để tìm sự hỗ trợ, nhanh chóng bán đường, chứ không có chuyện nông dân bị ảnh hưởng bởi đường nhập khẩu. Trong khi các nhà máy đường từ trước đến nay không hề chia sẻ lợi nhuận với người dân và Chính phủ. Điển hình là năm 2010, khi giá đường sốt 27.000 đồng một kg, các nhà máy vẫn cố tình giữ giá, bán từng ngày, không ký hợp đồng lâu dài với thương mại và ngành sản xuất cần đường, dẫn đến thị trường sốt lại càng sốt, nhiều nhà sản xuất không thể mua được đường ở thời điểm đó.

Theo báo cáo cấu thành giá sản xuất của các nhà máy từ Hiệp hội mía đường, giá sản xuất một kg đường ở phía Bắc chỉ 12.000 đồng, phía Nam 15.000 đồng một kg. Giá bán đường trắng loại I (đã có VAT) tại kho nhà máy ở miền Bắc và miền Trung từ 17.500 - 18.000 đồng một kg, nên theo Bộ Công thương, dù ở thời điểm “khó khăn” này, các nhà máy vẫn “lãi đủ”. Ngoài ra, bộ này cũng dẫn chứng chuyện nhà máy nói không bán được là không đúng, bởi tháng 1, mức tiêu thụ trong nước là 165.000 tấn; tháng 2 là 145.500 tấn, tăng 40.000 tấn so với năm ngoái; tháng 3 là 83.500 tấn, tháng 4 là 72.900 tấn, đều tăng so cùng kỳ, chưa kể các nhà máy còn đang xuất sang Trung Quốc, thì không thể kêu. Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cũng tính, năm nay ngành công nghiệp nước giải khát tăng 30%, bia và các loại khác tăng 20%. Với mức tăng này, nhu cầu sẽ là 1,4 – 1,5 triệu tấn đường, tính cả dự báo sản xuất trong nước thì lượng đường không thừa.

“Các nhà máy thiếu vốn nên kêu, chứ giá bán vẫn lãi. Nhà máy không nên kêu ca làm thiệt hại người tiêu dùng, mà nên dự trữ để đến tháng 7 bán”, ông An bức xúc.