Tỷ dụ như chuyện cô bé Thuỵ Điển vượt Đại Tây Dương trên con thuyền không khí thải vừa gây bão truyền thông mấy ngày qua...
Vừa được ca tụng như người hùng với lựa chọn lối sống, hành động giảm thiểu tác hại tới môi trường, Greta Thunberg vừa bị chế giễu cho sự phô trương và giả tạo. Chiếc du thuyền chạy bằng năng lượng mặt trời mà Greta sử dụng có giá khoảng 4 triệu USD. Để đưa nó từ NewYork trở lại châu Âu, một ê kíp lái mới phải bay từ London qua New York thay ca. Và khí thải hàng không của một đội quân các nhà báo từ khắp nơi bay tới New York chứng kiến sự kiện này dĩ nhiên là đánh bạt mọi khoản "tiết kiệm" năng lượng của Greta Thunberg.
Tờ The Sun chế giễu tấm hình bìa Greta Thunberg trên tạp chí GQ ngay trước chuyến đi này là "trò chơi của năm", và rằng liệu cô bé có phải một chiến binh hay chỉ là con rối bị giật dây bởi sự nổi tiếng của bản thân, gia đình và các thế lực đứng sau tài trợ?
Giữa lời tụng ca và lời châm chọc - chuyện thường ngày trong thế giới chúng ta, Andrew C. Revkin, cây bút lão luyện về lĩnh vực biến đổi khí hậu trên nhật báo NY Times, viết rằng, chuyến đi của cô bé Thuỵ Điển 16 tuổi khiến ông sống lại tuổi 22 của mình, khi được tham gia hành trình lênh đênh trên biển 17 tháng, qua 15 quốc gia. Những trải nghiệm, những bài học trong chuyến đi đã đưa ông trở thành một nhà báo về môi trường thay vì một nhà sinh vật biển như dự định ban đầu.
"Nhiều thập kỷ sau, những ký ức và bài học mạnh mẽ từ cuộc sống trên biển vẫn tiếp tục định hình cuộc đời tôi và cách tôi nhìn con đường phía trước. Tôi ước mọi người một lần trải nghiệm cảm giác nhìn thấy đất liền trên hành trình vượt đại dương trên một con thuyền nhỏ. Trái đất, sau tất cả, chính nó là một chiếc thuyền rất nhỏ trong đại dương không gian vô biên" - Andrew C. Revkin viết.
Cái tên Thunberg của cô bé, giờ được nhiều người đổi thành "Thunder" - sấm sét, thức tỉnh hay đe doạ - tuỳ người tiếp nhận. Cũng như vậy, Greta Thunbeg, người đang được dự kiến đề cử cho giải Nobel Hoà Bình năm nay, sẽ là “anh hùng” hay “con rối” trong mắt bạn?