Nguồn nhân lực:Yếu tố quan trọng làm nên thương hiệu EVNNPT

EVNNPT đã và đang xây dựng thương hiệu và đầu tư phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu tới năm 2020 là “Xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, nâng cao năng suất lao động”.

Đẩy mạnh ứng ụng khoa học công nghệ là hướng đi giúp EVNNPT phát triển bền vững. Để thực hiện thành công chiến lược này, yếu tố tiên quyết mà EVNNPT coi trọng là hơn 7.600 cán bộ, công nhân, viên chức lao động phải đảm bảo được năng lực, trình độ, kỹ thuật đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao về thiết bị, công nghệ trong lĩnh vực truyền tải điện và đây được coi là nhân tố quyết định cho việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia...

Với mục tiêu có được đội ngũ chuyên gia giỏi, cán bộ công nhân viên có trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Tổng công ty đã tiến hành nhiều khóa đào tạo và hội thảo kỹ thuật chuyên sâu về MBA, hệ thống điều khiển tích hợp, các công nghệ FACTS, HVDC, các giải pháp giảm thiểu sự cố do sét, các giải pháp nâng cao chất lượng giám sát và thi công xây dựng… Đồng thời, Tổng Công ty còn hợp tác với các hãng, các nhà cung cấp lớn trên thế giới như Toshiba, Siemens, Linet… phối hợp, đào tạo, nâng cao năng lực trình độ, cho đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng, vận hành, bảo dưỡng và quản lý lưới truyền tải điện; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; trao đổi các sáng chế, công nghệ mới; chuyển giao công nghệ và cung cấp vật tư thiết bị điện.

Hiện nay hệ thống truyền tải điện quốc gia Việt Nam được trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại, tiên tiến hàng đầu thế giới. Đội ngũ cán bộ kỹ sư và công nhân của Tổng công ty đã làm chủ được công nghệ và làm chủ được thiết bị, không phải thuê các chuyên gia nước ngoài. Đáng chú ý, chính từ việc đào tạo đội ngũ CBCNVLĐ có năng lực, trình độ bài bản đã góp phần quan trọng giúp Tổng công ty triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện.

Đặc biệt, năng suất lao động (NSLĐ) của Tổng công ty đã được tăng lên từng năm. Hàng năm, số lượng đường dây và trạm biến áp được đưa vào vận hành rất lớn nhưng số lượng lao động tăng lên rất ít, thậm chí, 2 năm 2016-2017 số lượng lao động đã giảm đi. Chính vì thế đã giúp NSLĐ hàng năm đều tăng trên 10%. Nếu tính theo chỉ tiêu tổng hợp quy ra tiền thì hiện nay NSLĐ của Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) hiện cao gấp hơn 2 lần NSLĐ bình quân chung của toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam...

Theo ông Nguyễn Tuấn Tùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia: với đội ngũ kỹ sư, công nhân có năng lực, trình độ, gắn bó với nghề. Qua các phong trào thi đua phát huy nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật do Tổng Công ty và các đơn vị thành viên phát động đã được CBCNVLD tích cực tham gia, hưởng ứng. Trong những năm qua, cán bộ, công nhân trong toàn Tổng công ty có hàng trăm đề tài, giải pháp KHCN được ứng dụng vào đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống truyền tải như: Nghiên cứu, ứng dụng quản lý kỹ thuật trên nền tảng sử dụng thiết bị đóng cắt kiểu kín cách điện bằng khí SF6 hay còn gọi là thiết bị GIS; Ứng dụng dây dẫn chịu nhiệt để nâng cao khả năng tải của dây dẫn đường dây trên không; Ứng dụng công nghệ chống sét van cho các đường dây nhằm giảm sự cố do sét đánh…

Nhiều đề tài, công trình nghiên cứu của các cán bộ, công nhân thuộc EVNNPT đã được các giải thưởng lớn về nghiên cứu khoa học, các ngành chức năng tặng thưởng bằng khen. Điển hình như kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng- Giám đốc Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện đoạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam với đề tài “Quy trình công nghệ bảo dưỡng, sửa chữa máy biến áp 500kV tại hiện trường”, anh Nguyễn Văn Hóa - Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 đạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng là giải thưởng trao cho những kỹ sư, công nhân lao động có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo...

Qua 10 năm nỗ lực vượt nhiều khó khăn, thử thách, Hệ thống truyền tải điện quốc gia đã phát triển rất nhanh về quy mô và chất lượng, công nghệ.Hệ thống truyền tải điện quốc gia an toàn, liên tục, ổn định với sản lượng điện truyền tải đạt hơn 1.200 tỷ kWh, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân gần 11%; tổn thất điện năng trên hệ thống điện truyền tải đã giảm từ 3,14% năm 2010 xuống còn 2,45% năm 2017. Hiện nay, EVNNPTquản lý vận hành 24.423 km đường dây, tăng 2,2 lần; 142 trạm biến áp 500 kV, 220 kV, tăng 2,3 lần với tổng dung lượng là 82.438 MVA, tăng 3,7 lần so với thời điểm thành lập Tổng công ty. So sánh với các tổ chức truyền tải điện ở ASEAN, EVNNPTxếp thứ 3 về khối lượng quản lý vận hành đường dây và thứ 4 về tổng dung lượng máy biến áp.

Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới trong công tác vận hành cũng như xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại,... là những nhiệm vụ lớn và khó mà Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia xác định, nỗ lực phải thực hiện để đạt được mục tiêu trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu khu vực Đông Nam Á vào năm 2020 và Top đầu khu vực châu Á về chất lượng dịch vụ truyền tải điện.

Thanh Tú