Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 20/8 (theo giờ địa phương), giá ngô giao tháng 12/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) giảm tới 13,75 cents xuống còn 5,37 USD/giạ (25,4 kg/giạ ngô).
Giá đậu tương giao tháng 11/2021 cũng giảm mạnh 29,25 cents xuống mức 12,9075 USD/giạ (27,2 kg/giạ đậu tương) và giá lúa mì giao tháng 9/2021 giảm 13,25 cents xuống 7,1425 USD/giạ (27,2 kg/giạ lúa mì).
Tính chung cả tuần này, giá ngô đã giảm 5,4%, giá đậu tương giảm 5,6% và giá lúa mì giảm tới 6%.
Bên cạnh yếu tố tâm lý của giới đầu tư, Công ty Cổ phần Saigon Futures – đơn vị tư vấn phái sinh hàng hoá tại Việt Nam cho biết giá các loại nông sản còn chịu áp lực giảm từ việc đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác trong những phiên giao dịch gần đây. Trong ngày 20/8, chỉ số US Dollar Index – đo lường sự biến động giữa đồng USD và các đồng tiền chủ chốt khác đã có lúc đạt mức 93,4 điểm – mức cao nhất trong vòng 9 tháng trở lại đây.
Việc đồng USD tăng giá mạnh khiến khiến các loại hàng hoá, nguyên liệu thô được định giá bằng đồng USD như ngô và đậu tương trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ loại tiền tệ khác. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy đà tăng giá của đồng USD sẽ sớm ngưng lại sau khi một số thành viên chủ chốt của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) cho biết đang cân nhắc khả năng sớm thu hẹp quy mô chương trình kích thích kinh tế ngay trong năm nay.
Mặt khác, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta tại nhiều nền kinh tế có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu, kích thích giới đầu tư tìm đến đồng USD như kênh trú ẩn an toàn trước các biến động kinh tế.
Trên thị trường đậu tương, hiện có nhiều thông tin tích cực về tình hình tiêu thụ đậu tương tại Trung Quốc và Hoa Kỳ. Dữ liệu từ Công ty Cổ phần Saigon Futures cho thấy, tính đến tuần kết thúc vào ngày 15/8, mức tồn kho đậu tương tại Trung Quốc đạt 6,82 triệu tấn, giảm 150.000 tấn so với tuần trước. Đây cũng là tuần thứ 2 liên tiếp ghi nhận sự sụt giảm của lượng đậu tương tồn kho tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hoạt động ép dầu đậu tương tại Trung Quốc vẫn đang ở mức tương đối cao. Xu hướng giảm tồn kho đậu tương tại Trung Quốc được dự báo có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.
Trung tâm Thông tin Ngũ cốc và Dầu quốc gia Trung Quốc (CNGOIC) vừa điều chỉnh tăng dự báo lượng đầu tương nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 8/2021 thêm 400.000 tấn lên mức 8 triệu tấn; và trong tháng 9/2021 thêm 100.000 tấn lên mức 6,5 triệu tấn.
Thị trường hiện cũng liên tục ghi nhận việc Trung Quốc thu mua các lô hàng đậu tương lớn từ Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng đang có xu hướng giảm nhập khẩu đậu tương từ Brazil để tăng cường nhập hàng từ Hoa Kỳ khi vụ thu hoạch mới tại Hoa Kỳ đang đến gần.
Tại Hoa Kỳ, dữ liệu mới nhất của Hiệp hội Chế biến hạt có dầu quốc gia Hoa Kỳ (NOPA) cho thấy sản lượng ép dầu đậu tương của nước này trong tháng 7 vừa qua đạt 4,2 triệu tấn, tăng 1,8% so với mức sản lượng tháng 6 trước đó.
Trên thị trường ngô, Công ty Cổ phần Saigon Futures cho biết lượng ngô được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 7/2021 lên tới 2,86 triệu tấn, tăng 214% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm đến nay, nước này đã nhập khẩu tổng cộng 18,16 triệu tấn ngô, tăng 298% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, các thông tin mới nhất cho thấy quy mô đàn lợn của Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua đã giảm 0,5% so với tháng 6 trước đó. Đây là lần đầu tiên trong vòng 2 năm trở lại đây ghi nhận sự sụt giảm quy mô đàn lợn tại Trung Quốc. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động nhập khẩu ngô và đậu tương làm thức ăn chăn nuôi gia súc của Trung Quốc trong thời gian tới.
Xem thêm các phân tích thị trường nông sản tại đây.
Đối với mặt hàng lúa mì, hãng tư vấn thị trường hàng hoá SovEcon (Nga) tiếp tục giảm dự báo sản lượng lúa mì Nga niên vụ 2021/2022 xuống mức 76,2 triệu tấn, thấp hơn mức 76,4 triệu tấn được dự báo trước đó. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng thời tiết khô nóng tại các khu vực canh tác lúa mì chính của Nga, đặc biệt là tại khu vực thung lũng Volga, đang tác động tiêu cực đến sinh trưởng cây trồng. Nga hiện là quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, Nga có thể áp đặt các biện pháp giảm hoặc cấm xuất khẩu lúa mì nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. Bộ Nông nghiệp Nga dự báo sản lượng lúa mì của nước này trong niên vụ 2021/2022 sẽ đạt 80,7 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức 85,9 triệu tấn trong niên vụ trước. Lượng lúa mì xuất khẩu của Nga trong năm nay cũng được dự báo sẽ giảm tới 25% so với năm trước.
Công ty Cổ phần Saigon Futures (https://saigonfutures.com) là thành viên kinh doanh của Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) – Sở giao dịch hàng hoá được cấp phép chính thức bởi Bộ Công Thương. Năm 2020, Saigon Futures vinh dự nhận giải thưởng “Thành viên kinh doanh xuất sắc của MXV”. Hiện Saigon Futures cung cấp các báo cáo phân tích thị trường định kỳ và miễn phí 100% phí cố định phần mềm giao dịch cho khách hàng mới.