Nhiều điểm nhấn trong bức tranh kinh tế - xã hội tháng 5/2022

Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 4/6/2022, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực, các hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ, hầu hết các lĩnh vực đều tăng so với tháng trước và cùng kỳ.
Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5
Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5

Bức tranh kinh tế - xã hội tháng 5/2022 khác rất nhiều so với tháng trước và nhất là tháng 5/2021, khi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư bắt đầu. 

Các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 2,25% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 1,29% của năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng giai đoạn 2017-2020. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng tăng 1,1%.

Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định, thanh khoản tốt. Tính đến ngày 25/5/2022, huy động vốn tăng 3,41%; tín dụng tăng trưởng 7,73% so với cuối năm 2021.

Tổng thu ngân sách nhà nước 5 tháng ước đạt 806,4 nghìn tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng ước đạt 115.922,47 tỷ đồng, đạt 22,37% kế hoạch. Tính đến ngày 20/5/2022, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài đạt trên 11,71 tỷ USD, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2021. Giải ngân vốn FDI 5 tháng đạt 7,7,1 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) tháng 5 tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng IIP tăng 8,3%, trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 9,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%; ngành cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%; ngành khai khoáng tăng 4,1%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 4,4% so cùng kỳ. 

Chỉ số PMI sản xuất các ngành công nghiệp tháng 5 đạt 54,7 điểm, là mức cao nhất trong vòng 13 tháng và đánh dấu tháng thứ 8 liên tiếp đạt trên 50 điểm, có nghĩa là hoạt động sản xuất tiếp tục mở rộng kể từ tháng 10/2021.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tháng 5 ổn định và tăng trưởng; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng. 

Thương mại và dịch vụ tháng 5 sôi động, trong đó, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành phục hồi mạnh mẽ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5 đạt 477,3 nghìn tỷ đồng, mặc dù chỉ tăng 4,2% so với tháng trước và nhưng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, tăng 22,6%. Tính chung 5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 2.257 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng ước đạt 305,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3%; nhập khẩu ước đạt 152,29 tỷ YSD, tăng 14,9%.

Khách quốc tế tháng 5 gấp 12,8 lần cùng kỳ; 5 tháng tăng 4,5 lần.

Số doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường đạt khoảng 100.000, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số được đẩy mạnh; phát triển các mô hình, hoạt động kinh doanh mới, thương mại điện tử…

Công tác an sinh xã hội được quan tâm; bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người. Gói hỗ trợ của Chính phủ đạt trên 81 nghìn tỷ đồng cho gần 729.000 lượt người sử dụng lao động và gần 50 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác (theo Nghị quyết 68, 126, 116; Quyết định 23, 28). Các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa nghệ thuật từng bước trở lại bình thường. Đặc biệt, SEA Games 31 được tổ chức chu đáo, an toàn, thành công trên nhiều mặt, đoàn Việt Nam dẫn đầu các nước và phá kỷ lục về số lượng huy chương vàng.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5

Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế diễn ra sôi động, hiệu quả với nhiều đề xuất phù hợp, thể hiện chính kiến của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Các cơ quan vào cuộc tích cực, tăng cường xử lý các vụ án về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được đẩy mạnh; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối và ứng dụng hiệu quả.

Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về: dự báo tăng trưởng kinh tế; Chỉ số phục hồi Covid-19; chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch; xếp hạng tín nhiệm quốc gia; về chỉ số thu hút đầu tư; chỉ số hài lòng đối với các dịch vụ công...

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 4/6/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, những kết quả đạt được trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm là rất đáng mừng, tạo niềm tin và nền tảng để tiếp tục phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự giám sát, đồng hành của Quốc hội; sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp; sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Thy Thảo