Xuất khẩu nông lâm thủy sản “bội thu”
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, dù xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong tháng 4, cùng với sự thuận lợi về tỷ giá nhưng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 có sự sụt giảm so với tháng 4 chủ yếu do mức giảm 9,1% của kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong tháng 5 ước tính đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước nhưng tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 152,96 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao ở mức 21,2%, cao hơn so với mức tăng 14,8% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này tiếp tục cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp.
Đi sâu hơn vào một số nhóm hàng, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản trong 5 tháng ước đạt 13,08 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,55% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước.
Trong đó, xuất khẩu thủy sản, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn là điểm sáng trong xuất khẩu nhóm hàng này.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 5 tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính đạt 1,1 tỷ USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, riêng xuất khẩu thủy sản cả nước ước tính đạt 4,75 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu là các thị trường hiện đều có nhu cầu rất cao đối với thủy sản Việt Nam. Tình hình xung đột Nga - Ukraine có tác động lớn đến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam khi các thị trường này là 2 trong số 20 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam.
Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 5 đạt 386 triệu USD, tăng 39,9% so với tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước ; xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 636 triệu USD, tăng 13,3% so với tháng trước và tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 5 tháng đầu năm tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 131,39 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 85,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Tuy nhiên, tính riêng tháng 5/2022, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này giảm 0,1% so với tháng trước, chủ yếu do sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu như: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 27,5%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 6%; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 19%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 6%; Xơ sợi dệt các loại giảm 7,5%; Sắt thép các loại giảm 18,8%; sản phẩm từ sắt thép giảm 6,8%...
Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chiến lược khác như giầy dép các loại chỉ tăng 1,5%; dây điện và cáp điện chỉ tăng 2,1%... đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu chung của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều này cho thấy sự phụ thuộc vào khu vực FDI trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đà tăng cao nhất trong các nhóm hàng, tăng 69,4% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản khác tăng cao cả về lượng và giá trị do giá các mặt hàng này tăng cao.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022 và là điểm sáng trong tăng trưởng xuất khẩu với kim ngạch ước tính đạt 45,6 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 22,17 tỷ USD, tăng 9,2%; thị trường EU ước đạt 19,7 tỷ USD, tăng 21,7%; thị trường ASEAN ước đạt 13,9 tỷ USD, tăng 20,1%; Hàn Quốc ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 19%; Nhật Bản ước đạt 9,3 tỷ USD, tăng 12,8%.
Nhập khẩu 5 tháng tăng gần 15%
Bộ Công Thương cho hay, trong tháng 5/2022, giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu (xăng dầu, khí đốt) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (than, gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tiếp tục tăng cao đã dẫn đến kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng tăng cao, làm tăng tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa chung của cả nước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2022 ước tính đạt 32,2 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 152,16 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước ước đạt 53,2 tỷ USD, tăng 14,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98,9 tỷ USD, tăng 14,9%.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, chiếm gần 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 5 tháng là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 135,3 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, nhập khẩu các nhóm hàng năng lượng tiếp tục tăng cao, một phần do sản lượng nhập khẩu tăng, một phần do nguồn cung khan hiếm nên giá nhập khẩu tăng. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu than đá tăng tới 109,8% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện than; xăng dầu các loại tăng 123,2%; dầu thô tăng 46,8%; khí đốt hoá lỏng tăng 65,2%...
Ngoài ra, nhập khẩu một số mặt hàng khác cũng tăng mạnh như: lúa mì tăng 39,5% (chủ yếu do sự tăng về giá); nguyên phụ liệu thuốc lá tăng 72,4%; hóa chất tăng 30,2%; phân bón tăng 48% (riêng ure tăng 107,9%); cao su các loại tăng 32,9%; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28,6%; phôi thép tăng 39%...
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong 5 tháng ước tính tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8,98 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu rau quả tăng 29,1%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 51,9%; chế phẩm thực phẩm khác tăng 31,3%… so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022 với kim ngạch ước đạt 48,9 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 28 tỷ USD, tăng 33,5%; thị trường ASEAN đạt 20,5 tỷ USD, tăng 15,9%; Nhật Bản đạt 10 tỷ USD, tăng 12,4%; thị trường EU đạt 6,6 tỷ USD, giảm 2,1%; Hoa Kỳ đạt 5,8 tỷ USD, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 5 ước nhập siêu khoảng 1,73 tỷ USD. Tuy nhiên, tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại của cả nước tiếp tục duy trì trạng thái tích cực, ước xuất siêu khoảng 0,8 tỷ USD.
Bộ Công Thương cho hay, hoạt động xuất khẩu thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc triển khai các FTAs của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.
Làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp cũng sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Đồng thời, theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các Hiệp hội, doanh nghiệp.
Bộ cũng sẽ rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than,... để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.
Bên cạnh đó, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương biên giới phía Bắc tiếp tục giao thiệp, trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc để bàn bạc các giải pháp nhằm tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt ổn định lâu dài.