Thách thức đối với xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh mới của năm 2022

ThS. ĐỖ THỊ THANH HUYỀN (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Thời gian qua, xuất khẩu của Việt Nam liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số và được xem là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên đầu năm 2022, thế giới chứng kiến những diễn biến khó lường của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, tác động của biến thể Omicron,… và những phản ứng chính sách của chính phủ các quốc gia. Những vấn đề này khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, đồng thời ảnh hưởng tới mục tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 và những năm tới. Trên cơ sở những vấn đề nội tại của hoạt động xuất khẩu trong giai đoạn 2016 - 2021 và một số sự kiện trong nước và thế giới năm 2022, bài viết tập trung phân tích thách thức đối với xuất khẩu Việt Nam, từ đó đề xuất một số biện pháp để đưa xuất khẩu vượt qua những thách thức này.

Từ khóa: xuất khẩu, thách thức, bối cảnh mới, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Giai đoạn 2016 - 2021, xuất khẩu của nước ta trải qua nhiều khó khăn từ xung đột thương mại giữa các cường quốc kinh tế, châu Âu tăng cường các quy định về môi trường, sinh thái đối với các hàng hóa;… và 2 năm đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó xuất khẩu đã đạt nhiều thành tựu nhưng cũng có nhiều vấn đề tồn tại. Bước sang năm 2022, bối cảnh trong nước và quốc tế có những diễn biến phức tạp khó đoán định, sẽ tác động tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam theo cả 2 hướng tích cực và tiêu cực, bao gồm: (1) xung đột quân sự ngày càng căng thẳng giữa Nga và Ukraine làm gián đoạn nguồn cung xăng dầu khí đốt, năng lượng, logistic và vật tư nông nghiệp gây lạm phát cao; diễn biến khó dự đoán của đại dịch Covid-19; chính sách “Zero covid” của Trung Quốc và phản ứng chính sách của chính phủ các nước để phục hồi hoặc kiềm chế lạm phát; (2) Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp tục âm ỷ dễ bùng phát trở lại; (3) Ủy ban châu Âu (EC) ban hành thêm những quy định về tiêu chuẩn sinh thái đối với các sản phẩm điện tử và thời trang lưu hành trên thị trường các nước trong khối (vào tháng 3/2022) và sự kiện Việt Nam ký Hiệp ước khí hậu Glassgow tại Hội nghị thượng định Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26, tháng 11/2021); (4) Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực vào 01/01/2022…

Trước những sự kiện diễn ra từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022, cùng với những vấn đề nội tại của xuất khẩu, bài viết chỉ ra những thách thức đối với xuất khẩu Việt Nam cũng như đưa ra một số khuyến nghị chính sách phát triển xuất khẩu trong bối cảnh mới đó.

2. Khái quát những thành tựu và hạn chế của xuất khẩu Việt Nam

Trong giai đoạn 2016 - 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn luôn đạt tốc độ tăng trưởng dương hàng năm, bình quân đạt 12,3%/năm. Năm 2021, mặc dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều bất lợi nhưng lại là năm hoạt động xuất khẩu có sức bật mạnh trở lại (tăng 19% so 2020) sau khoảng thời gian giảm tốc trong những năm 2018 đến năm 2020 (Hình 1). Giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2021 đạt 336,3 tỷ USD, cao gấp 1,9 lần so với năm 2016.

Trong giai đoạn 2016 - 2021, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,6% (so với 11,6% của khu vực doanh nghiệp trong nước) và tỷ trọng xuất khẩu thường xuyên duy trì ở mức trên 70% trong tổng giá trị xuất khẩu (Hình 2).

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cũng có sự dịch chuyển đáng kể sang các mặt hàng có giá trị cao hơn so với giai đoạn trước. Tỷ trọng hàng hóa thuộc nhóm hàng thô, mới sơ chế, khoáng sản giảm từ 34,8% (2010) xuống 17,2% (2016) còn 12,46% (2020) và ước còn 10,9% (2021), nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tăng từ 65,1% (2010) lên 82,7% (2016), đạt 87,53% (2020) và tiếp tục tăng lên 89,1% (2021). Tuy nhiên, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện của Việt Nam lại phụ thuộc nhiều vào khối FDI và đầu vào nguyên phụ liệu, vật tư nhập khẩu… nên đóng góp của Việt Nam vào chuỗi giá trị chưa cao. Điển hình năm 2021, trị giá xuất khẩu điện thoại, linh kiện và nhóm hàng máy tính và linh kiện điện tử của khối doanh nghiệp FDI chiếm đến 98,96% và 97,8% tổng kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này của cả nước (Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, 2022).

Về đối tác xuất khẩu tính theo khu vực, châu Á đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất với tỷ trọng 48,2% (2021), tiếp theo là châu Mỹ (33,9% năm 2021) và châu Âu (15,2%). Nhưng tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất thuộc về thị trường châu Mỹ với tốc độ 26,6% (2021), tiếp theo là châu Đại Dương (23,9%) và châu Á (15,5%). Đối với châu Âu, sau hai năm 2019 - 2020 liên tiếp tăng trưởng âm, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 mới phục hồi gần mức xuất khẩu năm 2018 (nhờ lực đẩy từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực từ tháng 8/2020).

Về thị trường xuất khẩu song phương, số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường lớn của Việt Nam, năm 2021 đóng góp của 2 thị trường này lên tới 45,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (tăng 2,5 lần về trị giá xuất khẩu và tăng 27,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2016). Với 15 hiệp định thương mại tính đến cuối năm 2021 đã tạo thuận lợi cho xuất khẩu nước ta vươn tới một số thị trường trước đây còn khiêm tốn như Canada, Mexico, Peru, New Zealand… với tốc độ tăng trưởng trên 2 con số.

3. Thách thức đối với xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh mới

Thứ nhất, với đặc điểm độ mở nền kinh tế lớn, xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào một số thị trường trọng điểm truyền thống và khu vực doanh nghiệp nước ngoài, hàng hóa xuất khẩu phụ thuộc đầu vào nhập khẩu đang đẩy xuất khẩu của Việt Nam đứng trước nhiều rủi ro thị trường xuất khẩu và đầu vào cho sản xuất phục vụ xuất khẩu. Năm 2022, thế giới có thể ptiếp tục trải qua những làn sóng dịch bệnh trên diện rộng do những biến thể mới của Sars-CoV-2, mức độ nguy hiểm của virut là yếu tố bất định khó đoán trước vì độ bao phủ vac-xin chưa đủ rộng (đặc biệt là khu vực châu Phi) làm chậm lại tiến trình phục hồi kinh tế nhiều nước dẫn đến giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa trên thế giới.

Trung Quốc vẫn kiên định chính sách “Zero Covid” làm gián đoạn cung ứng đầu vào cho sản xuất của Việt Nam, đồng thời làm giảm khả năng xuất khẩu, thông quan hàng hóa sang Trung Quốc (trong khi nước này đang là thị trường lớn thứ hai sau Mỹ của Việt Nam). Cùng với đó là xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine từ tháng 02/2022 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang 2 thị trường này. Cuộc xung đột này còn kéo theo những lệnh trừng phạt tạo ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu, làm rối loạn thị trường tài chính, năng lượng... Giá năng lượng tăng cao gây áp lực tăng lạm phát có thể dẫn đến suy thoái toàn cầu.

Người dân châu Âu sẽ thận trọng hơn trong chi tiêu, làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng cao do thiếu hụt nguồn cung, chi phí logistic tăng cao (giá cước vận chuyển đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Từ cuối tháng 10 đến tuần đầu tiên của tháng 12/2021, chi phí vận chuyển hàng hóa từ cảng Ninh Ba - Chu Sơn đến Thái Lan và Việt Nam tăng 137%. Trong khi đó, chi phí vận chuyển hàng hóa từ cảng này đến Singapore và Malaysia cũng tăng 49%) và sự gián đoạn cung ứng nguyên liệu, vật tư sản xuất (máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; lúa mỳ; phân bón, than đá từ Nga và Ukraine) ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.  

Thứ hai, xu hướng gia tăng chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ thương mại, chiến tranh thương mại, chống toàn cầu hóa, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Mối quan hệ giữa 2 siêu cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng phức tạp, khó đoán định. Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc năm 2018 - 2019 được tạm thời hạ nhiệt kể từ khi hai nước ký “thỏa thuận thương mại lịch sử” vào đầu năm 2020. Chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể tái khởi động quan hệ với Trung Quốc nhưng trong trung và dài hạn sẽ vẫn tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc. Trong khi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất hiện nay của Việt Nam, nên thương mại của nước ta sẽ khó tránh khỏi liên lụy, nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ đối mặt với nguy cơ bị “vạ lây” do gian lận nguồn gốc xuất xứ (C/O) và lẩn tránh thuế (Anh Hoa, 2019).

Thứ ba, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tiếp tục gặp khó trên thị trường nước ngoài. Ngoài những rào cản về thể chế, pháp lý trong các lĩnh vực môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ… của các FTA thế hệ mới Việt Nam ký kết thì những quy định mới về tiêu chuẩn sinh thái của Liên minh Châu Âu (EU) tiến tới chấm dứt mô hình kinh doanh công nghệ và thời trang với các sản phẩm có “vòng đời ngắn” ở châu Âu và xu hướng sử dụng thực phẩm hữu cơ đang mở rộng sẽ là thách thức lớn đối với những ngành hàng nông nghiệp, thời trang và thậm chí là điện tử từ Việt Nam sang thị trường EU.

Quy định mới của Ủy ban Châu Âu (EC) yêu cầu hàng công nghệ, hàng thời trang vào thị trường châu Âu phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Đối với ngành hàng dệt may, để đạt được tiêu chuẩn này, nhà sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, không chứa chất độc hại, thân thiện với môi trường. Khi hàng dệt may không còn sử dụng được, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm thu hồi và tái chế, hạn chế tối đa việc đốt và chôn lấp các sản phẩm. Tất cả những thông tin trên phải được nhà sản xuất cung cấp cho người tiêu dùng thông qua việc gắn hộ chiếu kỹ thuật số cho từng sản phẩm. Nhưng với những hạn chế trong công nghệ, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn môi trường hệ sinh thái… khiến doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang khó tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do EVFTA thì việc quy định thêm những tiêu chuẩn sinh thái mới của EC sẽ là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn.

Cùng với đó, mới đây, Việt Nam và nhiều đối tác thương mại của Việt Nam (Mỹ, EU,...) có những cam kết hành động mạnh mẽ hơn để thích ứng với biến đổi khí hậu sau hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào tháng 11 năm 2021 (Cop26). Tại đây, Việt Nam cam kết nâng tỷ lệ năng lượng sạch trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp lên ít nhất 20% vào năm 2030 và 30% vào năm 2045, đồng thời cam kết từng bước loại bỏ sản xuất điện bằng than và cam kết khí thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cũng tại hội nghị này, nhiều quốc gia EU và Mỹ, là những đối tác thương mại lớn của nước ta, cũng đưa ra những cam kết tương tự.

Các nguồn tài trợ quốc tế cho các hoạt động kinh tế có phát thải cao sẽ giảm mạnh, các thị trường sẽ ngày càng yêu cầu cao hơn về sản xuất và sản phẩm có trách nhiệm với môi trường. Trong khi đó, nhiều ngành kinh tế của Việt Nam hiện nay vẫn đang phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không tái tạo - như năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch (Nguyễn Đăng Anh Thi, n.d.) - và phát thải lớn - như sản xuất điện năng từ than, sản xuất công nghiệp chế biến, phương thức canh tác nông nghiệp sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu,…). Nên cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam có mức độ thâm dụng tài nguyên cao và để lại các ảnh hưởng tới môi trường nước, không khí, đất, rừng. Do đó, nếu không nhanh chóng chuyển dịch công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, sử dụng năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường… các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng khó đứng vững trên nhiều thị trường tiên tiến.

Thứ 4, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực vào 01/01/2022 cũng đặt xuất khẩu Việt Nam vào thế cạnh tranh cao hơn trên thị trường các nước thành viên, đặc biệt là với thị trường xuất khẩu mà trước đây Trung Quốc chưa có hiệp định thương mại như thị trường Nhật Bản, trong khi Nhật Bản là thị trường truyền thống lớn thứ ba của Việt Nam ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau khi RCEP có hiệu lực, hàng hóa Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi thuế quan ở Nhật Bản, nên hàng xuất khẩu của nước ta sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn. Đồng thời, quy định hài hòa hóa quy tắc xuất xứ và nguồn cung đầu vào giá rẻ ngay tại nội khối sẽ kích thích doanh nghiệp trong nước nhập khẩu nguyên liệu đầu vào thay cho việc sản xuất trong nước. Điều này làm gia tăng mức độ phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu của hàng hóa xuất khẩu nước ta, và là rào cản lớn cho phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.

4. Khuyến nghị chính sách

Trước những tồn tại, hạn chế của xuất khẩu và bối cảnh mới trong năm 2022, tác giả đề xuất một số khuyến nghị sau:

+ Trong ngắn hạn, năm 2022, vẫn cần chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong nước để đảm bảo an ninh y tế, sức khỏe của dân cư, lực lượng lao động và lên các phương án dự phòng cho những biến thể mới. Thực hiện chiến lược vacxin, phát triển y tế dự phòng, đặc biệt là ở các khu cụm công nghiệp đông đúc để tránh thiếu hụt lao động phục vụ sản xuất - kinh doanh không bị gián đoạn như năm 2020, 2021.

+ Trong trung và dài hạn, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu (và cả thị trường nhập khẩu) kết hợp đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu theo hướng một thị trường có nhiều sản phẩm xuất khẩu và một sản phẩm có nhiều thị trường tiêu thụ để giảm mức độ phụ thuộc vào những thị trường truyền thống, san sẻ rủi ro khi có một hay một vài thị trường lớn có thay đổi về nhu cầu:

- Khai thác triệt để các hiệp định thương mại tự do đã ký: Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm phối hợp các hiệp hội ngành hàng phổ biến hướng dẫn các doanh nghiệp về các điều khoản, cam kết trong các FTA theo ngôn ngữ đại chúng; Các cơ quan ngoại giao của Việt Nam thường xuyên theo dõi, thông báo những thay đổi về quy định, chính sách pháp luật và xu hướng tiêu dùng, phương thức và tập quán thương mại ở các thị trường xuất khẩu; các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng xuất khẩu chủ động theo dõi các thông tin, tìm hiểu điều kiện tiêu chuẩn đối với hàng hóa xuất khẩu sang thị trường đích để có các kế hoạch thay đổi chính sách và phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cho phù hợp.

- Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp xuất khẩu (bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, nông hộ và doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp và các doanh nghiệp vận tải) để giúp doanh nghiệp tìm đối tác, xúc tiến thương mại qua các nền tảng số, tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế để tăng thêm các kênh tiêu thụ sản phẩm, đánh giá biến động nhu cầu và thời điểm… để có những kế hoạch kinh doanh phù hợp; đồng thời giúp khách hàng nước ngoài có thể truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm và những tiêu chuẩn, chứng nhận có đảm bảo, dịch chuyển lưu thông hàng hóa… Phát triển đồng bộ hạ tầng mạng internet và trang thiết bị, phần mềm phù hợp với từng khu vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Điều này cần các chính sách hỗ trợ về hạ tầng công nghệ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin để tăng năng lực cung ứng sản phẩm dịch vụ cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh khác. Giảm thuế đối với các sản phẩm - dịch vụ công nghệ trong khoảng thời gian chuyển đổi. Rà soát, bổ sung các văn bản pháp luật về các giao dịch kinh tế số và tập huấn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa về phần mềm công nghệ trong quản lý kinh doanh, xúc tiến thương mại số,…

- Việt Nam nên đẩy nhanh hơn quá trình sản xuất các sản phẩm xanh để đáp ứng thị trường trong nước và quốc tế để không lỡ nhịp phát triển xuất khẩu trong xu hướng “xanh hóa” hiện nay. Xanh hóa sản phẩm xuất khẩu bao gồm: (1) Thực hiện chuyển đổi phương thức, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng nguyên liệu hữu cơ, nguyên liệu có khả năng thu hồi và tái sử dụng và tái chế… ở những ngành hàng truyền thống hiện nay như dệt may, thời trang, nông sản, thủy sản, sản phẩm công nghệ, điện tử, hóa chất, sắt thép… để những ngành hàng truyền thống này tiếp tục tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới hướng các-bon thấp trong tương lai . (2) Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, sản xuất cung ứng các hàng hóa - dịch vụ môi trường mới và năng lượng tái tạo cho thị trường thế giới trước nhu cầu sản xuất, tiêu dùng bền vững ngày càng tăng, lan rộng sang các nước đang phát triển. Đồng thời, cần đồng bộ các quy định pháp luật về môi trường và xây dựng ban hành các luật mới phù hợp với các cam kết về môi trường trong các hiệp định Việt Nam mới kí kết và cam kết tại COP26. Những quy định kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường sẽ giúp cơ cấu lại FDI vào Việt Nam trong thời gian tới (trong ngắn hạn FDI vào Việt Nam có thể chững lại nhưng trong trung và dài hạn Việt Nam có cơ hội thu hút dòng FDI thế hệ mới từ các nước phát triển vì đáp ứng tiêu chí môi trường của các tập đoàn lớn sản xuất xuất khẩu về nước họ).

+ Tích cực huy động nguồn lực quốc tế cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế bao gồm cả sản xuất để xuất khẩu. Ví dụ, Việt Nam có cơ hội nhận được sự hỗ trợ từ các Quỹ Khí hậu xanh, Hội đồng chuyển dịch năng lượng, Sáng kiến xanh - sạch thuộc COP26 trong các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong lĩnh vực thích ứng và năng lượng tái tạo. Do đó, Chính phủ cần nhanh chóng rà soát chiến lược, kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia để điều chỉnh phù hợp với mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết, tận dụng hỗ trợ của quốc tế dành cho các dự án phát triển năng lượng sạch, tái tạo (tăng các dự án điện gió gần bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời mái nhà, điện khí hydro, bỏ hoàn toàn các dự án điện than mới ra khỏi quy hoạch kể từ 2022). Điều này sẽ góp phần tăng năng lực cung cấp điện và giảm “dấu chân các-bon” ngay từ quá trình sản xuất điện năng phục vụ sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

+ Song hành các biện pháp trên, cần tiếp tục triển khai các chính sách giải phóng và phát triển kinh tế tư nhân trong nước ở các lĩnh vực xuất khẩu và công nghiệp hỗ trợ để tăng dần tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu từ các doanh nghiệp trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng của người Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu, giảm dần phụ thuộc khối doanh nghiệp FDI.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Đăng Anh Thi (n.d). COP26 và tương lai năng lượng của Việt Nam. Truy cập tại: https://thesaigontimes.vn/cop26-va-tuong-lai-nang-luong-cua-viet-nam/
  2. Tổng cục Thống kê (2022). Hoạt động xuất nhập khẩu 2021 - những kết quả tích cực. Truy cập tại: http://consosukien.vn/hoat-dong-xuat-nhap-khau-nam-2021-nhung-ket-qua-tich-cuc.htm#
  3. Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (2022). Hoạt động xuất nhập khẩu điện thoại và linh kiện chiếm tỷ trọng cao. Truy cập tại: https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/hoat-dong-xuat-nhap-khau-dien-thoai-va-linh-kien-chiem-ty-trong-cao.html
  4. World Bank (2022). Không còn thời gian để lãng phí: những thách thức và cơ hội với phát triển thương mại xanh tại Việt Nam. Truy cập tại: http://www.worldbank.org
  5. Website của Tổng cục Thống kê: http://gso.gov.vn

 Challenges facing Vietnam’s exports in the new context

      Master. Do Thi Thanh Huyen

Thuongmai University

Abstract:

Over the past time, Vietnam's exports have continuously experienced a double-digit growth rate and exports play a key role in Vietnam’s economic development. Since the begining of 2022, the world has witnessed unpredictable developments of the COVID-19 pandemic with Omicron variant, the conflict between Russia and Ukraine, and the policy responses of governments. The global economy has been slowed down by these problems. Vietnam’s export targets in 2022 and in the coming years will be also affected by these issues. By analyzing the internal problems of Vietnam’s exports in the period from 2016 to 2021, and some domestic as well as international events in 2022, this paper points out the challenges facing Vietnam’s exports. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to help Vietnam’s exports overcome these challenges. 

Keywords: exports, challenges, new context, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2022]