Nhìn sâu hơn vào dự thảo thuế xuất khẩu phân bón mới: Liệu có hợp lý và khả thi?

Đề xuất áp thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với tất cả các mặt hàng phân bón vô cơ được kỳ vọng nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa, giảm thủ tục hành chính và tăng thu ngân sách, nhưng sử dụng công cụ thuế để hạn chế xuất khẩu có lẽ là giải pháp cần được tính toán kỹ lưỡng khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược lâu dài của doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của một ngành hàng quan trọng.

Đồng bộ mức thuế xuất khẩu phân bón vô cơ

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Dự thảo Nghị định mới này sẽ thay thế cho 4 nghị định: Nghị định số 122/2016/NĐ-CP; Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP và Nghị định số 101/2021/NĐ-CP.

Hiện nay, khoản 4 Điều 4 Nghị định 122/2016/NĐ-CP quy định mặt hàng phân bón thuộc các nhóm 31.01, 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất thuế xuất khẩu là 0%; Đối với mặt hàng phân bón nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế suất thuế xuất khẩu 5%.

Tại dự thảo Nghị định mới, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.

Nói cách khác, mức thuế suất thuế xuất khẩu được đưa lên 5% áp dụng đồng bộ với tất cả các mặt hàng phân bón vô cơ, chỉ còn phân bón hữu cơ được giữ thuế xuất khẩu 0%.

phan bon
Nếu áp biểu thuế mới, DAP - Vinachem và các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn trong nước sẽ bị giảm sức cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, mất cơ hội mở rộng thị trường và chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu

Nhận diện rõ tác động

Tác động - hay cũng là mục tiêu - của phương án mà Bộ Tài chính đưa ra có thể tóm gọn lại trong 3 ý:

Một là, giữ lại nguồn phân bón cho sử dụng trong nước.

Hai là, giảm bớt thủ tục hành chính về xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản.

Ba là, tăng thu ngân sách từ phân bón xuất khẩu.

Để có cái nhìn đúng và khách quan nhất, cần xem xét đến khả năng đạt được các tác động này của phương án thuế mới.

Về nguồn cung phân bón phục vụ thị trường nội địa, theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), năng lực sản xuất phân bón trong nước của các doanh nghiệp hiện nay ước tính ở mức 33 triệu tấn, trong đó tiêu thụ cho nông nghiệp chỉ 12 triệu tấn. Như vậy công suất dư thừa lên tới khoảng 20 triệu tấn, trong khi giá bán xuất khẩu cho thị trường thế giới rất tốt, thuận lợi.

Mặt khác, do đặc thù của phân bón là có tính thời vụ rất cao, sản lượng cao thấp theo mùa vụ; còn sản xuất thì lại phải ổn định, liên tục. Cho nên trong những thời điểm nhu cầu trong nước thấp, doanh nghiệp phải thực hiện xuất khẩu.

Nếu không xuất khẩu hoặc bị hạn chế xuất khẩu, “đó là một sự lãng phí về năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, không kích thích tăng trưởng tại các đơn vị”.

Xét đến vấn đề giá, ông Bùi Thế Chuyên - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, yếu tố quyết định đến biến động giá phân bón ở thị trường trong nước là phụ thuộc vào giá bán phân bón thế giới, mối quan hệ cung - cầu, cùng yếu tố đặc thù của phân bón là mùa vụ và chi phí để sản xuất phân bón.

Thời gian qua, giá phân bón thế giới đã tăng cao lên mức kỷ lục, trong khi chi phí nguyên nhiên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển cũng tăng mạnh, doanh nghiệp buộc phải đẩy giá bán để bù lại chi phí. Mặt khác, nguồn cung thế giới hạn chế trong khi nhu cầu phân bón hầu như được giữ ổn định cũng đẩy giá phân bón tăng lên.

Lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng nhận định, diễn biến phức tạp của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đã khiến giá dầu tăng cao, dẫn đến giá các nguyên liệu đầu vào chính của các sản phẩm phân bón tăng đột biến, đặc biệt là lưu huỳnh (S) và ammoniac (NH3). Các chi phí đầu vào có tác động mạnh, đã đẩy giá thành sản xuất phân bón DAP, Ure, NPK tăng rất cao dẫn đến giá bán cao.

“Tuy giá phân bón trong nước vẫn đang cao hơn so với thời gian trước đây nhưng vẫn còn rẻ hơn rất nhiều so với mặt bằng chung thế giới, khi giá thế giới đang neo ở mức rất cao. Giá urê tại Việt Nam so với thế giới hiện đang chênh nhau khoảng 5 triệu đồng/tấn”, ông Bùi Thế Chuyên cho biết, nhấn mạnh điều này cho thấy giá phân bón cao không phải do yếu tố mức thuế suất của một số mặt hàng phân bón xuất khẩu ở mức thuế suất 0%. 

Đơn cử, để sản xuất phân DAP, chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, giá lưu huỳnh Công ty CP DAP - Vinachem nhập mua đã tăng hơn 85,3%; giá NH3 tăng 36,8%; giá than tăng 30,7%; giá dầu FO sấy tăng 33,8%; giá quặng apatit tuyển tăng mạnh 38,8%; chưa kể đến giá cước vận chuyển.

“Chúng tôi cho rằng mấu chốt là phải trả lời được nguyên nhân gốc rễ, dẫn đến hiện tượng tăng giá phân bón trong thời gian qua là gì, liệu có phải do thiếu nguồn cung hay không. Tôi có thể khẳng định nguồn cung trong nước phân bón sản xuất luôn dồi dào, ngoại trừ phân bón Kali phải nhập khẩu 100% thì các loại phân bón khác chứa Lân và Nitơ luôn ở trạng thái dư cung, do năng lực sản xuất luôn đảm bảo trong khi nhu cầu nội địa không tăng, thậm chí giảm khá mạnh”, ông Nguyễn Ngọc Sơn -  Phó Tổng giám đốc Công ty CP DAP - Vinachem cho hay.

Hay nhìn sang NPK - mặt hàng thuộc nhóm 31.05 tại biểu thuế xuất khẩu, hiện nay cả nước có trên 800 doanh nghiệp lớn nhỏ sản xuất và kinh doanh phân NPK, năng lực sản xuất theo thống kê sơ bộ khoảng 10-11 triệu tấn/năm, so với nhu cầu 3,5 - 4 triệu tấn/năm thì công suất hoạt động các nhà máy NPK mới chỉ đạt 35-40% năng lực thiết kế. Chi phí nguyên liệu đầu vào chiếm 60-80% giá thành sản phẩm, các chi phí khác như bao bì, năng lượng (than đốt, điện,…) chiếm 20-40% giá thành sản phẩm.

“Dù giá các loại phân đơn là nguyên liệu đầu vào những tháng đầu năm 2022 đã tăng 1,5-3 lần tùy loại mặt hàng, tuy nhiên giá NPK của Công ty mới chỉ tăng khoảng 85-100% so với tháng 1/2021, mức tăng thấp hơn giá cả phân đơn đầu vào nhiều lần”, ông Ngô Văn Đông - Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền cho hay.

Về thủ tục hành chính, đại diện Phân bón Bình Điền cũng khẳng định “việc áp dụng thuế xuất khẩu 0% hoặc 5% dành cho phân bón NPK không có sự khác biệt trong thủ tục hành chính về xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản chiếm trong sản phẩm, do tỷ lệ này trong sản phẩm NPK rất thấp chưa có sản phẩm nào vượt tỷ lệ 51%”.

Rõ ràng, câu chuyện nguồn cung phục vụ thị trường nội địa ở đây là không cần lo lắng và doanh nghiệp cũng không kỳ vọng vào sự giảm bớt đáng kể về thủ tục hành chính trong xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản.

phan bon 1
Phân bón và Hóa chất Cần Thơ: nếu phải gánh thuế xuất khẩu 5%, sẽ dẫn đến lỗ, từ đó không thể xuất khẩu được

Doanh nghiệp mất lợi thế cạnh tranh

Nhờ lợi thế cự lý vận tải xuất khẩu bằng đường sông, đường biển, các doanh nghiệp phân bón trong nước có thế mạnh xuất khẩu tại những thị trường khu vực như Campuchia, Lào, Myanmar...

Phân bón Bình Điền mỗi năm sản xuất và tiêu thụ khoảng 600.000 - 700.000 tấn phân các loại, trong đó xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Lào ổn định khoảng 100.000 tấn NPK/năm với thuế suất xuất 0%.

Phân tích cụ thể, ông Ngô Văn Đông cho biết, hoạt động xuất khẩu giúp cho Công ty duy trì hoạt động ở mức công suất trên 50%, làm giảm chi phí cố định (chi phí khấu hao, quản lý,…), hạn chế tồn kho cao, thu được ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu nên tối ưu hóa nguồn vay ngân hàng từ USD lãi suất thấp hơn chi phí vay bằng VNĐ,… hạ giá thành sản phẩm. Đặc biệt, do xuất khẩu nên Công ty được khấu trừ thuế GTGT hàng xuất khẩu khoảng 8 - 10 tỷ đồng/năm.

“Nếu áp dụng chính sách thuế xuất khẩu từ 0% lên 5% thì sự cạnh tranh của NPK Bình Điền sẽ tiếp tục giảm mạnh, dự kiến sản lượng xuất khẩu có thể giảm đến 50-70%”, ông Ngô Văn Đông chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Nam Bình - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ cho biết, từ đầu năm 2022, Công ty có trên 80% sản lượng phân bón NPK chủ yếu là xuất khẩu nước ngoài.

“Biên lợi nhuận của các công ty sản xuất phân bón NPK chỉ khoảng 2-3% trên doanh thu, nếu áp thuế xuất khẩu công ty không thể tăng giá bán do phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các nước khác, vì vậy nếu công ty phải gánh chịu thuế xuất khẩu 5% này, sẽ dẫn đến lỗ, từ đó không thể xuất khẩu được”, ông Nguyễn Nam Bình quan ngại.

Cần nhìn nhận, mục tiêu “tăng thu ngân sách từ phân bón xuất khẩu” mà Bộ Tài chính đặt ra là hợp lý, nhưng nếu sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp sụt giảm do mất đi khả năng cạnh tranh tại thị trường quốc tế thì mục tiêu này lại chưa chắc đã khả thi trong trung hạn và dài hạn.

“Việc sản xuất phân bón phục vụ cho thị trường trong nước theo chỉ đạo chung vẫn luôn ưu tiên. Về phần xuất khẩu, tỉ trọng này chỉ chiếm một phần nhỏ so với năng lực sản xuất và so với lượng hàng hoá cung cấp cho thị trường nội địa nhưng rất quan trọng trọng việc nâng cao thương hiệu hàng hóa Việt Nam nói chung các sản phẩm phân bón nói riêng trên thị trường quốc tế và có vai trò to lớn trong việc ổn định việc làm cho hàng vạn lao động, phục hồi sản xuất, khai thác hết tiềm năng, nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước đang đã gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại trong đợt dịch Covid-19 những năm vừa qua”, lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhấn mạnh trong công văn gửi Hiệp hội Phân bón Việt Nam mới đây.

Các doanh nghiệp đều bày tỏ sự ủng hộ và đồng hành cùng người nông dân, nhưng cũng cho rằng kiểm soát cung cầu, giá cả phải trên cơ sở từ gốc, xem tăng giá ở đâu, cung thiếu ở đâu để có biện pháp quản lý phù hợp. Biểu thuế xuất khẩu mới nếu được áp dụng có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh và cơ hội mở rộng thị trường của doanh nghiệp, sâu xa hơn là tác động đến chiến lược kinh doanh cốt lõi của một phần không nhỏ các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước hiện nay.

 

Trần Bản