Nhiều doanh nghiệp Indonesia có kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam

Tại các buổi tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp tiêu biểu của Indonesia đã đề xuất kế hoạch hợp tác đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam thời gian tới.

Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hoạt động liên quan tại Jakarta, Indonesia, trong hai ngày 04 - 05/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các buổi tiếp đại diện cộng đồng doanh nghiệp Indonesia.

Thị trường tiềm năng, hấp dẫn cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh

Tối ngày 04/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Indonesia gồm Ciputra, Traveloka, Modena. Lãnh đạo các tập đoàn đánh giá Việt Nam là thị trường rất tiềm năng, hấp dẫn cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa, các sản phẩm chất lượng.

doanh nghiệp Indonesia
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Indonesia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong số này, Ciputra là một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu ở Indonesia với hơn 100 công ty thành viên trên toàn thế giới, hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, y tế, giáo dục, nghệ thuật… Tại Việt Nam, Tập đoàn đã đầu tư gần 3 tỷ USD, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh và cung cấp dịch vụ bất động sản, trong đó có khu đô thị Nam Thăng Long (Hà Nội).

Tại buổi tiếp, ông Budiarsa Sastrawinata - Chủ tịch Ciputra, đồng thời là Chủ tịch Hội hữu nghị Indonesia – Việt Nam (IVFA) cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã luôn hỗ trợ tập đoàn Ciputra với các dự án đang hoạt động tại Việt Nam; thông tin về tình hình hoạt động của Tập đoàn tại Việt Nam và nêu một số đề xuất hợp tác đầu tư mới…

Modena là thương hiệu thiết bị gia dụng và điện tử hàng đầu tại Indonesia, có sản phẩm phân phối tới 92 quốc gia trên thế giới. Phó Chủ tịch điều hành Modena, ông Michael Jizhar cho biết Việt Nam là thị trường quan trọng và tập đoàn đã mở rộng hoạt động từ năm 2018. Tập đoàn đang nghiên cứu, mở rộng đầu tư sản xuất đồ điện, đồ gia dụng, xe điện và phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Traveloka là công ty sở hữu nền tảng ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến hiện diện tại 6 quốc gia Đông Nam Á với thị trường hoạt động chủ yếu tại Việt Nam, Thái Lan và Philippines. ông Albert Zhang - Đồng sáng lập Traveloka đánh giá Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn trong khu vực và châu lục; thông báo về các hoạt động hợp tác với phía Cục Du lịch và các địa phương Việt Nam nhằm quảng bá và thúc đẩy chuyển đổi số du lịch Việt Nam, thu hút khách du lịch quốc tế…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các hoạt động đầu tư thành công của các tập đoàn tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị, đối với việc gia hạn chứng nhận đầu tư, mở rộng đầu tư…, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cơ quan liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể và thực hiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi theo quy định của pháp luật, trên tinh thần bình đẳng giữa các doanh nghiệp và đơn giản hóa thủ tục, tránh rườm rà cho nhà đầu tư.

Thủ tướng mong các tập đoàn phát huy hơn nữa trách nhiệm xã hội, nhất là trong bối cảnh khó khăn; góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động; tích cực góp ý xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật... 

Khuyến khích doanh nghiệp Indonesia đầu tư vào các lĩnh vực mới

Sáng ngày 05/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) và một số doanh nghiệp tiêu biểu của Indonesia.

Cuộc làm việc có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại diện Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN ABAC) 2023, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số doanh nghiệp Việt Nam nhằm thảo luận các giải pháp góp phần thúc đẩy quan hệ kinh doanh và đầu tư giữa Indonesia và Việt Nam.

Tại buổi tiếp, các doanh nghiệp Indonesia đã phát biểu đánh giá tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước; báo cáo thành tựu, kết quả hoạt động tại Việt Nam, các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn; nêu các đề xuất, kiến nghị hợp tác, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xe điện, năng lượng tái tạo, khai thác khoáng sản như đất hiếm, nhà ở cho người thu nhập thấp, nông nghiệp, thương mại gạo, cao su, mua bán tín chỉ carbon…

Indonesia
Doanh nghiệp Indonesia báo cáo kết quả hoạt động tại Việt Nam, các kế hoạch hợp tác đầu tư, kinh doanh thời gian tới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá quan hệ Việt Nam - Indonesia không ngừng phát triển mạnh mẽ; trong đó hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại chiếm vị trí quan trọng, và luôn được quan tâm thúc đẩy. Hai nước cũng đang hướng tới nâng tầm quan hệ, đây là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư.

Việt Nam đẩy mạnh thu hút và có các chính sách khuyến khích, thúc đẩy các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; các dự án tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; các dự án thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển bền vững; các dự án phát triển hạ tầng chiến lược…

Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn hoan nghênh các doanh nghiệp Indonesia đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đây là lĩnh vực còn rất nhiều dư địa để hai bên hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm, nhất là phát triển tài chính thông minh.

Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam đang hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó có chính sách khuyến khích phát triển hệ sinh thái xe điện; đề nghị hai bên hợp tác hiệu quả trong khai thác các khoáng sản phục vụ phát triển xanh như sản xuất pin xe điện, cũng như hợp tác bán tín chỉ carbon..

Về nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng hai nước cần có hiệp định trong các lĩnh vực như cung cấp gạo, cao su để hai nước có thể hợp tác ổn định, chủ động về nguồn cung, sản phẩm… với giá cả theo thị trường trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Liên quan tới thị trường bất động sản, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang khuyến khích phát triển phân khúc nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp; mong muốn các doanh nghiệp Indonesia đầu tư tại Việt Nam tăng cường đầu tư phát triển nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. 

Thủ tướng đề nghị VCCI và KADIN cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trong việc kết nối, thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư, kinh doanh hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và thời gian hơn.

Thủ tướng
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại chiếm vị trí quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Indonesia và luôn được quan tâm thúc đẩy. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia trong khu vực. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 14,1 tỷ USD (trong đó xuất khẩu từ Indonesia sang Việt Nam tăng 26,8%; xuất khẩu từ Việt Nam sang Indonesia tăng 15,7%). Trong 7 tháng đầu năm nay, thương mại hai chiều đạt 7,9 tỷ USD.

Về đầu tư, lũy kế đến 20/6/2023, Indonesia có 113 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư là 645,8 triệu USD, đứng thứ 29/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam và đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN. Nhiều tập đoàn của Indonesia đang đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam như Ciputra, Traveloka, Gojek…

Việt Hằng