Nhiều kỳ vọng khởi sắc cho Đạm Ninh Bình trong năm 2022

Ngày 4/2/2022 (tức mùng 4 Tết), trong không khí tươi vui của những ngày đầu Xuân Nhâm Dần, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác Bộ Công Thương đã đến thăm hỏi, động viên và chúc mừng năm mới tập thể lãnh đạo, cán bộ và người lao động Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.
Đoàn công tác Bộ Công Thương tham quan phòng điều khiển trung tâm Nhà máy
Đoàn công tác Bộ Công Thương tham quan phòng điều khiển trung tâm Nhà máy

Lần đầu kinh doanh có lãi sau 10 năm 

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và thế giới, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Bình, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đã làm tốt công tác phòng dịch Covid-19, duy trì sản xuất, xuất bán hàng, nhập vật tư liên tục, an toàn, chăm lo tốt cho người lao động. Đồng thời, thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương (tại chỉ thị số 10/BCT ngày 23/8/2021) về việc ổn định sản xuất, bình ổn giá urê trong nước, đảm bảo an ninh lương thực.

Nhờ vậy, tháng 7/2021, lần đầu tiên Đạm Ninh Bình bắt đầu kinh doanh có lãi, sau 10 năm hoạt động sản xuất kinh doanh. Cả năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4.001 tỷ đồng, bằng 158% so với kế hoạch năm 2021 và bằng 241% so với thực hiện năm 2020.

Tổng doanh thu năm 2021 đạt 4.112 tỷ đồng, bằng 168% với kế hoạch năm 2021 và đạt bằng 230% so với thực hiện năm 2020.

Tổng sản lượng urê sản xuất, tiêu thụ đạt 444 nghìn tấn bằng 123% so với kế hoạch năm 2021 và bằng 159% so với thực hiện năm 2020. 

Tổng kết lại, năm 2021 Công ty lỗ 97 tỷ đồng, giảm lỗ 1.153 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 và giảm lỗ 1.634 tỷ đồng so với thực hiện năm 2020.

Đặc biệt, Công ty thực hiện tốt chế độ lương cho 921 lao động với thu nhập bình quân xấp xỉ 10 triệu đồng/người/tháng, tăng 15% so với 2020. 

“Riêng dịp Tết, Công ty và Công Đoàn Công ty đã có tháng lương thứ 13, 20kg gạo nếp, tẻ, quyển lịch, gói quà Tết và 4 triệu đồng cho người lao động ăn Tết. Tinh thần anh em lao động rất phấn khởi và yên tâm công tác”, ông Nguyễn Viết Hiến - Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình vui mừng chia sẻ.

Ông Nguyễn Viết Hiến - Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình
Ông Nguyễn Viết Hiến - Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình

Trước Tết Nguyên đán, ban lãnh đạo Công ty đã chỉ đạo, quán triệt toàn Công ty thực hiện nghiêm quy định phòng dịch Covid-19 của UBND tỉnh và Công ty ban hành, tăng cường kỷ luật lao động, an toàn vệ sinh công nghiệp, môi trường, tăng cường giám sát kiểm tra thiết bị, dự phòng đủ vật tư cho sửa chữa. 

Riêng vật tư than, Công ty đã đề nghị TKV, Tổng Công ty Than Đông Bắc hỗ trợ cung cấp đủ than dự trữ đủ để chạy máy liên tục trước, trong và sau Tết, do Tết năm nay nghỉ tương đối dài.

“Nhờ chủ động từ trước, kết quả thực hiện sản xuất kinh doanh dịp Tết tại Công ty rất tốt, hiện tại Nhà máy đang vận hành ổn định với phụ tải bình quân đạt 85-90% công suất thiết kế”, ông Hiến báo cáo đoàn công tác.

Một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 của Đạm Ninh Bình:

- Tổng sản lượng urê sản xuất, tiêu thụ đạt 420 nghìn tấn urê;

- Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng;

- Tổng doanh thu dự kiến đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), năm 2021, Đạm Ninh Bình bước đầu đã có những khởi sắc rất rõ nét. Năm 2022, kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty được đặt ra với khá nhiều kỳ vọng về việc sẽ có lợi nhuận chứ không còn lỗ như năm 2021.

Để Đạm Ninh Bình nói riêng và các đơn vị thành viên trong Tập đoàn nói chung đạt được những mục tiêu đề ra trong năm 2022, Chủ tịch Nguyễn Phú Cường kiến nghị với Bộ Công Thương một số vấn đề.

Thứ nhất, các đơn vị như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc đều sử dụng than là nguyên liệu sản xuất chính. Vì vậy, việc đảm bảo cung ứng than là điều cốt lõi để duy trì nhà máy hoạt động. Lãnh đạo Tập đoàn kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung than ổn định và giá cả phù hợp trong bối cảnh thị trường thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp.

Thứ hai, kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và tham mưu Chính phủ, Quốc hội về việc xem xét sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (Luật số 71/2014/QH13) theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 5%, qua đó tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất trong nước nói chung.

Thứ ba, kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp, có ý kiến với tỉnh Ninh Bình để quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.

Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)
Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)

Làm tốt công tác thương hiệu và truyền thông 

Gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất đến lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp và toàn thể cán bộ, người lao động tại Đạm Ninh Bình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận những kết quả sản xuất kinh doanh tích cực bước đầu trong năm 2021 có được nhờ nỗ lực ngoạn mục của Nhà máy, đặc biệt từ tháng 7/2021 đã trở thành cánh chim đầu đàn trong 12 dự án kém hiệu quả ngành Công Thương, bắt đầu hoạt động có hiệu quả. Lỗ lũy kế chỉ còn 97 tỷ đồng. Riêng tháng 1/2022, Công ty đã đạt giá trị xuất khẩu đến 670 tỷ đồng, tương đương 20% so với cả năm 2021.

“Báo cáo ngắn gọn nhưng đã toát lên nỗ lực rất ngoạn mục của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, cùng với đó, các đồng chí đã quan tâm và chăm lo đến người lao động, đây là điều rất tốt”, Bộ trưởng chia sẻ, chỉ ra bằng chứng là thu nhập bình quân của người lao động Công ty đã đạt mức trung bình khá so với các đơn vị trong Tập đoàn, trong dịp Tết không chỉ hưởng tháng lương thứ 13 mà người lao động còn được quan tâm chăm lo cả về vật chất và tinh thần.

Kết quả này có được, theo Bộ trưởng, trước hết là nhờ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã rất mạnh mẽ tái cơ cấu lại các hoạt động trong doanh nghiệp trong phạm vi trách nhiệm, khả năng của mình đã rất nỗ lực, từ việc tổ chức sản xuất, tiết kiệm chi phí, học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị toàn Tập đoàn, đã có được hiệu quả bước đầu, dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

“Nếu chúng ta duy trì được tốc độ này, thì chỉ vài ba năm nữa thôi, chúng ta có thể sẽ có được những nguồn thu chuyển về Tập đoàn thanh toán cho các khoản đầu tư ban đầu”, Bộ trưởng nhận định.

Lãnh đạo Bộ Công Thương trao tặng quà và động viên tinh thần người lao động tại nhà máy Đạm Ninh Bình nhân ngày đầu Xuân Nhâm Dần 2022
Lãnh đạo Bộ Công Thương trao tặng quà và động viên tinh thần người lao động tại nhà máy Đạm Ninh Bình nhân ngày đầu Xuân Nhâm Dần 2022

Theo Bộ trưởng, ngành Hóa chất đã được xác định là công nghiệp có tính chất nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, Đạm Ninh Bình cũng như nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực hóa chất còn có những khó khăn, bởi nhận thức của người dân và thậm chí cán bộ quản lý nhà nước về ngành hóa chất chưa đúng. 

Trong bối cảnh đó, để đạt được bước phát triển vượt bậc hơn nữa, Bộ trưởng đặt ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm cho Tập đoàn và Công ty Đạm Ninh Bình trong năm 2022 và thời gian sắp tới:

Thứ nhất, phải bằng mọi cách sớm đàm phán với đơn vị EPC để thanh lý hợp đồng, làm cơ sở quyết toán dự án và tiến hành những bước cải cách doanh nghiệp tiếp theo. 

Thứ hai, cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công Thương, đặc biệt Cục Hóa chất và Cục Công nghiệp, để nghiên cứu và tham gia xây dựng, sửa đổi Luật Hóa chất, tạo hành lang thông thoáng và bảo đảm sức cạnh tranh của sản xuất trong nước; đề xuất với các cấp có thẩm quyền ban hành những cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển công nghiệp hóa chất nói chung, trong đó có hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Thứ ba, thị trường thế giới hiện có nhiều biến động rất mạnh ảnh hưởng đến trong nước: nguồn cung đứt gãy ở nhiều khâu từ nguyên liệu sơ cấp đến thành phẩm và kể cả đứt gãy trong chuỗi cung ứng lao động; xu thế bảo hộ thương mại, cạnh tranh địa chính trị; chiến tranh thương mại giữa các nước lớn,... Đặc biệt, nhu cầu đối với sản phẩm Ure trên thế giới hiện rất lớn. 

Bối cảnh đó đòi hỏi Tập đoàn nói chung và Công ty nói riêng phải nắm bắt diễn biến của thị trường, đưa ra chiến lược sản xuất kinh doanh hiệu quả, cải tiến dây chuyền, nâng cao công suất và sản lượng song song với tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Thứ tư, cần xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường thông qua củng cố hệ thống phân phối đại lý cấp 1, cấp 2.

Thứ năm, tiếp tục có kế hoạch đào tạo nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao, giữ chân người lao động để vận hành dây chuyền công nghệ hiện đại, đảm bảo điều hành kỹ thuật ổn định, duy trì hoạt động của nhà máy.

Bộ trưởng đặc biệt đề nghị Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và doanh nghiệp phải làm tốt hơn công tác truyền thông, phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin thường xuyên, đầy đủ giúp người dân và cán bộ các cấp hiểu và chia sẻ với tính chất, đặc thù cũng như khó khăn của doanh nghiệp ngành hóa chất.

Đối với kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ trưởng bày tỏ sự đồng tình và chia sẻ. Về vấn đề nguồn cung than, Bộ trưởng giao Vụ Dầu khí và Than chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ Công Thương để kết nối, kiểm soát, giám sát hoạt động cung ứng than ổn định cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nói chung và các nhà máy có sử dụng nguyên liệu than của TKV nói riêng. Dứt khoát phải đáp ứng trong mọi tình huống, thông qua kế hoạch khai thác sản xuất tại chỗ cũng như nhập khẩu, để có được nhiên liệu phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp, kể cả hai lĩnh vực điện lực và sản xuất đạm. 

Về vấn đề Luật Thuế giá trị gia tăng, Bộ trưởng đồng tình cao là phải kiên trì đề xuất sửa đổi để tạo được những hàng rào kỹ thuật cần thiết, giúp bảo hộ sản xuất trong nước, khuyến khích và tạo điều kiện cho ngành Hóa chất phát triển.

Bộ trưởng giao Cục Hóa chất chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam để kiên trì đề xuất sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng trong thời gian sớm nhất.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chúc mừng những “chiến công” bước đầu của Tập đoàn và Đạm Ninh Bình, chia sẻ với những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải, và cam kết sẽ khẩn trương xem xét, xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương theo đúng quy định. Các vấn đề nằm ngoài thẩm quyền Bộ sẽ kiến nghị với cấp trên hoặc có ý kiến với Bộ, ngành liên quan để cùng doanh nghiệp tháo gỡ.

Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và đoàn công tác Bộ Công Thương cũng đến thăm, chúc Tết lãnh đạo, cán bộ và người lao động tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Chi tiết xem tại: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/xuan-ve-tren-cong-truong-thai-binh-2-niem-tin-va-no-luc-se-dua-du-an-ve-dich-dung-tien-do-86944.htm.

Thy Thảo