Nhu cầu tôm cải thiện, doanh thu quý 4 của Thực phẩm Sao Ta (FMC) dự báo tăng 15%

Doanh thu và biên lợi nhuận quý 4/2023 của Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) dự kiến sẽ được cải thiện đáng kể, chủ yếu nhờ nhu cầu tôm tại Nhật tăng cao khi bước vào mùa lễ hội.

Dự báo doanh thu quý 4/2023 tăng 15% nhờ thị trường Nhật Bản

Thực phẩm Sao Ta
Nhật Bản được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường chủ lực, lâu dài của Thực phẩm Sao Ta.

Luỹ kế 10 tháng năm 2023, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu hơn 169 triệu USD (tương đương 4.076 tỷ đồng), giảm gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đánh giá mới nhất của hãng chứng khoán Rồng Việt Securities (VDSC), sản lượng xuất khẩu trong quý 4/2023 của Thực phẩm Sao Ta dự kiến tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu nhờ hoạt động tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản khởi sắc.

Thị trường Nhật Bản, vốn chiếm 40% doanh thu của Thực phẩm Sao Ta, có nhu cầu cao về các sản phẩm tôm tinh chế và có tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, khi đã đạt được yêu cầu về chất lượng và tiến độ giao hàng thì các đối tác Nhật Bản thường có xu hướng ít thay đổi nhà cung cấp và mở rộng đơn hàng. Đồng thời, giá bán tại thị trường này thường có cao hơn các thị trường khác. Những tập quán kinh doanh này tạo điều kiện thuận lợi để Thực phẩm Sao Ta ổn định sản lượng bán hàng tại thị trường Nhật Bản trong dài hạn.

Hồi đầu tháng 10/2023, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta cho biết đơn hàng đã tăng cao trở lại và dự báo mức cao như này sẽ tiếp tục được duy trì trong ít nhất 2 tháng tới nhờ mùa lễ hội - cao điểm tiêu thụ cuối năm, nhu cầu đối với các sản phẩm chế biến cao tăng lên. Hiện Thực phẩm Sao Ta đang tập trung trả các đơn hàng cao cấp (tôm hấp chín, tôm bao bột, tôm chiên…) cho các hợp đồng giao quý 4/2023.

Biên lợi nhuận quý 4/2023 dự kiến được cải thiện mạnh

Giá tôm
Diễn biến giá tôm của Thực phẩm Sao Ta qua các quý. (Nguồn: Thực phẩm Sao Ta, VDSC, Agromonitor)

VDSC hiện dự báo giá bán tôm của Thực phẩm Sao Ta trong quý 4/2023 sẽ tăng lên nhờ yếu tố mùa vụ. Ngoài ra, việc chi phí vận chuyển và chi phí tôm nguyên liệu tăng lên cũng sẽ góp phần đẩy giá bán đầu ra tăng. Sau khi sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm nay, giá bán tôm của Thực phẩm Sao Ta đã ít biến động hơn trong quý 3/2023.

Đáng chú ý, sản lượng tôm tự nuôi cho cả vùng nuôi mới và vùng nuôi cũ sẽ được Thực phẩm Sao Ta đưa vào sản xuất trong quý 4/2023, giúp giảm giá vốn. Dựa trên các yếu tố này, VDSC ước tính biên lợi nhuận trong quý 4/2023 của Thực phẩm Sao Ta sẽ được cải thiện mạnh lên mức 13,9%; qua đó, nâng biên lợi nhuận cả năm 2023 lên mức 10,3%.

Giá cổ phiếu FMC Thực phẩm Sao Ta
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Thực phẩm Sao Ta (FMC): Mỹ sẽ điều tra chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Chủ tịch Thực phẩm Sao Ta cho biết, mặc dù kết quả kinh doanh của công ty năm nay sẽ sụt giảm so với năm 2022 nhưng mức sụt giảm này sẽ khả quan hơn nhiều so với mức giảm của toàn ngành chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam.

Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, doanh thu xuất khẩu cả năm nay của Thực phẩm Sao Ta sẽ chỉ giảm từ 12% - 15%, so với mức giảm tới 25% của toàn ngành (theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam). Kết quả trên đến từ việc Thực phẩm Sao Ta tập trung phát triển các sản phẩm chế biến sâu nên ít bị ảnh hưởng từ sự cạnh tranh về giá. Về dài hạn, biên lợi nhuận của doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ dần tăng lên thông qua việc liên tục mở rộng vùng nuôi và cải thiện tỷ lệ nuôi thành công giúp giảm giá vốn.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 14/12, thị giá cổ phiếu FMC đạt 44.900 đồng/cổ phiếu, tăng gần 46% so với hồi đầu năm nay.

Duy Quang