Thực phẩm Sao Ta (FMC): Mỹ sẽ điều tra chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam

Chủ tịch Thực phẩm Sao Ta vừa cho biết, Mỹ quyết định sẽ thực hiện vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu từ loạt quốc gia, bao gồm Việt Nam.

Tôm nước ấm Việt Nam đối mặt cáo buộc chống trợ cấp

Tại hội thảo đầu tư FPTS Connect do hãng Chứng khoán FPTS tổ chức, TS.Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, sau phiên điều trần diễn ra ngày 15/11, Uỷ ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) quyết định sẽ khởi xướng vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam và chống bán phá giá đối với tôm nước ấm của Ấn Độ, Ecuador và Indonesia. Thực phẩm Sao Ta hiện là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam.

Hồi cuối tháng 10/2023, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tiếp nhận Đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số nước, bao gồm Việt Nam.

Tôm nước ấm đông lạnh
Mỹ sẽ khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ loạt quốc gia.

Sản phẩm bị điều tra là tôm nước ấm đông lạnh thuộc các mã HS 0306.17, 1605.21 và 1605.29. Các nước bị điều tra: bao gồm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Trong số đó, Việt Nam chỉ bị điều tra chống trợ cấp do sản phẩm tôm của Việt Nam đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2004 đến nay.

Nguyên đơn cáo buộc do tôm tươi nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn đến 95% giá trị của tôm nước ấm đông lạnh, nên các trợ cấp cho các nhà cung cấp tôm tươi của Việt Nam cũng được coi là trợ cấp dành cho các nhà sản xuất xuất khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam.

Theo số liệu USITC, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 645 triệu USD sản phẩm bị cáo buộc sang Mỹ, chiếm khoảng 10% tổng thị phần xuất khẩu tôm vào Mỹ.

Trong một diễn biến liên quan, USITC gần đây đã quyết định duy trì thuế chống bán phá giá đối với tôm từ Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam trong đợt rà soát 5 năm vừa qua.

Dự kiến, USITC sẽ bỏ phiếu về việc nhập khẩu tôm từ các quốc gia châu Á có đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành tôm nước Mỹ hay không. Nếu cả USITC và DOC đều đồng thuận thì sẽ tiến hành điều tra trên diện rộng về vấn đề này vào nửa cuối năm 2024.

Xem thêm: "Thực phẩm Sao Ta (FMC): Xuất khẩu tôm sẽ bứt phá trong quý 4/2023" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tin tưởng ngành tôm Việt Nam sẽ vượt qua vụ kiện

Thực phẩm Sao Ta
TS.Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta bày tỏ sự tin tưởng ngành tôm Việt Nam sẽ vượt qua cuộc điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với tôm Việt Nam.

Chủ tịch Thực phẩm Sao Ta cho biết, hiện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam đã thuê luật sư và tập hợp các doanh nghiệp tôm để có phương án chuẩn bị. Trước mắt luật sư cũng đã chuẩn bị trước một số câu hỏi mà cơ quan quản lý của Mỹ hay điều tra.

“Thực ra vụ kiện chống trợ cấp là ứng xử đến từ cơ quan nhà nước hơn là doanh nghiệp... Tuy nhiên, tôi nghĩ hiện nay Việt Nam được nhiều nước công nhận là nền kinh tế thị trường do đó thực tế không có tình trạng trợ cấp cho ngành tôm. Ở góc độ doanh nghiệp tôi không ngại vụ kiện này và Việt Nam sẽ vượt qua được”, TS.Hồ Quốc Lực chia sẻ.

VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp nên tăng xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm bởi Mỹ có phổ phân khúc sản phẩm theo giá thành rất rộng do mức độ chênh lệch thu nhập trong các tầng lớp dân cư. Đồng thời, doanh nghiệp nên tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng hàng giá rẻ, đảm bảo chế độ ghi chép kế toán rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán quốc tế; lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng của Mỹ.

Liên quan đến việc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, vào ngày 16/11, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2023 tại Mỹ, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc trao đổi với bà Gina Raimondo - Bộ trưởng Thương mại Mỹ và đề nghị DOC đẩy nhanh tiến trình xem xét, rà soát và sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường; đồng thời có đánh giá khách quan, công bằng, theo đúng các quy định của WTO trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.

Xem thêm: "Thúc đẩy Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Việt Nam sẵn sàng tăng cường đối thoại với Mỹ để giải quyết các vấn đề kinh tế, thương mại còn tồn tại đồng thời hoan nghênh phía Mỹ tiếp tục có ý kiến đóng góp để hoàn thiện khung khổ pháp luật hiện hành, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, đáp ứng được lợi ích của cả hai nước.

Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cam kết sẽ thúc đẩy việc xem xét vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam một cách khách quan, minh bạch.

Duy Quang