Kết thúc quý 3/2023, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Ngân hàng VPBank, mã cổ phiếu VPB - sàn HoSE) ghi nhận thu nhập lãi thuần hợp nhất 8.837 tỷ đồng, tăng 0,9% so với quý 2/2023 nhưng giảm 14,9% so với quý 3/2022.
Nguyên nhân chủ yếu do NIM giảm mạnh từ mức 7,77% xuống 5,49% trong quý 3/2023 trong bối cảnh chi phí huy động vốn tăng nhưng lãi suất cho vay không có mức tăng tương ứng khiến mức thu nhập lãi của ngân hàng bị ảnh hưởng. Theo chia sẻ của đại diện Ngân hàng VPBank, ngân hàng đã chủ động điều chỉnh mức lãi đầu ra nhằm chia sẻ, hỗ trợ các khách hàng trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Theo đánh giá mới đây của hãng chứng khoán KB Securities Việt Nam (KBSV), chi phí vốn của Ngân hàng VPBank kỳ vọng sẽ giảm xuống trong năm 2024 nhờ loạt yếu tố tích cực, qua đó hỗ trợ ngân hàng này cải thiện kết quả kinh doanh trong năm sau. Cụ thể:
Thứ nhất, các khoản huy động khách hàng lãi suất cao giai đoạn quý 4/2022 - quý 1/2023 với kỳ 1 năm của Ngân hàng VPBank phần nhiều sẽ đáo hạn trong cuối năm nay và đầu năm sau. Đây là các khoản vay có lãi suất huy động khoảng 9% - nguyên nhân chính khiến chi phí vốn của Ngân hàng VPBank tăng mạnh từ quý 1/2023.
Thứ hai, Ngân hàng VPBank đang có thanh khoản dồi dào và lãi suất huy động ở mức thấp. Trong đó, tính đến cuối quý 3/2023, ngân hàng này ghi nhận tăng trưởng huy động lên tới 35% so với tăng trưởng tín dụng ở mức 22% so với thời điểm đầu năm nay. Điều này giúp thanh khoản của Ngân hàng VPBank trở nên dồi dào, tạo điều kiện để duy trì mức lãi suất huy động thấp.
Hiện tại, lãi suất tiền gửi kì hạn 12 tháng của Ngân hàng VPB đạt 5,3%/năm, tương đương lãi suất huy động giai đoạn cuối năm 2021 - là giai đoạn mà ngân hàng này có chi phí vốn thấp nhất, dưới 5%.
Thứ ba, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã được cải thiện rõ rệt với mức tăng hơn 22% so với đầu năm, giúp nâng tỷ lệ CASA trong tổng cơ cấu nguồn vốn huy động của Ngân hàng VPBank lên mức 17%.
Trong bối cảnh cầu tín dụng bán lẻ giảm do ảnh hưởng của các biến động kinh tế, Ngân hàng VPBank đã đẩy mạnh cho vay tài trợ vốn đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp với tăng trưởng ở nhóm khách hàng này trong quý 3/2023 đạt 13,2% so với quý 2/2023. Trong khi đó, nhóm khách hàng cá nhân vốn là điểm mạnh từ trước đến nay của Ngân hàng VPBank trong quý 3/2023 chỉ tăng 5,4% so với quý 2/2023.
Nhóm khách hàng doanh nghiệp vốn là nhóm khách hàng có tỷ lệ CASA cao vượt trội so với nhóm khách hàng cá nhân do doanh nghiệp có xu hướng để tiền gửi không kì hạn để phục vụ vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nguồn vốn chi phí rẻ này được kỳ vọng sẽ giúp Ngân hàng VPBank tối ưu hoá chi phí vốn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, đại diện Ngân hàng VPBank cũng cho biết, ngân hàng luôn nỗ lực giảm thiểu chi phí vốn trong trung - dài hạn; trong đó, không ngừng khai thác nguồn vốn ngoại với kỳ hạn dài và chi phí hợp lý, nhằm đáp ứng nhu cầu vay phục vụ sản xuất, kinh doanh. Điển hình, đầu tháng 9/2023, Ngân hàng VPBank đã ký kết khoản vay song phương trị giá 300 triệu USD kỳ hạn 7 năm với Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC).
Trong thời gian tới, nền tảng vốn của Ngân hàng VPBank sẽ tiếp tục được tăng cường nhờ việc nhận khoảng 35.900 tỷ đồng từ thương vụ bán vốn cho đối tác chiến lược Sumimoto Mitsui Banking Corp (SMBC, Nhật Bản). Sau thương vụ này, vốn chủ sở hữu của Ngân hàng VPBank sẽ đạt xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, cao thứ 2 toàn hệ thống hiện nay.
KBSV hiện dự báo NIM cả năm 2023 của Ngân hàng VPBank sẽ đạt 5,78%, so với mức 7,5% của năm 2022. Theo KBSV, NIM của Ngân hàng VPBank kỳ vọng sẽ hồi phục dần nhưng không quá mạnh trong năm 2024 do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn ở mức thấp, khiến lãi suất cho vay khó có thể tăng trở lại và Ngân hàng VPBank sẽ phải giữa lãi suất ở mức đủ sức hấp dẫn trên thị trường. Do đó, NIM của năm 2024 của ngân hàng này có thể đạt 6,69%.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 18/11, thị giá cổ phiếu VPB đạt 19.300 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 13% so với thời điểm đầu năm nay.