Quỹ ngoại Singapore tiếp tục bán cổ phiếu MWG, không còn là cổ đông lớn tại Thế giới Di động

Nhóm quỹ ngoại Arisaig Partners (Singapore) vừa tiếp tục bán ra thêm lượng lớn cổ phiếu MWG; qua đó, không còn là cổ đông lớn tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động.

Nhóm quỹ ngoại Arisaig Partners vừa có thông báo về việc đã bán ra 114.000 cổ phiếu MWG của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động vào ngày 14/11/2023. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Arisaig Partners tại Thế giới Di động chỉ còn 4,997% vốn điều lệ (tương đương 73,089 triệu cổ phiếu MWG); qua đó, không còn là cổ đông lớn tại Thế giới Di động.

Trước đó, theo báo cáo gần nhất tại ngày 30/8/2023, nhóm quỹ Arisaig Partners sở hữu tổng cộng gần 86 triệu cổ phiếu MWG. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, Arisaig Partners đã bán ra gần 13 triệu cổ phiếu MWG. Nếu tính từ thời điểm tháng 2/2023, Arisaig Partners đã bán ròng tới 46 triệu cổ phiếu MWG. Mặc dù trước đó, Arisaig Partners từng nhiều lần khẳng định việc đầu tư vào Thế giới Di động là mục tiêu dài hạn và không có tư duy lướt sóng cổ phiếu MWG.

Thế giới Di động
Các nhóm quỹ ngoại lớn dần thoái vốn khỏi Thế giới Di động trong bối cảnh kết quả kinh doanh của hãng bán lẻ này không đạt kỳ vọng trong năm nay.

Hiện Thế giới Di động hiện chỉ còn lại một cổ đông lớn nước ngoài duy nhất là nhóm quỹ Dragon Capital. Tuy nhiên, nhóm quỹ ngoại này cũng liên tục thoái vốn khỏi Thế giới Di động trong thời gian gần đây.

Gần nhất, vào ngày 1/11/2023, quỹ Dragon Capital đã bán ra hơn 4 triệu cổ phiếu MWG; qua đó, giảm tỷ lệ sở hữu tại Thế giới Di động xuống còn 6,9% vốn điều lệ (tương đương 105 triệu cổ phiếu MWG). Nếu tính từ ngày 26/12/2022, quỹ Dragon Capital hiện đã bán ròng khoảng 47 triệu cổ phiếu MWG.

Trong quá khứ, cổ phiếu MWG từng là mã cổ phiếu được ưu ái hàng đầu đối với khối ngoại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Thế giới Di động thường xuyên ở mức tối đa 49%. Nhà đầu tư nước ngoài nhiều khi phải trả mức giá chênh lệch (premium) lên đến 40% so với thị giá của cổ phiếu MWG để chen chân vào Thế giới Di động. Đây cũng là mức premium cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, khẩu vị của khối ngoại đã thay đổi rõ rệt trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Thế giới Di động suy giảm mạnh trong năm nay. Theo báo cáo tài chính quý 3/2023, luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Thế giới Di động ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 86.858 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 471 tỷ đồng, lần lượt giảm 15,5% và giảm 90,8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, Thế giới Di động mới hoàn thành 64,3% mục tiêu doanh thu và “vỏn vẹn” 1,8% mục tiêu lợi nhuận của cả năm nay. Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm nay, Thế giới Di động chỉ thoát lỗ nhờ khoản lãi tiền gửi ngân hàng tăng mạnh.

Xem thêm: "Tại sao khối ngoại không còn mặn mà với cổ phiếu MWG của Thế giới Di động?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Cổ phiếu MWG Thế giới Di động
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu MWG của Thế giới Di động từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Vừa qua, Thế giới Di động đã công bố tình hình kinh doanh tháng 10/2023 với một số điểm tích cực hơn. Trong đó, tổng doanh thu tháng 10/2023 đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 1% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, đánh dấu tháng đầu tiên trong năm 2023, hãng bán lẻ này ghi nhận doanh thu theo tháng tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, tổng doanh thu hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh trong tháng 10/2023 đạt khoảng 7.600 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với tháng 9/2023. Doanh thu của chuỗi Bách Hoá Xanh đã vượt mức 3.000 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với tháng 9/2023 và mức doanh thu/cửa hàng đã vượt ngưỡng 1,7 tỷ đồng/tháng.

Những dữ liệu trên cho thấy mảng bán lẻ ICT của Thế Giới Di Động đang bắt đầu có tín hiệu phục hồi sau khi tạo đáy trong quý 2 - quý 3/2023. Đồng thời, chuỗi bán lẻ Bách Hoá Xanh đã gần như đạt điểm hoà vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho thương vụ bán vốn của chuỗi này.

Kết thúc ngày 17/11, thị giá cổ phiếu MWG đạt 41.400 đồng/cổ phiếu, gần như tương đương so với thời điểm đầu năm nay.

Quỳnh Trang