Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng vượt trội trong năm 2023 và 2024
Trong quý 3/2023, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (Ngân hàng HDBank, mã cổ phiếu HDB - sàn HoSE) ghi nhận tổng thu nhập hoạt động tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ thu nhập ngoài lãi trong kỳ tăng tới 29%. Đồng thời, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ vậy, lãi ròng của Ngân hàng HDBank trong quý 3/2023 tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.480 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng năm 2023, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế 8.631 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022, hoàn thành 65% mục tiêu lợi nhuận trước thuế ca năm nay.
Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng 9 tháng năm 2023 của Ngân hàng HDBank đạt 11,5% so với hồi đầu năm, cao hơn nhiều so với mức 6,92% của toàn ngành, chủ yếu đến từ mảng cho vay doanh nghiệp (tăng 21,7% so với đầu năm, chiếm 52,6% tổng dư nợ cho vay, bao gồm cả khối SME).
Theo đánh giá mới nhất của MBS Research, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng HDBank trong năm 2023 và năm 2024 có thể lần lượt đạt 25% và 23% khi hoạt động sản xuất và xuất khẩu phục hồi, kích thích nhu cầu vay vốn mở rộng kinh doanh của khối doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay đã thấp hơn đáng kể sẽ tác động tích cực lên nhu cầu tín dụng, đặc biệt khi Ngân hàng HDBank có thế mạnh ở mảng cho vay cá nhân và cho vay tiêu dùng nhiều năm qua. Ngoài ra, ngân hàng này còn có lợi thế khi nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng khác như phương án đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Về biên lãi ròng (NIM), trong bối cảnh NIM của toàn ngành tiếp tục giảm trong quý 3/2023, NIM của Ngân hàng HDBank cũng không nằm ngoài xu hướng trên, đạt 4,7% (so với mức 4,8% của quý 2/2023 và 4,9% của quý 3/2022).
NIM của Ngân hàng HDBank giảm chủ yếu do tăng trưởng huy động vốn (tăng 58% so với đầu năm) cao hơn nhiều so với tăng trưởng cho vay (tăng 11% so với đầu năm). Bên cạnh đó, theo MBS Research, lãi suất huy động của ngân hàng cao hơn lãi suất huy động của nhiều ngân hàng khác trong cùng phân khúc, khiến NIM chịu áp lực thu hẹp.
Tuy nhiên, NIM 9 tháng năm 2023 của Ngân hàng HDBank giảm nhẹ hơn so với mức giảm trung bình toàn ngành, nhờ có dư nợ cho vay bán lẻ cao (chiếm 47.4% tổng dư nợ); và cơ cấu tài sản sinh lời đa dạng và linh hoạt có thể duy trì NIM ổn định trong thời gian khó khăn này.
MBS Research dự báo NIM cả năm 2023 của Ngân hàng HDBank sẽ đạt 4,85% và tăng lên mức 4,92% trong năm 2024.
Chất lượng tài sản mảng tài chính tiêu dùng có dấu hiệu cải thiện
Tương tự như các ngân hàng thương mại khác, chất lượng tài sản của Ngân hàng HDBank có sự suy yếu trước những khó khăn của nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 9/2023, nợ xấu của ngân hàng này tăng 50% so với thời điểm đầu năm; trong đó, nợ Nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 64% so với đầu năm; khiến tỷ lệ nợ xấu NPL đạt 2,26%.
Tuy nhiên, MBS Research nhận định, những điều chỉnh trong chính sách tiền tệ và tác động tích cực của các chính sách sẽ hỗ trợ cho ngành ngân hàng nói chung, Ngân hàng HDBank củng cố chất lượng tài sản và giảm dần mức nợ xấu kể từ quý 4/2023. Đồng thời, Ngân hàng HDBank vẫn đang có chất lượng tài sản tốt hơn so với các ngân hàng cùng phân khúc.
Đáng chú ý, trong quý 3/2023, HD Saigon - công ty con phụ trách mảng cho vay tiêu dùng của Ngân hàng HDBank đã cho thấy chất lượng tài sản được cải thiện với tỷ lệ nợ xấu NPL giảm còn 7,9%, thấp hơn nhiều so với một số công ty tài chính khác.
Trong 9 tháng vừa qua, HD Saigon ghi nhận lợi nhuận trước thuế 401 tỷ đồng (giảm 60% so với cùng kỳ), đóng góp 4,6% vào lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng HDBank. NIM tính riêng quý 3/2023 của HD Saigon đạt 29,4%, giảm 0,8% so với cuối năm 2022.
Vừa qua, tại Hội nghị Nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh quý 3/2023, ban lãnh đạo Ngân hàng HDBank hiện dự báo lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ cả năm 2023 sẽ đạt 12.300 tỷ đồng.