Cảng Gemadept đã qua giai đoạn khó khăn nhất
Trong quý 3/2023, sản lượng container tại cụm cảng Hải Phòng và cụm cảng phía Nam của Công ty Cổ phần Gemadept (Cảng Gemadept, mã cổ phiếu GMD – sàn HoSE) lần lượt đạt 283.000 TEU và 487.000 TEU, lần lượt tăng 2% và tăng 4% so với quý 2/2023. Trong đó, riêng sản lượng của cảng Gemalink đạt 254.000 TEU, tăng 7% so với quý 2/2023.
So với quý trước, tăng trưởng sản lượng toàn hệ thống của Cảng Gemadept một phần đến từ yếu tố mùa vụ khi quý 3 thường là giai đoạn cao điểm trong năm về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa để chuẩn bị cho mùa lễ hội tại Bắc Mỹ.
Ngoài ra, sản lượng tăng lên cũng đến từ số tuyến/số chuyến tàu cập cảng của Cảng Gemadept có những sự chuyển biến tích cực, thể hiện rõ nét tại cảng Gemalink với 71 chuyến, tăng 10 chuyến so với quý 2/2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng container tại cụm cảng Hải Phòng và cụm cảng phía Nam của Cảng Gemadept đều đi ngang so với cùng kỳ, lần lượt là 804.000 TEU và 1,296 triệu TEU.
Về kết quả tài chính, tính chung 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu và lợi nhuận trước thuế (đã loại trừ lợi nhuận đột biến từ việc thoái vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ) của Cảng Gemadept lần lượt đạt 2.812 tỷ đồng và 1.046 tỷ đồng, chỉ giảm khoảng 1% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 74% mục tiêu doanh thu và 73% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Theo đánh giá mới đây của hãng chứng khoán Rồng Việt Securities (VDSC), hoạt động kinh doanh của Cảng Gemadept đã đi qua những giai đoạn khó khăn nhất của ngành cảng biển.
Cụ thể, sản lượng của doanh nghiệp này tại cụm cảng Hải Phòng và cụm cảng phía Nam (không bao gồm cảng Gemalink) tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng dương quý thứ hai liên tiếp.
Động lực tăng trưởng chính của Cảng Gemadept là cảng Gemalink đang có sự cải thiện về sản lượng nhờ việc có hai tuyến dịch vụ mới trong quý 3/2023. Dù sản lượng vẫn tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng đã thu hẹp đáng kể từ mức -47% trong quý 1/2023 về mức -14% trong quý 3/2023. Qua đó, giúp cho cảng Gemalink gần đạt điểm hòa vốn, chỉ còn lỗ 9 tỷ trong quý 3/2023.
Dự báo lãi ròng quý 4/2023 tăng trưởng mạnh
VDSC nhận định tổng sản lượng container của Cảng Gemadept trong quý 4/2023 sẽ tăng trưởng nhẹ so với quý 3/2023. Động lực chủ yếu đến từ kỳ vọng nhu cầu xuất nhập khẩu sẽ tăng lên khi các doanh nghiệp chuẩn bị nguyên liệu sản xuất và hàng hoá cho quý 1/2024, đặc biệt quý 1 sẽ là Tết tại Trung Quốc khiến các hoạt động sản xuất bị gián đoạn trong 2 - 3 tuần lễ.
Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu container bằng đường biển của Việt Nam trong tháng 10/2023 ước đạt 29,4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt đạt 17,7 tỷ USD (tăng 7% so với cùng kỳ) và 11,7 tỷ USD (đi ngang so với cùng kỳ). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua đường biển lần đầu tiên tăng trưởng dương sau bảy tháng liên tiếp tăng trưởng âm, đã phát đi những tín hiệu đầu tiền về sự hồi phục nhu cầu vận tải container.
Đồng thời, trong quý 4/2023, cảng Nam Đình Vũ sẽ có thêm 01 tuyến dịch vụ từ hãng tàu COSCO-OOCL; cảng Gemalink cũng sẽ có thêm 01 tuyến dịch vụ mới từ hãng tàu Evergreen. Dự phóng sản lượng container qua cảng Gemalink sẽ đạt 260.000 TEU, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, qua đó giúp cảng này hoà vốn trong quý 4/2023.
Những yếu tố trên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy lợi nhuận của Cảng Gemadept tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 4/2023, theo VDSC.
Liên quan đến việc nâng giá một số dịch vụ cảng biển, VDSC nhận định Dự thảo sửa đổi thông tư 54/2018/TT-BGTVT cho phép nâng giá cước dịch vụ xếp dỡ container sẽ được thông qua trong quý 4/2023 và có hiệu lực từ đầu năm 2024. Qua đó, giúp cải thiện rõ rệt biên lợi nhuận gộp của cụm cảng miền Nam, đặc biệt là cảng Gemalink.
Theo đó, cước dịch vụ xếp dỡ có thể tăng tối đa 20%, biên lợi nhuận của cảng Gemalink nhờ đó được cải thiện và giúp cảng này thoát khỏi tình trạng lỗ như năm 2023.
VDSC cũng dự báo Cảng Gemadept có thể sẽ có thêm số chuyến/số tuyến dịch vụ mới từ các hãng tàu lớn trên thế giới khi các hãng vận tải này tiếp tục nhận thêm các tàu đóng mới trong năm 2024, cùng với đó là triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện sẽ thúc đẩy hoạt động giao thương.