Tiếp tục thoái vốn khỏi cảng Nam Hải và Nam Hải IDC
Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Gemadept (Cảng Gemadept, mã cổ phiếu GMD – sàn HoSE) vừa công bố nghị quyết về việc sẽ chuyển nhượng toàn bộ 998.800 cổ phần phổ thông mà Cảng Gemadept đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần Cảng Nam Hải. Số cổ phần này tương ứng với 99,98% vốn cổ phần của Công ty Cổ phần Cảng Nam Hải.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Cảng Nam Hải được thành lập vào tháng 06/2007, có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đang trực tiếp vận hành cảng Nam Hải và cảng cạn Nam Hải (Nam Hải ICD) tại TP.Hải Phòng.
Trong đó, cảng Nam Hải được Cảng Gemadept đưa vào vận hành chính thức trong năm 2009, chiều dài cầu tàu lên đến 145 m, có thể đón được tàu 1.000 TEU, và công suất thiết kế đạt 200.000 TEU/năm. Hiện cảng này có bãi tập kết container hỗn hợp lên đến 65.000 m2 và bãi tập kết riêng cho container lạnh 10.000 m2. Cảng Nam Hải được xem là dấu ấn đầu tiên của Cảng Gemadept trong chiến lược “Bắc tiến” kéo dài gần 2 thập kỷ qua.
Đối với cảng Nam Hải ICD, đây được xem là cảng cạn hiện đại nhất khu vực Hải Phòng với tổng diện tích hơn 21 ha, bao gồm bãi tập kết container 150.000 m2 và kho CFS và ngoại quan 50.000 m2. Cảng này có ưu thế vượt trội về vị trí địa lý khi nằm ngay trong Khu công nghiệp MP Đình Vũ và liền kề với loạt cảng trong khu vực.
Cùng với cảng Nam Đình Vũ, cảng Nam Hải và cảng Nam Hải ICD là cụm cảng chiến lược phía Bắc của Cảng Gemadept.
Đầu năm nay, Cảng Gemadept đã chuyển nhượng toàn bộ vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng) cho Công ty Cổ phần Container Việt Nam (mã cổ phiếu VSC) để thu về khoản lợi nhuận hơn 2.000 tỷ đồng. Cảng Nam Hải Đình Vũ có quy mô lớn gấp 3 lần cảng Nam Hải, có công suất thiết kế 500.000 TEU/năm, chiếm 10% thị phần khu vực cụm cảng Hải Phòng.
Như vậy, với việc thoái toàn bộ vốn khỏi Công ty Cổ phần Cảng Nam Hải, Cảng Gemadept sẽ chỉ còn vận hành duy nhất cảng Nam Đình Vũ tại miền Bắc. Xét về cơ cấu doanh thu, mảng kinh doanh cảng luôn là nguồn thu lớn nhất của Cảng Gemadept và đang liên tục tăng trưởng trong những năm vừa qua.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Cảng Gemadept ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.800 tỷ đồng - tương đương cùng kỳ và lãi ròng hơn 2.100 tỷ đồng, tăng 161% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, hoàn thành 72% kế hoạch doanh thu và vượt 154% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Điều gì thúc đẩy Cảng Gemadept tiếp tục thoái vốn khỏi các cảng miền Bắc?
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Cảng Gemadept, việc thoái vốn khỏi cảng Nam Hải Đình Vũ là do cảng này được đánh giá là không còn phù hợp với chiến lược phát triển của công ty và công ty muốn tập trung khai thác, vận hành cụm cảng Nam Đình Vũ.
Ông Đỗ Văn Nhân - Chủ tịch HĐQT Cảng Gemadept cho biết, thời gian qua ở Hải Phòng, Cảng Gemadept có ba cảng gồm Nam Hải, Nam Hải Đình Vũ và Nam Đình Vũ. Các cảng nằm rải rác nên cần đến ba khối cơ giới, ba khối nhân lực riêng để vận hành cùng lúc. Điều này gây ra lãng phí và hiệu quả không cao khi vận hành ba cảng.
Đồng thời, sản lượng qua cảng thời gian vừa qua có dấu hiệu sụt giảm do các khó khăn kinh tế, cùng với việc cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 sắp đưa vào hoạt động, khiến Cảng Gemadept đứng trước nguy cơ dư thừa công suất và rủi ro lỗ. Vì vậy, Cảng Gemadept đã quyết định bán tài sản, cơ sở hạ tầng tại cảng Nam Hải Đình Vũ, di chuyển đội ngũ vận hành và khách hàng sang cảng Nam Đình Vĩ giai đoạn 2.
Do đó, cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 dù vừa mới đưa vào khai thác từ hồi tháng 5/2023 đã có tỷ lệ lấp đầy cao. Theo dữ liệu của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), cảng Nam Đình Vũ có hiệu suất sử dụng lên đến 91% trong 8 tháng đầu năm nay, cao hơn nhiều so với 49% của năm ngoái và so với mặt bằng chung trong khu vực.
Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 1 & 2 hiện có tổng công suất 1,2 triệu TEU, với cầu tàu dài 880 m, trở thành cảng sông lớn nhất khu vực Đình Vũ, có khả năng tiếp nhận 4 tàu feeder (tàu dưới 3.000 TEU) cùng lúc. Đặc biệt, đây là cảng gần biển nhất so với các cảng khác trong khu vực.
Bên cạnh động lực tái cơ cấu hoạt động khai thác, dồn nguồn lực cho cụm cảng Nam Đình Vũ, việc thoái vốn khỏi các cảng nhỏ còn cho giúp giảm áp lực về vốn khi Cảng Gemadept đang theo đuổi loạt dự án cảng trọng điểm, quy mô lớn, từ nay đến năm 2025, bao gồm Gemalink giai đoạn 2 và Nam Đình Vũ giai đoạn 3.
Trong đó, theo quy hoạch, sau khi hoàn tất cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3, cụm cảng này sẽ có quy mô 65 ha, tổng công suất 2 triệu TEU, với cầu tàu dài 1,5 km, trở thành cảng sông lớn nhất tại miền Bắc, có khả năng đón được các tàu di chuyển nội Á.
Nếu cụm cảng này triển khai thêm giai đoạn 3 như quy hoạch thì sẽ trở thành cụm cảng có quy mô lớn nhất Hải Phòng và công ty vẫn phát triển đúng định hướng đề ra, Chủ tịch Cảng Gemadept cho biết.
Đối với giai đoạn 2 của cảng nước sâu Gemalink (Cái Mép - Thị Vải), Cảng Gemadept cho biết đang hoàn thiện hồ sơ để được kéo dài tối đa chiều dài cầu tàu lên mức 1,5 km nhằm đón được tàu trọng tải tới 250.000 DWT – cỡ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay, tạo lợi thế cạnh tranh trong khu vực.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cụm cảng Gemalink sẽ có tổng công suất 3 triệu TEU. Cảng Gemalink hiện là một trong những cảng biển có mớn nước sâu nhất Việt Nam. Ước tính vốn đầu tư cho cảng Gemalink giai đoạn 2 là 300 triệu USD.
Ban lãnh đạo Cảng Gemadept cho biết, công ty dự kiến sẽ tỷ lệ nợ vay/vốn tự có cho cảng Gemalink giai đoạn 2 là 70%/30%. Tương ứng, công ty sẽ cần chi ra khoảng 90 triệu USD (tương đương hơn 2.200 tỷ đồng) cho dự án này.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 3/11, thị giá cổ phiếu GMD đạt 65.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 37% so với thời điểm đầu năm nay.