Công ty Cổ phần Container Việt Nam (Viconship, mã cổ phiếu VSC - sàn HoSE) vừa cho biết, doanh thu tháng 8/2023 ước đạt 198 tỷ đồng và lợi nhuận ước đạt 48,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022. Luỹ kế 8 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp cảng biển này ghi nhận tổng doanh thu 1.371 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Container Việt Nam cũng cho biết cảng Nam Hải - Đình Vũ đã bắt đầu đóng góp lợi nhuận vào hệ thống của doanh nghiệp. Nam Hải - Đình Vũ là cảng container, công suất thiết kế 500.000 TEU/năm, chiếm 10% thị phần khu vực cụm cảng Hải Phòng. Cảng này sở hữu vị trí chiến lược tại khu vực hạ lưu sông Cấm, chiều dài cầu tàu 450m, khu vực quay tàu 250m, tiếp nhận cỡ tàu lớn nhất vào khu vực Đình Vũ (48.000 DWT).
Nhờ những lợi thế này, Công ty Cổ phần Nam Hải - Đình Vũ, đơn vị trực tiếp quản lý và vận hành cảng Nam Hải - Đình Vũ, ghi nhận doanh thu gần 700 tỷ đồng và lãi ròng 300 tỷ đồng trong năm 2022. Cuối tháng 5 vừa qua, Container Việt Nam và các bên có liên quan đã nhận chuyển nhượng 35% vốn cổ phần cảng Nam Hải - Đình Vũ từ Công ty Cổ phần Gemadept (mã cổ phiếu GMD – sàn HoSE).
Trong thương vụ này, Container Việt Nam chỉ mua lại tài sản và cơ sở hạ tầng cảng Nam Hải - Đình Vũ từ Gemadept, còn toàn bộ đội ngũ, nhân lực điều hành cảng và khối khách hàng (yếu tố tạo nên doanh thu, lợi nhuận) vẫn được Gemadept giữ lại và chuyển sang các cảng khác. Công ty Cổ phần Nam Hải - Đình Vũ trở thành công ty liên kết của Container Việt Nam.
Tuy nhiên, việc thâu tóm thành công cảng Nam Hải - Đình Vũ vẫn được xem là thương vụ thành công đối với Container Việt Nam. Việc “liền thổ” giữa các cảng mà Container Việt Nam đang khai thác trong cùng một khu vực đem lại nhiều lợi ích cộng hưởng.
Thứ nhất, tối ưu hoá chi phí vận hành, cảng Nam Hải - Đình Vũ sẽ kết nối trực tiếp với cảng Green VIP (Container Việt Nam sở hữu 74%), tạo thành một hệ thống cầu cảng đồng nhất dài hơn 800 m. Chi phí vận hành hệ thống cầu cảng dài hơn 800 m có thể thấp hơn từ 10% - 30% chi phí vận hành cùng lúc 2 cầu cảng dài 400 m.
Ngoài ra, Container Việt Nam có phần vốn góp tới 36% tại cảng VIMC Đình Vũ (cạnh cảng Nam Hải - Đình Vũ), cho thấy một tiềm năng lớn hơn khi Container Việt Nam có thể hợp lực tạo nên một hệ thống cầu cảng dài 1.500 m gần như liền mạch.
Thứ hai, với hệ thống cảng như hiện nay trên cùng một khu vực, Container Việt Nam sẽ gần như không còn phải chuyển tàu ra các cảng khác khi phát sinh tình huống trùng lịch tàu. Điều này trực tiếp làm giảm thêm chi phí thuê ngoài (hiện chiếm 5 - 10% doanh thu), giữ lại lợi nhuận cho Container Việt Nam.
Thứ ba, với việc 2 cảng chủ lực là Green và VIP Green đã ổn định với mức công suất tối đa, cùng với giá dịch vụ không biến động, kết quả kinh doanh của của Container Việt Nam trong thời gian qua được giữ ổn định. Việc thâu tóm cảng Nam Hải Đình Vũ được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho tập đoàn này. Theo một số ước tính, cảng Nam Hải - Đình Vũ có thể đem về khoảng 90 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm cho Container Việt Nam.
Việc sở hữu cảng Nam Hải - Đình Vũ giúp Container Việt Nam trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại Hải Phòng hiện nay, với tổng công suất khoảng 2,6 triệu TEU, tăng 36% so với năm 2022 và chiếm 30% thị phần khu vực.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 29/9, cổ phiếu VSC đạt 28.700 đồng/cổ phiếu. So với mức đáy hồi cuối tháng 5/2023, thị giá cổ phiếu VSC hiện đã tăng gần 15%.