Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, lãi ròng của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS - sàn UPCoM) đã vượt 52% mục tiêu cả năm nhờ giá đường tăng cao và hưởng lợi từ chính sách phòng vệ thương mại. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này trong quý 4/2023 và trong năm 2024 dự kiến sẽ tiếp tục thuận lợi nhờ giá đậu nành thế giới hạ nhiệt và giá đường có xu hướng neo cao kỷ lục.
Giá đậu nành hạ nhiệt giúp cải thiện biên lợi nhuận mảng sữa đậu nành
Trong giai đoạn trước, giá đậu nành đã tăng cao do nguồn cung bị thiếu hụt bởi các nước sản xuất và xuất khẩu đậu nành trọng điểm (chiếm hơn 70% sản lượng đậu nành thế giới) như Brazil, Mỹ, Argentina chịu ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi do La Lina gây ra.
Tuy nhiên, giá đậu nành hiện nay đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Tính đến cuối quý 3/2023, giá đậu nành thế giới giao dịch quanh mốc 1,25 USD/giạ (27,2 kg), giảm khoảng 25% so với mức đỉnh hồi tháng 5/2022. Mặc dù giá đậu nành đã tăng nhẹ trở lại trong những tuần gần đây nhưng vẫn đang thấp hơn khoảng 10% so với thời điểm đầu năm nay.
Các tổ chức uy tín trên thế giới hiện nhận định nguồn cung đậu nành sẽ tiếp tục phục hồi nhờ yếu tố thời tiết thuận lợi hơn, do đó giá đậu nành trong năm 2024 sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Với việc phải nhập khẩu từ 75% – 80% nguyên liệu đậu nành và giá đầu vào phụ thuộc vào diễn biến giá đậu nành thế giới, diễn biến giá thuận lợi hơn sẽ hỗ trợ mảng sữa đậu nành thương hiệu Vinasoy của Đường Quảng Ngãi cải thiện biên lợi nhuận gộp. Đáng chú ý, Đường Quảng Ngãi thường chốt giá nguyên liệu vào giai đoạn cuối năm trước - đầu năm sau. Trong 9 tháng đầu năm nay, biên lãi gộp mảng này của Đường Quảng Ngãi đạt 40,5%.
Theo đánh giá mới đây của ABS Research, sản lượng sữa đậu nành năm 2024 của Đường Quảng Ngãi dự kiến sẽ tăng 2% so với năm nay nhờ nhu cầu phục hồi và sự ra mắt của một số dòng sản phẩm mới như sữa chua thực vật Veyo. Bên cạnh đó, Đường Quảng Ngãi có thể sẽ tăng giá bán trung bình lên quanh mức 17.000 đồng/lít, tăng 5% so với hiện nay để bù đắp chi phí đậu nành tăng cao trong giai đoạn trước.
Mảng đường hưởng lợi nhờ giá đường lên cao nhất 12 năm
Giá đường thế giới hiện đã tăng gần 50% so với thời điểm đầu năm nay, giao dịch quanh mức 27,7 US cents/lbs - mức cao kỷ lục trong vòng 12 năm trở lại đây.
Theo đánh giá của các hãng nghiên cứu thị trường uy tín, do lượng mưa thấp hơn 50% so với trung bình mọi năm, Ấn Độ nhiều khả năng sẽ kéo dài biện pháp hạn chế xuất khẩu đường sang niên vụ mới nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa.
Với vị thế là một trong những nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới (xếp thứ 2 trong niên vụ 2021 - 2022; xếp thứ 3 trong niên vụ 2022 - 2023), chiếm khoảng 15% tổng lượng đường xuất khẩu, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu đường có thể gây ảnh hưởng lớn nguồn cung đường toàn cầu trong thời gian tới và khiến giá đường thế giới tiếp tục neo cao.
Thêm vào đó, việc giá năng lượng tăng cao cũng đặt ra mối lo ngại về nguồn cung đường khi các nước sản xuất mía đường lớn có xu hướng tăng tỷ trọng mía dành cho sản xuất nhiên liệu sinh học, gián tiếp khiến nguồn cung đường bị thiếu hụt.
Tại Việt Nam, theo dữ liệu của hãng chứng khoán DSC, giá bán của nhiều nhà máy đường đã đạt mốc 26.000 đồng/kg vào cuối tháng 10/2023, tăng 40% so với đầu năm nay.
Nhu cầu sử dụng đường dự kiến sẽ còn tăng trong giai đoạn cuối năm do các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo và nước ngọt bước vào giai đoạn sản xuất cao điểm phục vụ dịp lễ tết. Do đó, doanh thu mảng đường của Đường Quảng Ngãi sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ giá đường neo cao.
Xem thêm: "Dự báo giá phốt pho vàng nửa đầu năm 2024 tăng 12%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Ngoài ra, Đường Quảng Ngãi tiếp tục hưởng lợi từ chính sách phòng vệ thương mại. Đầu tháng 8/2023, Bộ Công Thương đã gia hạn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm mía đường Thái Lan cho đến năm 2026.
Việc giá đường nhập khẩu tăng và việc đường nhập lậu ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ hơn sẽ giúp các doanh nghiệp mía đường nói chung, Đường Quảng Ngãi nói riêng, tiếp tục tăng sức cạnh tranh.
Hiện Đường Quảng Ngãi đang triển khai mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mía tại tỉnh Gia Lai nhằm nâng diện tích mía toàn vùng lên 30.000 - 40.000 ha trong niên vụ 2023/2024 (tăng 54% so với niên vụ trước) nhằm đảm bảo sản lượng mía ở mức 2,1 triệu tấn.
Với các yếu tố thuận lợi về sản lượng, giá bán và nhu cầu tiêu thụ, Đường Quảng Ngãi được kỳ vọng sẽ tận dụng tốt thời cơ để củng cố vị thế doanh nghiệp lớn thứ 2 ngành đường Việt Nam.