Nhận thêm 03 tàu mới, lãi ròng đã vượt 80% mục tiêu cả năm
Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT - sàn HoSE) vừa cho biết đã tiếp nhận thêm 03 tàu mới, gồm 01 tàu chở hàng rời loại Supramax và 02 tàu chở dầu sản phẩm size MR.
Cụ thể, doanh nghiệp này đã tiếp nhận tàu chở hàng rời PVT Pearl có trọng tải 57.334 DWT đóng tại Hàn Quốc vào năm 2009; tàu dầu PVT Solana có trọng tải 50.129 DWT đóng tại Hàn Quốc và tàu dầu PVT Avira có trọng tải 45.902 DWT đóng tại Nhật Bản.
PV Trans cho biết các tàu trên đều có tình trạng kỹ thuật tốt, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của khách hàng quốc tế. Ngay sau khi tiếp nhận, cả ba tàu này đều được đưa vào khai thác trên thị trường quốc tế theo hình thức cho thuê định hạn.
Như vậy, PV Trans đã nâng quy mô đội tàu sở hữu, quản lý lên 51 tàu với đa dạng chủng loại từ tàu dầu thô, tàu dầu sản phẩm, tàu dầu hóa chất, tàu LPG và tàu hàng rời; qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí đầu ngành về vận tải hàng lỏng tại Việt Nam, cũng như nâng cao uy tín tại thị trường quốc tế.
PV Trans hiện đặt mục tiêu mở rộng đội tàu quản lý lên 85 chiếc vào năm 2025. Như vậy tính tới thời điểm hiện tại doanh nghiệp này hoàn thành 56% kế hoạch “đầy tham vọng” này.
Xét về hoạt động kinh doanh, kết thúc quý 3/2023, PV Trans ghi nhận doanh thu thuần 2.551 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lãi ròng đạt 321 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ là do năm ngoái doanh nghiệp này ghi nhận lãi đột biến từ thanh lý tàu PVT Athena (khoảng 211 tỷ đồng), trong khi năm nay phần lớn chỉ dựa vào hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, PV Trans ghi nhận doanh thu thuần 6.709 tỷ đồng và lãi ròng 968 tỷ đồng, lần lượt tăng 1,5% và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, doanh nghiệp này đã hoàn thành 89% mục tiêu doanh thu và 180% mục tiêu lãi ròng cả năm nay trong bối cảnh giá cước vận tải dầu và nhiên liệu neo cao, đặc biệt là trên thị trường quốc tế.
Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp lẫn biên lợi nhuận ròng của PV Trans lần lượt đạt 15,6% và 21,9%, cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm 2022 khi doanh nghiệp tận dụng tối đa hiệu quả kinh doanh của các tàu vận chở xăng dầu/hoá chất trong môi trường giá cước cao.
Giá cước tàu dầu dự kiến tiếp tục neo cao
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, hoạt động kinh doanh của PV Trans sẽ tiếp tục ở mức tích cực trong thời gian tới khi giá cước vận tải dầu có xu hướng neo cao.
Trong đó, giá thuê tàu định hạn Aframax và giá thuê tàu chở dầu tầm trung trung bình trong 9 tháng đầu năm 2023 đang lần lượt cao hơn 13% và 55% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do phương Tây hạn chế nhập khẩu dầu/nhiên liệu từ Nga làm thay đổi toàn bộ dòng chảy năng lượng toàn cầu, khiến quãng đường vận chuyển nhiên liệu xa hơn.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC), nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn cầu trong năm 2024 sẽ tăng thêm 0,8-2,25 triệu thùng/ngày so với năm nay.
Trong khi đó, theo hãng tư vấn thị trường vận tải biển lớn nhất thế giới Clarksons, thị trường toàn cầu đang đối mặt tình trạng thiếu hụt tàu chở nhiên liệu, hoá chất khi nguồn cung tăng trưởng tương đối chậm so với nhu cầu. Yếu tố này sẽ hỗ trợ cho giá cước tiếp tục neo cao.
Đồng thời, trong 3 năm qua, PV Trans đã tích cực thực hiện chiến lược “trẻ hóa” đội tàu của mình qua việc thanh lý các tàu cũ không còn khả năng khai thác và đầu tư các tàu mới với hiệu năng tốt hơn, đáp ứng các tiêu chuẩn để tham gia các tuyến vận tải quốc tế. Các tàu mới đầu tư ở thời điểm hiện tại cũng sẽ có cơ hội được ký kết hợp đồng cho thuê trên nền giá cao.
Tại thị trường nội địa, PV Trans đã thỏa thuận thành công về việc tăng giá cước vận chuyển dầu thô cho Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR). Với thỏa thuận mới, ngoài việc giá cước điều chỉnh tăng theo giá nhiên liệu, PV Trans sẽ được hưởng lợi nhờ phần lợi nhuận đảm bảo tăng khoảng 10%, giúp cải thiện trực tiếp biên lợi nhuận gộp.
Mảng vận tải dầu thành phẩm/hóa chất nội địa của PV Trans được kỳ vọng sẽ ổn định trong nửa cuối năm nay và cả năm 2024 do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSR) hoạt động với hiệu suất tốt hơn so với năm 2022. Trong giai đoạn nửa cuối năm 2023 và năm 2024, cả hai nhà máy lọc hoá dầu của Việt Nam đều có lịch đại tu, bảo dưỡng lớn (tháng 8/2023 đối với NSR và quý 2/2024 đối với BSR).
Tuy nhiên, KB Securities Vietnam (KBSV) hiện cho rằng yếu tố trên tác động không đáng kể đến sản lượng vận chuyển của PV Trans do trong quá trình đại tu, các nhà máy sẽ không ngừng hoàn toàn nên PV Trans vẫn sẽ vận chuyển được 1 số tàu nhất định. Ngoài ra, PV Trans có khả năng tối ưu hóa đội tàu bằng cách cho khai thác tại nước ngoài trong ngắn hạn.
Liên quan đến chiến lược mở rộng đội tàu, vào cuối quý 3/2023, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của PV Trans đã tăng 45% so với thời điểm đầu năm, đạt 5.380 tỷ đồng do công ty tăng cường vay nợ để mua tàu mới.
Theo cơ cấu vốn đầu tư năm 2023 được công ty trình bày tại ĐHĐCĐ năm 2023, 34,5% vốn đầu tư tàu mới sẽ được tài trợ từ vốn chủ sở hữu, còn lại là vay thêm ngoại tệ . Điều này đồng nghĩa PV Trans sẽ càng nhạy cảm hơn trước các rủi ro về chi phí lãi vay và tỷ giá khi đầu tư tàu mới.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 7/11, thị giá cổ phiếu PVT đạt 24.300 đồng/cổ phiếu, tăng 13% so với thời điểm đầu năm nay.