Lợi nhuận lên cao nhất 10 quý trở lại đây
Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã cổ phiếu CTD - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 năm tài chính 2024 (tương ứng quý 3/2023).
Xây dựng Coteccons thực hiện thay đổi năm tài chính kể từ năm 2023, theo đó năm tài chính 2023 trở thành năm tài chính chuyển đổi, bắt đầu từ ngày 01/01/2023 và kết thúc vào 30/06/2023.
Trong quý 1 năm tài chính 2024, Xây dựng Coteccons ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.124 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ (tương ứng quý 3/2022).
Sau khi trừ đi giá vốn hàng bán, doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận gộp hơn 100 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, doanh thu hoạt động tài chính tăng 22%, đạt hơn 101 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi tiền gửi ngân hàng và lãi đầu tư chứng khoán kinh doanh tăng mạnh.
Trong kỳ, Xây dựng Coteccons đã nỗ lực tiết giảm các khoản chi phí phát sinh. Theo đó, chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) giảm 26% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm gần 20%.
Kết quả, Xây dựng Coteccons báo lãi ròng hơn 66 tỷ đồng trong quý 1 năm tài chính 2024, so với mức lỗ hơn 3,5 tỷ đồng của cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi theo quý cao nhất kể từ quý 1/2021 của doanh nghiệp này.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vừa được tổ chức hồi giữa tháng 10/2023, cổ đông Xây dựng Coteccons đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm tài chính 2024 với mục tiêu doanh thu thuần 17.793 tỷ đồng và lãi ròng 274 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,6 lần và 5,2 lần so với năm trước.
Như vậy, sau quý đầu tiên, Xây dựng Coteccons đã hoàn thành hơn 23% mục tiêu doanh thu và hơn 24% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tính đến cuối quý 1 năm tài chính 2024, tổng tài sản của Xây dựng Coteccons đạt gần 20.551 tỷ đồng, giảm gần 4% so với thời điểm đầu năm nay. Nguyên nhân chủ yếu do các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng đã giảm 8%, còn 10.689 tỷ đồng, tương đương 52% tổng tài sản. Trong khi đó, tổng tiền & các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn gần như không đổi, đạt 4.079 tỷ đồng, tương đương 20% tổng tài sản.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả (chủ yếu là nợ ngắn hạn) của Xây dựng Coteccons vào cuối quý 1 năm tài chính 2024 đã giảm 7%, còn 12.212 tỷ đồng, chủ yếu do khoản phải trả người bán ngắn hạn giảm. Hiện nợ phải trả chiếm 59% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp này. Xây dựng Coteccons đang nắm hơn 2.958 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và 455 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Khối lượng backlog lên tới 20.000 tỷ, sở hữu danh mục khách hàng bền vững
Một số tổ chức tài chính nhận định, hoạt động kinh doanh của Xây dựng Coteccons đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang bắt đầu có tín hiệu phục hồi với khối lượng công việc còn tồn đọng (backlog) tăng lên.
Tính đến cuối năm tài chính 2023 (tháng 6/2023), tổng khối lượng backlog của doanh nghiệp này lên tới 20.000 tỷ đồng, bằng 1,37 lần tổng doanh thu xây dựng trong năm 2022. Lượng backlog này tạo nền tảng tăng trưởng doanh thu vững chắc cho doanh nghiệp trong những năm tới.
Đáng chú ý, lượng backlog hiện tại của Xây dựng Coteccons hầu hết được tính theo phương pháp fast-track (tính theo giá trị hợp đồng kỳ kết) thay vì cộng cả giá trị các biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) như một số doanh nghiệp cùng ngành khác; qua đó, tạo ra tăng trưởng doanh thu bền vững hơn, kèm theo chi phí và rủi ro thấp hơn trong việc hoạch định kế hoạch kinh doanh.
Bên cạnh đó, sau khi xử lý việc trích lập dự phòng cho các dự án có liên quan đến tập đoàn Tân Hoàng Minh, bảng cân đối kế toán của Xây dựng Coteccons đã được cải thiện và trở nên lành mạnh hơn. Các khoản phải thu từ một số khách hàng lớn đã giảm xuống sau nhiều năm treo trên báo cáo. Điển hình, khoản phải thu của Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An tiếp tục giảm từ 620 tỷ đồng xuống chỉ còn 490 tỷ đồng.
Theo đánh giá mới đây của hãng chứng khoán Mirae Asset Vietnam (MASV), do thị trường bất động sản nói chung, hoạt động xây dựng nói riêng vẫn còn đang khá yếu và trì trệ, dự báo Xây dựng Coteccons sẽ cần tiếp tục trích lập dự phòng cho các khoản phải thu trong vòng 1 - 2 năm tới nhưng ở mức vừa phải (0,5% - 0,7% doanh thu mỗi năm), thấp hơn so với thời điểm năm ngoái khi sự cố với Tân Hoàng Minh xảy ra buộc công ty phải tăng mạnh mức trích lập dự phòng.
Ngoài ra, danh mục khách hàng hiện nay của Xây dựng Coteccons được đánh giá khá bền vững khi gồm loạt chủ đầu tư có nền tảng tài chính vững mạnh, uy tín cao trên thị trường như: Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn Hoà Phát, Tập đoàn Trung Thuỷ, Tập đoàn DOJI, và Tập đoàn LEGO.
Việc áp dụng hình thức bao thanh toán đối với các khách hàng uy tín cũng đã giúp Xây dựng Coteccons ghi nhận dòng tiền dương trở lại sau khi ghi nhận mức âm kỷ lục trong năm 2022. Theo hãng chứng khoán FPTS, nghiệp vụ bao thanh toán chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp có năng lực triển khai dự án tốt do đặc thù ngành xây dựng cạnh tranh gay gắt và nhà thầu bị chiếm dụng vốn trầm trọng.
Hiện Xây dựng Coteccons cũng theo đuổi chiến lược “repeat–sales” với việc tập trung vào các khách hàng hiện hữu có tình hình tài chính lành mạnh và khả năng đảm bảo thanh toán nhằm giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu bền vững.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 6/11, thị giá cổ phiếu CTD đạt 58.700 đồng/cổ phiếu, tăng gần 137% so với thời điểm đầu năm nay - chạm mức cao nhất 18 tháng qua.