Lãi ròng 9 tháng đầu năm đã vượt 52% mục tiêu cả năm
Kết thúc quý 3/2023, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS - sàn UPCoM) ghi nhận doanh thu thuần 2.467 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn hàng bán chỉ tăng 2,6%, do đó lợi nhuận gộp đã tăng 17%, đạt 860 tỷ đồng trong quý 3/2023.
Đồng thời, Đường Quảng Ngãi ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng gấp đôi, đạt 92,5 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi tiền gửi, cho vay tăng mạnh.
Đối với các khoản chi phí, chi phí tài chính đã tăng 46%, đạt 28,5 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 7%, còn hơn 297 tỷ đồng; và chi phí quản lý doanh nghiệp đi ngang so với cùng kỳ năm trước, đạt 76 tỷ đồng. Ngoài ra, Đường Quảng Ngãi ghi nhận khoản thu nhập khác 13 tỷ đồng trong quý 3/2023.
Kết quả, doanh nghiệp mía đường này báo lãi ròng hơn 506 tỷ đồng trong quý 3/2023, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Đường Quảng Ngãi, trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, một số sản phẩm của doanh nghiệp vẫn duy trì tình hình sản xuất ổn định và ghi nhận tăng trưởng cao như: sản lượng sản phẩm đường tăng tới 85%, doanh thu tăng 116%; sản lượng điện cũng tăng 35%, doanh thu tăng 38%.
Ban lãnh đạo Đường Quảng Ngãi cũng cho biết, những biện pháp phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương đối với sản phẩm đường và việc kiểm soát tốt đường nhập lậu cũng đã hỗ trợ tích cực hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua, Đường Quảng Ngãi đã tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất công nghiệp giúp tăng năng suất và chất lượng cây mía. Đồng thời dây chuyền sản xuất đường đã đi vào hoạt động ổn định giúp tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Đường Quảng Ngãi ghi nhận doanh thu thuần 7.749 tỷ đồng và lãi ròng 1.535 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 79% so với cùng kỳ năm 2022. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, doanh nghiệp mía đường này đã hoàn thành 152% mục tiêu lãi ròng cả năm.
Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của Đường Quảng Ngãi đạt 10.266 tỷ đồng, tăng 9,2% so với thời điểm đầu năm. Chủ yếu do tiền gửi có kỳ hạn tăng 25,5%, đạt 5.392 tỷ đồng, chiếm hơn 52% tổng tài sản. Hàng tồn kho tăng 5%, đạt 996 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng tài sản.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả đạt 3.281 tỷ đồng, tăng 17% so với thời điểm đầu năm và chiếm 32% tổng nguồn vốn. Nợ phải trả tăng chủ yếu do thuế và các khoản phải nộp nhà nước tăng.
Đường Quảng Ngãi hưởng lợi từ giá đường tăng và chính sách
Hoạt động kinh doanh của Đường Quảng Ngãi nói riêng và các doanh nghiệp mía đường Việt Nam nói chung đang khởi sắc rõ rệt khi giá đường thê giới lẫn trong nước tăng cao.
Hiện giá đường đang được giao dịch quanh mức 27,7 US cents/pound, tăng gần 50% so với thời điểm đầu năm nay và là mức cao nhất 12 năm trở lại đây. Xuyên suốt quý 3/2023, giá đường thế giới neo cao trên ngưỡng 24,5 US cents/pound.
Tại Việt Nam, vào cuối tháng 9/2023, giá đường đạt 21.500 đồng/kg, tăng gần 19% so với thời điểm đầu năm.
Hãng chứng khoán Vietcombank Securities (VCBS) nhận định giá đường thế giới cùng với giá đường tại Việt Nam có thể tiếp tục giữ ở mức cao trong thời gian tới. Động lực tăng giá đến từ việc Ấn Độ cấm xuất khẩu đường từ tháng 10/2023 nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa. Sản lượng đường niên vụ 2023/2024 của Ấn Độ dự báo giảm 3,3% so với niên vụ trước do lượng mưa tại các khu vực trồng mía chính thấp hơn 50% so với mức trung bình.
Đối với Brazil, mặc dù sản lượng đường tại nước này trong nửa cuối tháng 9 vượt xa kỳ vọng, tình hình mưa được dự báo tăng lên sẽ khiến hoạt động nghiền mía tại đây chậm lại, kìm hãm nguồn cung ra thị trường. Ngoài ra, việc giá ethanol từ mía tại Brazil tăng trở lại từ tháng 7/2023 có thể khiến các nhà sản xuất tăng sản lượng ethanol từ mía, thay vì sản xuất đường.
Theo VCBS, giá đường tại Việt Nam vẫn có thể tiếp tục tăng do nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Bên cạnh đó, sản lượng đường niên vụ 2023/2024 của Thái Lan dự báo sẽ giảm tới 15% so với niên vụ trước do mưa ít.
Tuy nhiên, VCBS cũng lưu ý giá đường trong nước có thể sẽ không tăng quá mạnh như giá đường thế giới khi các cơ quan chức năng đẩy mạnh phòng chống tình trạng găm hàng tăng giá của các đại lý và thực hiện các biện pháp bình ổn giá.
Hãng chứng khoán ABS Research hiện nhận định, với các điều kiện thị trường hiện tại, giá bán đường bình quân cả năm nay của Đường Quảng Ngãi có thể đạt 21.200 đồng/kg, tăng 40% so với năm 2022.
Ngoài ra, theo đánh giá của các tổ chức tài chính, với vị thế là doanh nghiệp sản xuất đường lớn thứ hai toàn ngành, Đường Quảng Ngãi đang hưởng lợi tích cực từ chính sách phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương đối với các sản phẩm đường nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan hoặc sử dụng nguyên liệu từ Thái Lan đối với đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, và Myanmar. Các chính sách này có hiệu lực đến giữa năm 2026 do đó Đường Quảng Ngãi được kỳ vọng sẽ tiếp tục được hưởng lợi.
Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 06/11, cổ phiếu QNS có giá tham chiếu tại mức 46.500 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 43% so với thời điểm đầu năm nay.