Giá cước vận tải dầu khí vẫn sẽ neo cao
Việc liên minh OPEC+, đặc biệt là hai quốc gia xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga, cắt giảm sản lượng khai thác đang khiến giá dầu thô tăng cao, nhưng lại khiến khối lượng vận tải suy giảm, ảnh hưởng tiêu cực tới giá cước vận tải dầu trên thị trường thế giới trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức tài chính hiện cho rằng giá cước vận tải dầu trong trung hạn sẽ vẫn neo ở mức cao, nhu cầu vận tải dầu thô và dầu thành phẩm/hóa chất sẽ gia tăng do giá dầu neo cao kích thích hoạt động khai thác tại các khu vực ngoài OPEC+ và biên lợi nhuận từ việc lọc dầu tăng cao sẽ thúc đẩy các nhà máy lọc hoá dầu trên toàn cầu gia tăng công suất hoạt động. Đồng thời, nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc đang phục hồi trở lại khi nước này tái mở cửa.
Trong khi đó, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đã khiến bản đồ dòng chảy năng lượng toàn cầu thay đổi và khó có thể sớm bị đảo ngược, các tuyến hải trình dài hơn sau lệnh cấm nhập khẩu của EU đối với dầu thô của Nga, khiến hiệu suất vận tải giảm xuống. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng đội tàu trên thế giới đang bị giới hạn do số lượng đơn đặt hàng ở mức thấp trong những năm gần đây, đặc biệt là đối với đội tàu chở nhiên liệu. Hơn nữa, các quy định mới về tiêu chuẩn khí thải sẽ khiến các tàu phải di chuyển với tốc độ thấp hơn và khiến nguồn cung tàu chở dầu đang hoạt động bị siết chặt.
Những yếu tố này sẽ giữ mặt bằng giá cước thuê tàu ở mức cao, tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải dầu khí như Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT - sàn HoSE).
Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, PV Trans ghi nhận tổng doanh thu thuần 4.135 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lãi ròng của doanh nghiệp này đạt 612 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2022. Qua đó, hoàn thành 111% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Đặc biệt, biên lợi nhuận gộp của PV Trans đã được cải thiện đáng kể từ mức 19,5% lên 22,8% trong quý 2/2022 - mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của PV Trans cũng như vượt ước tính của một số tổ chức tài chính đưa ra trước đây.
PV Trans hưởng “trái ngọt” từ chiến lược tích cực trẻ hoá đội tàu
Hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt cho thấy chiến lược tích cực trẻ hóa đội tàu (với tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng trong 5 năm qua) đã và đang mang lại “trái ngọt” cho PV Trans tại thời điểm này.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, PV Trans vẫn tiếp tục chiến lược mở rộng đội tàu với việc đầu tư thêm 5 tàu chở nhiên liệu có tổng trọng tải trên 130.000 DWT (trong đó có 2 tàu được đầu tư theo hình thức thuê mua tàu trần) và 1 tàu VLGC 55.000 DWT.
Như vậy, PV Trans đang sở hữu và vận hành đội tàu gồm 45 tàu chở dầu thô, nhiên liệu/hóa chất, tàu chở hàng rời và tàu chở LPG với tổng trọng tải trên 1,2 triệu DWT. Do giá thuê định kỳ tàu chở dầu toàn cầu vẫn đang neo ở mức cao, PV Trans được kỳ vọng sẽ tiếp tục kiếm được mức giá cao hơn khi gia hạn hợp đồng cho thuê tàu.
Đến năm 2025, PV Trans đặt mục tiêu mở rộng đội tàu lên mức 85 tàu, gồm 72 tàu mua và 13 tàu thuê mua.
Tại thị trường nội địa, PV Trans đã thỏa thuận thành công về việc tăng giá cước vận chuyển dầu thô cho Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR - sàn UPCoM). Với thỏa thuận mới, ngoài việc giá cước điều chỉnh tăng theo giá nhiên liệu, PV Trans sẽ được hưởng lợi nhờ phần lợi nhuận đảm bảo tăng khoảng 10%, giúp cải thiện trực tiếp biên lợi nhuận gộp.
Mảng vận tải dầu thành phẩm/hóa chất nội địa của PV Trans được kỳ vọng sẽ ổn định trong nửa cuối năm nay và cả năm 2024 do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSR) hoạt động với hiệu suất tốt hơn so với năm 2022. Trong giai đoạn nửa cuối năm 2023 và năm 2024, cả hai nhà máy lọc hoá dầu của Việt Nam đều có lịch đại tu, bảo dưỡng lớn (tháng 8/2023 đối với NSR và quý 2/2024 đối với BSR).
Tuy nhiên, KB Securities Vietnam (KBSV) hiện cho rằng yếu tố trên tác động không đáng kể đến sản lượng vận chuyển của PV Trans do trong quá trình đại tu, các nhà máy sẽ không ngừng hoàn toàn nên PV Trans vẫn sẽ vận chuyển được 1 số tàu nhất định. Ngoài ra, PV Trans có khả năng tối ưu hóa đội tàu bằng cách cho khai thác tại nước ngoài trong ngắn hạn.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 18/9, cổ phiếu PVT đạt 25.950 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu PVT đã tăng gần 20%.