Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2023

Quy định ô tô thuộc diện phải triệu hồi, tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, áp dụng mẫu hợp đồng mua bán điện sinh hoạt mới, tăng một số mức thu phí lĩnh vực y tế, đăng ký, cấp biển số xe mô tô ba bánh,... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 10 này.
Nghị định 60/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ quy định 2 trường hợp ô tô thuộc diện phải triệu hồi
Nghị định 60/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ quy định 2 trường hợp ô tô thuộc diện phải triệu hồi

2 trường hợp ô tô thuộc diện phải triệu hồi

Có hiệu lực từ ngày 1/10/2023, Nghị định 60/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ quy định về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu và linh kiện nhập khẩu theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trong đó, Nghị định quy định ô tô thuộc diện phải triệu hồi gồm:

+ Ô tô triệu hồi theo công bố của nhà sản xuất;

+ Ô tô triệu hồi theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra. Việc yêu cầu triệu hồi của cơ quan kiểm tra được thực hiện trên cơ sở bằng chứng cụ thể, kết quả xác minh các thông tin phản ánh về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu.

Xem thêm: "Triệu hồi xe ô tô tại Việt Nam: Quy định mới chi tiết và rõ ràng hơn" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Bãi bỏ 10 Thông tư về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức

Có hiệu lực từ 1/10/2023, Thông tư 12/2023/TT-BNV của Bộ Nội vụ bãi bỏ 10 Thông tư do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong đó bãi bỏ các Thông tư: Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.

Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.

Thông tư số 04/2015/TT-BNV ngày 31/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức...

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Nghị định 62/2023/NĐ-CP ngày 18/8/2023 của Chính phủ bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hiệu lực từ ngày 05/10/2023.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức, chỉ đạo hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày 11/11/2019 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng ở nơi có cảng hàng không, sân bay và các công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng theo quy định của Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về an ninh hàng không.

Người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tối đa 100 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh

Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 18/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có hiệu lực từ ngày 10/10/2023.

Về mức vốn cho vay, Quyết định quy định đối với vay vốn để đào tạo nghề: Mức vốn cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù.

Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù. Với cơ sở sản xuất kinh doanh: Mức vốn cho vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

Áp dụng mẫu hợp đồng mua bán điện sinh hoạt mới

Thông tư 16/2023/TT-BCT ngày 31/8/2023 của Bộ Công Thương hướng dẫn về hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt có hiệu lực từ ngày 16/10/2023.

Thông tư nêu rõ, hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt phải được thể hiện bằng văn bản dưới dạng giấy (hợp đồng này được lập thành 2 bản có giá trị như nhau, mỗi bên giữ 1 bản) hoặc dữ liệu điện tử (đối với dữ liệu điện tử, bên mua điện có thể tra cứu và tải về tại Cổng thông tin điện tử của bên bán điện).

Chủ thể ký hợp đồng của bên mua điện là người đại diện của bên mua điện đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công và có hồ sơ đề nghị đăng ký mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP gửi bên bán điện.

Trường hợp bên mua điện gồm nhiều hộ sử dụng điện chung ký 1 hợp đồng thì chủ thể ký hợp đồng của bên mua điện là đại diện số hộ dùng chung ký hợp đồng và có văn bản ủy quyền của các hộ dùng chung khác. Các hộ dùng chung phải đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP. Tại hợp đồng phải ghi rõ số hộ dùng chung (có danh sách kèm theo) và giá bán điện được áp dụng theo quy định về thực hiện giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành.

Trường hợp bên mua điện là người thuê nhà để ở thì chủ thể ký hợp đồng của bên mua điện được xác định theo quy định về thực hiện giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành.

Chủ thể ký hợp đồng của bên bán điện là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của đơn vị bán lẻ điện có lưới điện phân phối đủ khả năng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu của bên mua điện.

Thời hạn của hợp đồng do hai bên thỏa thuận. Trường hợp hai bên không thỏa thuận cụ thể thời hạn của hợp đồng thì thời hạn của hợp đồng được tính từ ngày ký đến ngày chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Xem thêm: "Áp dụng mẫu hợp đồng mua bán điện sinh hoạt mới từ 16/10/2023" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Từ ngày 16/10/2023, tăng 20% một số mức thu phí trong lĩnh vực y tế

Theo Thông tư số 59/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 16/10/2023, người nộp phí trong lĩnh vực y tế là tổ chức, cá nhân được cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các công việc thẩm định, gồm: thẩm định cấp tiếp nhận, nhập khẩu, xuất khẩu, xác nhận trong lĩnh vực chế phẩm diệt côn trùng diệt khuẩn trong gia dụng và y tế; thẩm định cấp giấy phép lưu hành, nhập khẩu, xuất khẩu, công bố trang thiết bị y tế; thẩm định hoạt động, tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề thuộc lĩnh vực y tế.

Tổ chức thu phí là Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao thực hiện các công việc thu phí và sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các công việc thu phí.

Từ ngày 16/10/2023, tăng 20% một số mức thu phí trong lĩnh vực y tế.

Cụ thể như sau: Mức thu phí thẩm định cấp mới số lưu hành trang thiết bị loại C, D: tăng từ 5 triệu đồng lên 6 triệu đồng/hồ sơ.

Mức thu phí thẩm định cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Khám bệnh, chữa bệnh: tăng từ 360.000 đồng/lần lên 430.000 đồng/lần…

Từ 22/10, miễn lệ phí đăng ký, cấp biển số xe mô tô ba bánh chuyên dùng cho người khuyết tật

Theo Thông tư 60/2023/TT-BTC ngày 7/9/2023 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực từ ngày 22/10/2023, miễn lệ phí đăng ký, cấp biển số với xe mô tô ba bánh chuyên dùng cho người khuyết tật.

Khánh Hương