Đây là nội dung tại Văn bản số 7323/VPCP-KSTT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban chứng khoán nhà nước, Sở Giao dịch và Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thực hiện rà soát, xác thực, làm sạch dữ liệu thông tin về người tham gia giao dịch chứng khoán (trong đó có thông tin người thân tham gia giao dịch chứng khoán). Nội dung này cần thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/11/2023.
Làm sạch dữ liệu người dùng là thực hiện đối chiếu thông tin của người dùng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo trùng khớp và loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng Khoán Việt Nam, tính tới thời điểm 31/8/2023, tổng số tài khoản nhà đầu tư trong nước vượt mốc 7,6 triệu tài khoản, tương đương khoảng gần 8% dân số. Tổng số tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài đạt 44.431 tài khoản.
Việc làm sạch dữ liệu thông tin về người tham gia giao dịch chứng khoán là cần thiết trong bối cảnh vài năm trở lại đây, hàng loạt vụ việc thao túng giá cổ phiếu bằng cách sử dụng nhiều tài khoản để giao dịch đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Có thể kể tới các vụ án khởi tố hình sự liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn FLC. Bị can này cùng đồng phạm bị cáo buộc dùng các thủ đoạn gian dối để thao túng mã cổ phiếu FLC, thu lợi bất chính hơn 530 tỉ đồng.
Ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Louis Holdings và đồng phạm "thổi giá" 2 mã cổ phiếu BII và TGG, thu lợi bất chính hơn 154 tỉ đồng.
Hay như vụ án vợ chồng ông Nguyễn Đỗ Lăng cùng ông Phạm Duy Hưng chỉ đạo các đồng phạm sử dụng 40 tài khoản làm giá cổ phiếu họ APEC (APS, API và IDJ) và thu lời bất chính hơn 157 tỷ đồng.