Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý cho các doanh nghiệp bị giảm lao động do bị cắt, giảm đơn hàng được lùi đóng kinh phí công đoàn.
Các doanh nghiệp được lùi đóng kinh phí công đoàn nếu bị giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 01/01/2023 do bị cắt, giảm đơn hàng. Áp dụng đối với cả trường hợp lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương.
Thời hạn để các doanh nghiệp này đóng kinh phí công đoàn là ngày 31/12/2023.
Ban Thường vụ các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, xác định và chịu trách nhiệm về việc quyết định cho doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng được lùi đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31/12/2023.
Ban Tài chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; các Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Đối với doanh nghiệp, dù không bắt buộc thành lập công đoàn nhưng hằng tháng, doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Cụ thể theo Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp phải đóng với mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Nếu doanh nghiệp chậm đóng, đóng không đúng mức, không đủ số người thuộc diện phải đóng thì doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền với mức từ 12% - 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản và tối đa không quá 75 triệu đồng.
Đối với người lao động là đoàn viên, một trong những nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu của đoàn viên công đoàn là đóng đoàn phí. Theo đó, hằng tháng, đoàn viên đóng đoàn phí bằng 1% tiền lương và tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở.
Lưu ý, theo Hướng dẫn 238/HD-TLĐ, đoàn viên không đóng đoàn phí liên tục 06 tháng mà không có lý do chính đáng sẽ bị kỷ luật.