Ngành Cơ khí Việt Nam khó phát triển, nếu không được đầu tư thích đáng

Mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành Cơ khí đến năm 2010, tầm nhìn 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là đáp ứng 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước và xuất khẩu đạt 30% sản lượng.

Thế nhưng, theo nhận định tại hội thảo “Thực tiễn phát triển công nghiệp Cơ khí Việt Nam giai đoạn 2000 - 2009 thành tựu, yếu kém và nguyên nhân”do Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí tổ chức gần đây, mục tiêu đó khó trở thành hiện thực nếu không được tập trung đầu tư thích đáng.
Sau khi Chiến lược phát triển ngành được Chính phủ phê duyệt, đã có sự vươn lên rầm rộ của cơ khí đóng tàu, cơ khí chế tạo và cung cấp thiết bị toàn bộ, cơ khí xây dựng, cơ khí giao thông, cơ khí nông nghiệp, cơ khí năng lượng mỏ, cơ khí chế tạo thiết bị và vật liệu điện. Nhiều doanh nghiệp sản xuất cơ khí đã từng bước đổi mới, nâng cao khả năng thiết kế, năng lực thiết bị và công nghệ, trình độ quản lý và điều hành nên đã đảm nhiệm vai trò tổng thầu EPC, đóng mới tàu biển, ô tô chở khách, chế tạo nhiều chủng loại thiết bị cung cấp cho các dự án lớn, trọng điểm như thủy điện, xi măng, giấy, mía đường… Tuy nhiên, ngành Cơ khí vẫn chưa phát triển xứng tầm là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.
Ngành Cơ khí vẫn dừng lại ở trình độ gia công, lắp ráp hoặc chế tạo các thiết bị, máy móc cỡ nhỏ, giá trị gia tăng rất thấp; chưa có các cơ sở công nghiệp có thiết bị công nghệ tiên tiến đủ khả năng thiết kế, chế tạo máy, thiết bị công nghệ cao để cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế. Do đầu tư phân tán, nhỏ lẻ, khép kín trong các doanh nghiệp, đặc biệt là tình trạng khó hợp tác trong các tập đoàn và tổng công ty lớn, dẫn đến chi phí cho sản xuất sản phẩm cao, khó cạnh tranh. Đầu tư cho công nghiệp phụ trợ và sản xuất các phôi đúc rèn chưa có chính sách cụ thể, lại không có đầu ra, nên tỷ lệ nội địa hóa cho công nghiệp chế tạo cơ khí còn rất thấp. Đa phần các doanh nghiệp cơ khí đầu tư nhỏ lẻ vào khâu chế tạo, gia công kim loại, kết cấu thép và những ngành hàng cần vốn đầu tư không lớn có thị trường đầu ra nhưng đạt giá trị gia tăng rất thấp. Hàng năm, ngành vẫn phải nhập khẩu các thiết bị, sản phẩm cơ khí từ 10-18 tỷ USD/năm, trong đó, chủ yếu nhập khẩu thiết bị dây chuyền công nghệ cho các dự án đầu tư trong nước, một phần cho cơ khí tiêu dùng, phụ tùng, phụ kiện…
Bên cạnh những yếu kém được chỉ ra ở trên, ngành Cơ khí chưa có môi trường phát triển thuận lợi. Được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa được bao lâu, các doanh nghiệp trong ngành đã phải “ngậm ngùi” chia tay do nước ta bước vào hội nhập, nên chính sách này không còn nữa. Lại thêm chính sách mới về đấu thầu, khiến cho nhiều doanh nghiệp trong nước phải chịu thua thiệt trước các doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều dự án đã rơi vào tay của nhà thầu nước ngoài, trong đó có không ít dự án doanh nghiệp trong nước có thể làm được…
Có một nghịch lý là, khi làm cho dự án nước ngoài, doanh nghiệp được áp dụng mức thuế 0%, trong khi làm dự án trong nước lại phải chịu thuế VAT. Điều đó lý giải vì sao, các doanh nghiệp cơ khí trong nước thường bỏ giá thầu cao và khó trúng thầu hơn doanh nghiệp nước ngoài. Thế nên mới xẩy ra tình trạng doanh nghiệp thắng thầu ở nước ngoài, nhưng lại thua ngay trên sân nhà.
Để ngành Cơ khí có đủ nội lực hội nhập quốc tế và nhất là thực hiện được mục tiêu đáp ứng nhu cầu 45-50% sản phẩm cơ khí của cả nước và xuất khẩu đạt 30% sản lượng, Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí đề nghị Nhà nước cần tạo đơn hàng và có chính sách bảo hộ cho các doanh nghiệp trong nước như một số nước có nền công nghiệp phát triển đã áp dụng. Nhà nước cần tiếp tục chọn lựa một số sản phẩm cơ khí chế tạo trong 8 nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm để tập trung đầu tư; dành vốn hoặc bảo lãnh cho vay nước ngoài để đầu tư cho một số nhà máy quan trọng, có công nghệ tiên tiến, chế tạo thiết bị đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, nông nghiệp và xuất khẩu.
Do không có nguồn vốn, dẫn đến khó cạnh tranh nên ngành Cơ khí rất cần được Chính phủ giúp đỡ xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành; sắp xếp lại khối các doanh nghiệp cơ khí thuộc sở hữu nhà nước để tạo sức mạnh liên kết, hợp tác đầu tư. Để tạo bước phát triển mạnh và hiệu quả, đề nghị cần xây dựng một trung tâm cơ khí nặng tại miền Bắc và xây dựng một nhà máy cơ khí lớn ở miền Nam để đảm nhiệm nhiệm vụ quốc phòng và phát triển kinh tế.
Hiệp hội còn đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho các viện nghiên cứu thiết kế của Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản VN, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy… trở thành các viện nghiên cứu đầu ngành nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm trước khi đưa vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu phát triển cơ khí cho cả nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm có chủ trương, chính sách cụ thể ưu tiên dùng hàng cơ khí trong nước đạt chất lượng, để giảm nhập siêu, giảm thuế nhập khẩu sắt thép, nguyên vật liệu trong nước chưa sản xuất được và giảm thuế VAT cho các sản phẩm cơ khí trong nước sản xuất dưới 5%; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chế tạo linh kiện, phụ kiện tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để tăng thêm cơ hội xuất khẩu.