Hỏi: Lộ trình sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam để phù hợp với cam kết trong Hiệp định EVFTA là như thế nào?
Đáp: Theo kết quả rà soát pháp luật, một số quy định hiện hành trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009 cần phải được tiến hành sửa đổi, bổ sung ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Tuy vậy, theo kế hoạch, Luật này cũng sẽ cần phải được sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với Hiệp định CPTPP và theo đó sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 2 năm 2021 (do có thời gian chuyển đổi là 3 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực).
Do vậy, để bảo đảm việc sửa đổi luật được tổng thể, toàn diện và nhất quán, Chính phủ dự kiến sẽ kết hợp việc sửa đổi, bổ sung này với cả những nghĩa vụ theo Hiệp định EVFTA để trình Quốc hội xem xét vào năm 2021.
Như vậy, trong thời gian từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực cho đến khi Luật sửa đổi của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009 chính thức có hiệu lực, các nghĩa vụ theo Hiệp định EVFTA sẽ được áp dụng trực tiếp thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA.
Bên cạnh đó, những cam kết dự kiến đưa vào Nghị quyết của Quốc hội để áp dụng trực tiếp trong thời gian sửa Luật (cụ thể là các nội dung liên quan đến hiệu lực của nhãn hiệu, giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, quy định liên quan đến kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm là bộ phận của sản phẩm phức hợp, bù đắp cho chủ sở hữu sáng chế do chậm chễ trong thủ tục cấp phép đăng ký thuốc) sẽ được chi tiết hóa để bảo đảm việc thực thi được nhất quán, rõ ràng, thuận lợi.
Hỏi: Hiệp định EVFTA quy định cơ quan quản lý phải bù đắp cho chủ sở hữu sáng chế do chậm chễ trong thủ tục cấp phép đăng ký thuốc. Cam kết này chưa có trong luật hiện hành. Vậy Chính phủ dự kiến kế hoạch sửa đổi như thế nào?
Đáp: Theo kết quả rà soát pháp luật, quy định về việc bù đắp cho chủ sở hữu sáng chế là dược phẩm nếu thời hạn khai thác sáng chế bị rút ngắn do chậm trễ bất hợp lý trong thủ tục xin cấp phép lưu hành dược phẩm đó cần phải được bổ sung vào Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009.
Tuy vậy, Chính phủ đã dự kiến sẽ kết hợp sửa đổi, bổ sung các cam kết EVFTA cùng với cả các cam kết của CPTPP để đưa vào luật sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và dự kiến trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 2 năm 2021. Do vậy, trong thời gian chờ sửa luật, quy định này sẽ được áp dụng trực tiếp thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA.
Hỏi: Các cam kết liên quan đến dịch vụ bảo hiểm y tế là thế nào? Việc thực hiện các cam kết này có cần phải sửa luật hiện hành không?
Đáp: Việt Nam không có bất kỳ cam kết nào đối với dịch vụ bảo hiểm y tế. Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Do đó, dịch vụ bảo hiểm y tế không thuộc phạm vi điều chỉnh của cam kết quốc tế nói chung, bao gồm Hiệp định EVFTA.
Việt Nam chỉ cam kết đối với dịch vụ bảo hiểm sức khỏe (health insurance services), hay còn gọi là dịch vụ bảo hiểm y tế tự nguyện. Nội dung cam kết cụ thể đối với dịch vụ này như sau:
- Đối với phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới: Ta không cam kết đối với dịch vụ bảo hiểm sức khỏe;
- Đối với phương thức cung cấp dịch vụ thông qua hình thức hiện diện thương mại: Ta cam kết không hạn chế, ngoại trừ các quy định trong cam kết chung.
Theo kết quả rà soát pháp luật, các cam kết liên quan đến mở cửa thị trường dịch vụ - đầu tư, trong đó có dịch vụ bảo hiểm sức khỏe, đã đủ rõ và đủ chi tiết nên được kiến nghị áp dụng trực tiếp khi Hiệp định có hiệu lực.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã có kế hoạch sửa đổi tổng thể Luật Kinh doanh bảo hiểm trong đó tích hợp cả những cam kết theo các FTA mà Việt Nam tham gia gần đây là CPTPP và EVFTA. Dự kiến dự án luật này sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 2 năm 2021.
Hỏi: Lộ trình sửa đổi đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với cam kết trong Hiệp định EVFTA?
Đáp: Theo kết quả rà soát pháp luật, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2010 phải sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến việc cho phép thành lập chi nhánh công ty tái bảo hiểm nước ngoài để bảo đảm phù hợp với cam kết trong Hiệp định EVFTA và cam kết này có thời gian chuyển đổi là 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Hiện Chính phủ đang đề xuất trình Quốc hội xem xét Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ hai năm 2021 của Quốc hội khóa XV. Việc sửa đổi này sẽ bao gồm cả nghĩa vụ theo Hiệp định EVFTA.
Hỏi: Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi với những sửa đổi, bổ sung để phù hợp với cả Hiệp định CPTPP và EVFTA. Vậy Luật Công đoàn có cần sửa để bảo đảm phù hợp với cam kết trong các Hiệp định này không?
Đáp: Các nội dung của các Công ước của ILO đều đã được nội luật hóa trong Bộ luật Lao động sửa đổi và cũng sẽ được quy định hướng dẫn chi tiết hơn trong các văn bản hướng dẫn thực thi Bộ luật mà hiện Chính phủ đang xây dựng.
Đối với Luật Công đoàn, hiện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang xây dựng dự thảo sửa đổi. Theo quan điểm của Chính phủ, để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa các luật hiện hành trong nước, việc sửa đổi Luật Công đoàn đối với những nội dung đã được sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Lao động là điều cần thiết.
Hỏi: Đối với những văn bản pháp luật phải sửa đổi hoặc ban hành ngay để phù hợp với cam kết, Chính phủ đã có kế hoạch như thế nào để kịp thời ban hành ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực?
Đáp: Theo kết quả rà soát pháp luật, một số các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ và các Bộ, ngành cần phải có hiệu lực ngay vào thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ví dụ như biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, mua sắm của Chính phủ, quy tắc xuất xứ…
Do vậy, để bảo đảm có đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc thực thi Hiệp định, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương chủ động rà soát để có thể tiến hành ngay việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Chính phủ, bảo đảm các văn bản này được ban hành đúng thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ cũng sẽ xem xét việc ban hành theo thủ tục rút gọn đối với các văn bản này.
Hỏi: Trong Hiệp định EVFTA, Việt Nam cam kết sẽ gia nhập Hiệp định về Quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về Biểu diễn và Bản ghi âm (WPPT) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Tuy vậy, cam kết này không được thể hiện trong kết quả rà soát pháp luật của Chính phủ. Đề nghị làm rõ và bổ sung nội dung này.
Đáp: Trong Hiệp định EVFTA, Việt Nam cam kết sẽ gia nhập 2 công ước nói trên của WIPO sau 3 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam cũng có cam kết tương tự và theo lộ trình thì Chính phủ sẽ xúc tiến việc gia nhập các công ước này trong năm 2022 (do Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực vào năm 2019).
Như đã trình bày trong Tờ trình phê chuẩn EVFTA, việc rà soát có tham khảo và đối chiếu với kết quả rà soát Hiệp định CPTPP. Đối với những cam kết tương tự cùng có trong Hiệp định EVFTA và CPTPP, nếu những đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định CPTPP trước đây đã đủ để đảm bảo thực hiện những cam kết tương tự trong EVFTA thì sẽ không được nhắc lại trong kiến nghị sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật để thực thi EVFTA.
Do vậy, đối với việc tham gia 2 công ước của WIPO nói trên, Chính phủ không nhắc lại trong kết quả rà soát và kiến nghị gia nhập các điều ước quốc tế để thực hiện EVFTA.
Tuy vậy, Bộ Công Thương đã bổ sung việc gia nhập 2 công ước vào dự thảo Kế hoạch thực thi của Chính phủ để bảo đảm việc thực thi được đầy đủ và hiệu quả.
Hỏi: EVFTA dự kiến sẽ mở cửa cho nhà thầu EU tham gia các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện Việt Nam với một ngưỡng giá trị tối thiểu nhất định. Do vậy, có cần phải sửa đổi các quy định liên quan đến mua sắm công tại Luật Dược và Luật Đấu thầu để đảm bảo phù hợp với EVFTA hay không?
Đáp: Các gói thầu theo cam kết trong EVFTA chỉ mở cho các nhà thầu của EU. Do vậy, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một nghị định hướng dẫn riêng với những gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này thay vì sửa các luật hiện hành có liên quan. Cách làm này tương tự như Hiệp định CPTPP mà hiện Chính phủ đã và đang triển khai.
Theo quy định tại Điều 17.16.2 trong Hiệp định, EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà cả hai bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ để Hiệp định này có hiệu lực. Hoặc hai bên cũng có thể thống nhất với nhau về một thời điểm khác để Hiệp định chính thức có hiệu lực.
Hiện nay EU đã hoàn tất thủ tục nội bộ của mình đối với việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Do vậy, trong tờ trình các cấp về việc phê chuẩn Hiệp định, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ thống nhất với phía EU về thời điểm có hiệu lực của Hiệp định trên tinh thần là vào thời điểm sớm nhất nhằm tận dụng các cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là giảm thiểu tác động tiêu cực của tình hình dịch bệnh COVID-19 đối với nền kinh tế trong thời gian vừa qua.